Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng AI để lọc website lừa đảo

Các thành viên nhóm thực hiện đề án xác định đây là cơ hội quý để học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và cống hiến vì cộng đồng

Người Lao ĐộngNgười Lao Động23/04/2025

Nhóm 4 sinh viên Trường ĐH Swinburne Việt Nam đã hoàn thành nghiên cứu và thử nghiệm thành công một công cụ từ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng nhận diện, lọc website độc hại, giả mạo chỉ trong vài giây.

Từ ý tưởng đến hành động

Lê Nguyễn Việt Cường, trưởng nhóm sinh viên, cho biết các thành viên của nhóm nhận thấy gần đây xuất hiện nhiều trang web lừa đảo với hình thức ngày càng tinh vi trong khi giải pháp hiện tại dựa vào yếu tố con người không đủ để ngăn chặn.

Do đó, nhóm 4 sinh viên đã lập trang web https://ai.chongluadao.vn/, có thể phân tích trực tiếp từ website mà người dùng đang xem để đánh giá độ an toàn. "Áp dụng AI và phân tích, nhóm có thể biết được cách thức lừa đảo, cung cấp thông tin cho người dùng để nâng cao nhận thức cho người dùng" - Cường giới thiệu.

Theo Trương Đức Sang, thành viên của nhóm, nhóm sử dụng các mô hình AI phổ biến, có sẵn trên thị trường như ChatGPT, Gemini, Claude, Grok, Deepseek... Sau khi phân tích, so sánh kết quả của các mô hình, chi phí vận hành, đánh giá độ chính xác..., nhóm đã chọn ra ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, phù hợp nhất để triển khai dự án.

Ứng dụng AI để lọc website lừa đảo- Ảnh 1.

Nhóm 4 sinh viên tại Trường ĐH Swinburne Việt Nam nghiên cứu một ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận diện, lọc website độc hại chỉ trong vài giây. Ảnh: DUY PHÚ

Một thành viên khác, sinh viên Nguyễn Văn Huy Quang, nêu thực tế các ứng dụng lọc website độc hại, lừa đảo trên thị trường hiện nay sử dụng thông tin do đơn vị cung cấp đã thu thập sẵn về kho dữ liệu, không phải nội dung trực tiếp từ website mà người dùng đang xem. "Dùng AI phân tích có thể giúp người dùng nhận biết được website độc hại, nhận biết được website đó trong thời gian thực nguy hiểm ra sao" - Quang giải thích.

Các thành viên của nhóm giới thiệu ứng dụng này được truy cập dễ dàng bằng website, chỉ cần có internet. Người dùng có thể cung cấp địa chỉ URL của một trang web nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, sau đó AI có thể phân tích, kiểm tra được ngay.

Dự án vì cộng đồng

Theo học ngành AI và phần mềm, các sinh viên trẻ cho rằng để triển khai dự án thành công, kiến thức học ở trường là chưa đủ mà quan trọng hơn cả là tinh thần quyết tâm, tự học hỏi, tìm tòi kiến thức.

Thành viên của nhóm, sinh viên Nguyễn Vĩnh Khang, bày tỏ đây là dự án vì cộng đồng nên nhóm mong muốn có thể phổ biến rộng rãi đến người dùng, giúp tăng cường cảnh báo đến cộng đồng về nguy cơ gặp website giả mạo, dính mã độc, bị lừa đảo mất dữ liệu hay tài sản. Đồng thời, nhóm cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn được website lừa đảo trước khi bị phát tán.

Nói thêm về quá trình thực hiện, Đức Sang cho biết khó khăn lớn nhất là dự án sử dụng các mô hình AI, mô hình ngôn ngữ lớn chỉ mới ra đời 1-2 năm. "Với những dự án đi trước, những người đi trước, trở ngại nằm ở chỗ tài liệu rất hạn chế. Nhóm phải mày mò, tìm hiểu, thử nghiệm rất nhiều lần và không phải lần nào cũng đạt kết quả như mong đợi, do đó khá tốn thời gian" - Đức Sang nhớ lại.

Với trưởng nhóm Lê Nguyễn Việt Cường, khó khăn nhất là khâu lấy dữ liệu, bởi cần nhiều dữ liệu để huấn luyện cho AI, trong khi thông tin, dữ liệu trên internet chỉ ở mức tương đối.

"Vì biết không có nguồn dữ liệu nào hoàn hảo nên các thành viên phải nhập liệu thủ công và chỉnh sửa. Nhập liệu xong, đến lúc đợi AI trả kết quả cũng là khoảng thời gian vừa hồi hộp vừa phấn khích. Dữ liệu lớn có thể tốn cả ngày để chạy, sau khi ra kết quả lại tiếp tục thử nghiệm. Có những lúc tưởng thành công rồi nhưng kết quả cho ra độ chính xác thấp, tuy thất vọng nhưng cả nhóm lại quyết tâm tìm cách" - Cường kể. 

Độ chính xác lên đến 98%

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn, cho biết cuối năm 2024, trong quá trình tham gia giảng dạy về an ninh mạng tại Trường ĐH Swinburne Việt Nam, ông phát hiện một nhóm sinh viên có nhiều tâm huyết và rất nhanh nhạy với các ứng dụng AI nên đã tập hợp lại để trao đổi về ý tưởng đã ấp ủ. Công cụ lọc website độc hại do nhóm sinh viên thực hiện với những kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên trong dự án Chongluadao.vn đã hoàn thành, cho độ chính xác đến hơn 98%.

Người "đỡ đầu" của dự án nhận xét công cụ này giúp phát hiện trang web lừa đảo rất sớm, thậm chí từ khi chưa có cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, công cụ này có giao diện thân thiện, có thể tích hợp vào giao diện của nhiều bên.

"Chúng tôi mong muốn sản phẩm này có thể được người dân, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đưa vào sử dụng. Chúng tôi cũng hy vọng các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu sẽ trở thành thế hệ F2 của dự án Chongluadao.vn" - ông Hiếu bày tỏ.


Nguồn: https://nld.com.vn/ung-dung-ai-de-loc-website-lua-dao-196250422215400349.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm