Cán bộ nghiên cứu kiểm tra tôm nuôi
 

Lạm dụng kháng sinh, ô nhiễm môi trường

Trong vài năm qua, nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển ở thành phố Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh triền miên được xem là nguyên nhân chính dẫn đến nuôi tôm thua lỗ. Từ hàng trăm ha ao hồ nuôi tôm bình quân mỗi năm hai vụ, nay phần lớn đang bị bỏ hoang từ vài năm nay. “Chừng 2-3 năm trở lại đây, vụ nào cũng thua lỗ do dịch bệnh, người dân không có khả năng tái đầu tư nên đành bỏ hoang ao hồ”, ông Võ Kháng ở phường Phong Quảng (sáp nhập từ phường, xã Phong Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn) nói.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, mặc dù trở thành phong trào nuôi tôm trên cát ven biển nhưng vẫn phát triển tự phát. Hầu hết diện tích nuôi đều lấy nước từ biển trực tiếp đưa vào ao nuôi, rồi thải nước trực tiếp đã sử dụng ra biển mà không qua xử lý môi trường. Khi tôm bị dịch bệnh, người dân vẫn xả nước không qua xử lý khiến mầm bệnh phát tán nhanh chóng. Đây là điều đáng lo ngại vì nguy cơ dẫn đến những hậu quả xấu cho chính những người nuôi tôm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

PGS.TS Mạc Như Bình, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, hiện nay việc sử dụng kháng sinh điều trị bệnh trên tôm rất phổ biến. Tuy nhiên, kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trên động vật thủy sản không còn hiệu quả, do các dòng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng. Trước tình hình đó cần có các phương pháp nghiên cứu và chữa trị mới, trong đó một trong những xu hướng được đánh giá cao là công nghệ nano.

Các nghiên cứu cho thấy hệ dẫn thuốc nano, với kích thước cỡ nanomet, có khả năng vượt qua các hàng rào sinh học của cơ thể vật chủ và đối phó với cơ chế kháng thuốc của tác nhân gây bệnh. Dựa trên tính chất của những loại vật liệu tiên tiến, quá trình phóng thích thuốc còn có thể được kiểm soát, tập trung tại các vùng có tác nhân gây bệnh nhằm giúp nâng cao hiệu quả tác dụng của thuốc, giảm thiểu những tác dụng phụ đối với cơ thể vật chủ.

Ưu điểm của công nghệ nano

 Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã xây dựng mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano với diện tích 3.000m2 mang lại hiệu quả, mở ra cơ hội mới cho nghề nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung trên địa bàn thành phố Huế và cả nước.

TS. Mạc Như Bình trao đổi, mô hình trên phục vụ nghiên cứu nhằm đưa công nghệ nano tổ hợp mang kháng sinh vào nuôi tôm chân trắng để phòng và trị các bệnh phổ biến do vi khuẩn gây ra trên tôm. Quá trình triển khai mô hình cho thấy, ứng dụng công nghệ nano góp phần hạn chế việc sử dụng kháng sinh cũng như làm giảm dư lượng kháng sinh tồn dư so với các biện pháp sử dụng kháng sinh thông thường. Từ đó, đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng hệ vật liệu mới, làm cơ sở cho việc ứng dụng rộng rãi trong nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung.

Công nghệ nano hiện nay đang được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi để loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước. Vật liệu nano trong các dạng vật liệu hoạt hóa như carbon, nhôm, với các chất mang như zeolite, bentonite và các hợp chất chứa sắt có thể được sử dụng để tạo màng lọc hiếu khí và kỵ khí để loại bỏ ammoniac, nitrit. Các hạt nano với hoạt tính kháng khuẩn cao như nano bạc, nano oxide kẽm, titan dioxide, đồng và sắt là những đối tượng được nghiên cứu phổ biến nhất.

Sử dụng những hạt nano này trong xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản giúp loại bỏ mầm bệnh và nguồn bệnh gây hại cho thủy sản nuôi, gồm các loại vi khuẩn và virus gây bệnh cho thủy sản như tôm, cá, nhuyễn thể…; đồng thời làm sạch các tạp chất trong môi trường nước. Sử dụng hạt nano xử lý môi trường sẽ làm tăng chất lượng nước, loại bỏ gần như triệt để các mầm bệnh cũng như các chất gây độc cho thủy sản nuôi, giảm tối thiểu việc sử dụng các loại chất kháng sinh và các chất xử lý môi trường độc hại. Mặt khác, khi môi trường nuôi thủy sản bị nhiễm bệnh, việc sử dụng các hạt nano để xử lý môi trường nuôi với ưu thế hoạt tính nhanh và mạnh sẽ nhanh chóng làm sạch môi trường và giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực nuôi trồng.

Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đang tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano nhằm góp phần nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển một cách bền vững, hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-nano-trong-nuoi-tom-tren-cat-155872.html