Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: "Vũ khí" chặn hàng giả, hàng nhái

(Dân trí) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ hiện đại được xem là “chìa khóa” để siết chặt quản lý và bảo vệ thị trường.

Báo Dân tríBáo Dân trí08/07/2025

Sáng 8/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam".

Sự kiện nhằm cụ thể hóa các chủ trương trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử và kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Hàng giả “đánh thẳng” vào siêu thị, bệnh viện

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: Vũ khí chặn hàng giả, hàng nhái - 1

Đại tá Phạm Minh Tiến, Trung tâm dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an), nhấn mạnh: Hàng giả, hàng nhái đang xâm nhập từ siêu thị đến bệnh viện, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đây là thách thức lớn với các cơ quan chức năng, đồng thời làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị vi phạm lên tới 6.500 tỷ đồng. Đáng báo động là tình trạng làm giả thực phẩm, dược phẩm, đều là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Theo Đại tá Tiến, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là điều kiện tiên quyết để kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. 

“Từ góc độ quản lý nhà nước về dữ liệu, chúng tôi nhận thấy việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain, là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông nói.

Đáng chú ý, nhiều nền tảng truy xuất hiện nay do chính các kỹ sư công nghệ người Việt phát triển, phù hợp với đặc thù thị trường trong nước. Trung tâm Dữ liệu quốc gia cam kết đồng hành, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý và an ninh để các giải pháp này sớm được chuẩn hóa, kết nối với hạ tầng dữ liệu quốc gia.

Truy xuất nguồn gốc là “hộ chiếu số” của sản phẩm

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: Vũ khí chặn hàng giả, hàng nhái - 2

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Bộ KH&CN (Ảnh: BTC).

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Bộ KH&CN), cho biết hàng giả hiện nay chia thành ba nhóm chính: giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ.

Trong năm 2024, cơ quan chức năng đã xử lý 34.000 vụ vi phạm, trong đó có nhiều vụ điển hình như thuốc giả tại TPHCM, sữa giả tại Hà Nội, mỹ phẩm và thiết bị điện tử giả tại các tỉnh phía Bắc.

Ông Chính cho rằng, giải pháp căn cơ là mã hóa định danh toàn bộ chuỗi sản xuất - phân phối.

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: Vũ khí chặn hàng giả, hàng nhái - 3

Tình hình hàng giả trong nước diễn biến phức tạp (Nguồn: Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Bộ KH&CN).

"Mã vạch là một phần trong hộ chiếu số của sản phẩm. Nhiều nước như Mỹ, Canada, châu Âu đã thực hiện truy xuất xuyên suốt từ gốc tới khi xuất khẩu. Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát tương tự, với sự giám sát rộng rãi của người tiêu dùng", ông nói.

Hiện Việt Nam đã ban hành 35 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào thực tế còn hạn chế, chủ yếu manh mún, rời rạc, chưa đi sâu vào toàn bộ chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp “đơn thương độc mã” chống hàng giả

Tại hội thảo, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ ECO Pharma, chia sẻ: "Công ty đã triển khai các biện pháp truy xuất như mã QR, nhưng hàng giả ngày càng tinh vi, luôn có phương án đối phó. Doanh nghiệp buộc phải đầu tư nhiều giải pháp, nhưng lại thiếu sự bảo chứng từ phía cơ quan quản lý".

Theo ông Tuấn Anh, chi phí vận hành các nền tảng xác thực đang là gánh nặng với doanh nghiệp, trong khi chưa có cơ chế xác thực thống nhất ở cấp quốc gia. "Chúng tôi mong muốn có một nền tảng xác thực chung, khách hàng có thể kiểm tra thông tin sản phẩm ngay tại điểm bán", ông đề xuất.

Tại hội thảo, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (NDA) lần đầu tiên giới thiệu nền tảng NDA Trace – giải pháp truy xuất nguồn gốc toàn diện do người Việt phát triển, tích hợp trên các nền tảng quốc gia, ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain (NDA Chain) và định danh phi tập trung (NDA DID).

NDA Trace cho phép định danh toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm, xác thực thông tin hàng hóa và hoạt động chuỗi cung ứng.

Mỗi sản phẩm sẽ có một mã định danh duy nhất, giúp theo dõi toàn bộ hành trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Mọi thao tác trong chuỗi đều được ghi nhận và xác thực, không thể chỉnh sửa, không thể làm giả, đảm bảo minh bạch tuyệt đối.

Ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, cho rằng truy xuất nguồn gốc không phải khái niệm mới, nhưng tại Việt Nam đang thiếu một cơ chế xuyên suốt.

“Hiện nay, mỗi doanh nghiệp làm một kiểu, chưa có tiêu chuẩn thống nhất, chưa liên thông được với nhau và càng không liên thông quốc tế. Cần có chính sách tổng thể, áp dụng toàn quốc, từ trung ương tới địa phương.

Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nói.

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/ung-dung-cong-nghe-truy-xuat-nguon-goc-vu-khi-chan-hang-gia-hang-nhai-20250708163920580.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm