Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tương lai bền vững cho ngành gỗ: [Bài 3] Chuyển đổi xanh

Một trong những giải pháp để ngành gỗ Việt phát triển bền vững trong bối cảnh thách thức bủa vây như hiện nay là phải chuyển đổi xanh…

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam01/04/2025

Xu thế tất yếu

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc của ngành gỗ Việt để đỡ bị áp lực khi phải tuân thủ quy định EUDR. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ, hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Còn ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends thì cảnh báo: “Nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển đổi theo hướng bền vững, nguy cơ bị mất thị trường là rất lớn. Các quốc gia nhập khẩu đang áp dụng những hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt, đặc biệt là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp và chứng nhận môi trường”.

Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác trong tự động hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác trong tự động hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Ngọc Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Dịch vụ chứng nhận Lâm nghiệp và Gỗ của SGS Việt Nam, đề xuất một số giải pháp giúp ngành gỗ Việt thích ứng với quá trình chuyển đổi xanh. Theo đó, cần phát triển vùng nguyên liệu bền vững, trong đó khuyến khích trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến dây chuyền sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu và giảm phát thải. Tận dụng các chính sách hỗ trợ là chủ động tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế về chuyển đổi xanh. Giảm phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách khai thác tiềm năng của thị trường nội địa với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Chánh Văn phòng Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai chia sẻ: “Tham quan tại Bình Định, chúng tôi thấy hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ ở đây không chỉ đổi mới công nghệ mà còn có chiến lược sản xuất hiệu quả, giúp các doanh nghiệp khác trong ngành học hỏi kinh nghiệm về mô hình sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh”.

Hình thành chuỗi cung ứng

Đứng trước bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị của thế giới; ngoài ra, ngành gỗ còn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và chính sách thuế của những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, nhiều ý kiến cho rằng ngành gỗ Việt phải tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, người trồng rừng và các đơn vị cung ứng nguyên liệu để phát triển bền vững. Đặc biệt là hiện nay gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Định BFC, cho biết: “Chúng tôi nhập khẩu gỗ từ Nga, Hoa Kỳ để chế biến, nhưng nếu chủ động được nguyên liệu trong nước, ngành gỗ sẽ có nhiều lợi thế hơn”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng việc phát triển rừng gỗ lớn là không  thể không làm. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng việc phát triển rừng gỗ lớn là không  thể không làm. Ảnh: V.Đ.T.

Trong quý I/2025, xuất khẩu gỗ cả nước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng 10-15%. Bên cạnh vấn đề chủ động gỗ nguyên liệu, ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số và đầu tư công nghệ.

“Dù có nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, nhưng sự kết nối trong chuỗi liên kết vẫn chưa chặt chẽ. Nếu không xây dựng được chuỗi cung ứng đồng bộ, ngành gỗ khó có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh”, ông Lương chia sẻ.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cũng rất boăn khoăn về “lỗ hổng” về chuỗi cung ứng của ngành gỗ Việt Nam. “Một câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu tôi là vì sao ngành gỗ Việt chưa hình thành được chuỗi cung ứng đủ mạnh để phục vụ cho hoạt động của ngành. Phải chăng do sự gắn kết của các doanh nghiệp ngành gỗ còn yếu, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không ít trong hoạt động sản xuất”, ông Quân boăn khoăn.

Yêu cầu chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng cấp bách. Ảnh: V.Đ.T.

Yêu cầu chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng cấp bách. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định, hiện nay chính sách liên quan đến phát triển ngành gỗ của thế giới đang thay đổi rất nhiều. Các doanh nghiệp ngành gỗ phải quan tâm điều đầu tiên là chất lượng sản phẩm, tiếp đến là vấn đề thị trường, sản xuất xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là tự động hóa trong sản xuất.

Đồng thời, ông Tuấn cho rằng hiện chuỗi cung ứng trong ngành gỗ đang có vấn đề. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành gỗ cần có chuỗi cung ứng đảm bảo mỗi công đoạn, phải có doanh nghiệp mạnh dạ đứng ra xây dựng chuỗi cung ứng toàn phần để đảm bảo chi phí rẻ, từ đó đảm bảo giá thành cạnh tranh.

“Việc trồng rừng gỗ lớn là không thể không làm. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần phối hợp với các hiệp hội địa phương và doanh nghiệp tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chính sách hỗ trợ về trồng rừng gỗ lớn”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/tuong-lai-ben-vung-cho-nganh-go-bai-3-chuyen-doi-xanh-d743482.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm