Vươn thị trường quốc tế
Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, hiện nước ta có gần 40.000 hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu đến năm 2024 khoảng 13.900ha, sản lượng kén đạt hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ tằm đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông (chiếm gần 75% tổng diện tích).
Ngành dâu tằm tơ Việt Nam đã mở ra những xu hướng mới trong phát triển công nghiệp như sử dụng toàn diện nguồn tài nguyên nuôi tằm; nuôi tằm công nghệ cao; sản xuất tơ lụa thông minh, xanh và bền vững.
Việt Nam đã chủ động sản xuất giống dâu có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật nuôi tằm tập trung đã được áp dụng trên toàn quốc. Cả nước hiện có 25 nhà máy ươm tơ tự động, 10 nhà máy dệt. Sản lượng lụa chất lượng cao khoảng 1.000 tấn/năm, mỗi năm sản xuất khoảng 5 triệu mét vải lụa.
Sản lượng tơ của nước ta đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Ảnh: Thanh Tiến.
Hiện nay, sản phẩm lụa Việt Nam có đặc điểm mềm, nhẹ, sợi tơ dệt chắc chắn. Các sản phẩm từ lụa như khăn, áo sơ mi, vải, rèm cửa… đang được các thị trường lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Pháp, Ý, Thái Lan… tiêu thụ nhiều nhất, thậm chí đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam đánh giá, những năm gần đây Trung Quốc giảm gần 50% sản lượng tơ, đây là cơ hội cho Việt Nam và các nước khác phát triển ngành hàng tơ tằm.
Thuận lợi của Việt Nam là có nguồn nhân lực kinh nghiệm cao về nuôi tằm, trồng dâu. Nghề trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống nên người dân đã có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Nước ta cũng đã có các giống dâu lai mới cho năng suất cao; công nghệ kỹ thuật cải tiến nuôi tằm con tập trung; công nghệ ươm tơ chuyển đổi từ ươm tơ cơ khí qua ươm tơ tự động làm tăng năng suất.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng. Giá tơ lụa trên thị trường cao và tương đối ổn định. Tơ tằm Việt Nam được ưu đãi thuế quan, miễn thuế khi xuất khẩu vào Ấn Độ.
Chưa chủ động nguồn tằm giống chất lượng
Cũng theo TS Lê Quang Tú, dù đã đạt được nhiều thành công vượt bậc, ngành dâu tằm tơ Việt Nam vẫn đang tồn tại những hạn chế nhất định, các giống lưỡng hệ kén trắng trong nước chưa có độ ổn định cao, chất lượng tơ và tỷ lệ lên tơ tự nhiên vẫn còn thấp. Các giống đa hệ cho chất lượng tơ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất dâu tằm tơ.
Trong khi đó, nhu cầu nuôi tằm lưỡng hệ rất lớn, đa số các giống tằm lưỡng hệ kén trắng (cho chất lượng tơ tốt và năng suất cao) đều đang được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc (chủ yếu là giống LQ2), không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất.
Việc nhập khẩu chính ngạch giống tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam để đảm bảo chất lượng trứng giống vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và xúc tiến thương mại, chưa được chấp thuận.
Nguồn tằm giống vẫn là hạn chế của ngành dâu tằm Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.
Công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành các liên kết sản xuất chặt chẽ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến chủ yếu quan tâm đến các sản phẩm tơ, kén, ít quan tâm đến việc liên kết cung ứng giống, vật tư đầu vào gắn với thu mua sản phẩm nên vẫn còn xảy ra tình trạng giá bán kén lên xuống thất thường.
Về tổng thể, sản xuất dâu tằm vẫn cơ bản mang tính thủ công ở nhiều khâu, nhất là khâu canh tác và thu hái dâu, công việc nuôi tằm phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế.
Phát triển 4 vùng dâu tằm trọng điểm
Theo TS Lê Quang Tú, để ngành tằm tơ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế bền vững, Việt Nam cần thực hiện quy hoạch phát triển trồng dâu nuôi tằm, chú trọng tới những vùng dâu tằm có lợi thế so sánh là những vùng đất bãi ven sông, trung du miền núi.
Tập trung phát triển 4 vùng sản xuất dâu tằm trọng điểm là vùng Tây Nguyên, Trung du Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Ở các địa phương cần quy hoạch vùng trồng dâu tập trung để khai thác lợi thế so sánh và tránh ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật.
Việc quy hoạch các vùng trồng dâu nuôi tằm là yếu tố then chốt giúp ngành dâu tằm tơ nước ta chiếm lĩnh thị trường thời gian tới. Ảnh: Thanh Tiến.
Về khoa học công nghệ, cần tập trung đầu tư nghiên cứu để lai tạo các giống dâu, tằm cao sản thế hệ mới nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước. Khuyến khích kết hợp nghiên cứu sản xuất giống tằm trong nước với nhập khẩu chính thức giống tằm.
Hỗ trợ giống gốc, đầu tư xây dựng mới các cơ sở nhân giống, đặc biệt là hệ thống giống cấp 2 để sản xuất giống cung cấp cho sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng dâu nuôi tằm.
Bên cạnh đó, khuyến khích tổ chức sản xuất với quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu. Từng bước đổi mới cơ cấu về tổ chức sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động gắn với vùng nguyên liệu, chịu trách nhiệm cung ứng giống và các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đồng thời thu mua sản phẩm trong vùng.
Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng quy mô sản xuất, hiện đại hóa công nghiệp ươm tơ và dệt lụa. Đầu tư đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, ươm tơ và dệt lụa để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Thêm nữa, nhà chức trách cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán để có thể nhập khẩu chính ngạch giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc vào Việt Nam đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống tằm cần tăng cường phối hợp với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống và vật liệu di truyền cho công tác lai tạo, bồi dục, nâng cao năng suất và tỷ lệ tơ, kén của các giống tằm trong nước.
"Cần kết nối sản xuất dâu tằm với các làng nghề dệt lụa truyền thống hình thành nên chuỗi dâu - tằm - tơ - lụa nhằm khai thác thế mạnh nghề truyền thống, giá trị lịch sử và văn hóa, đảm bảo thị trường tiêu thụ vững chắc, nâng cao hiệu quả cho người trồng dâu nuôi tằm và các tác nhân tham gia trong chuỗi", TS Lê Quang Tú nhấn mạnh.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/tuong-lai-sang-dau-tam-to-mien-nui-phia-bac-bai-5-nghien-cuu-giong-tam-moi-d743847.html
Bình luận (0)