
Bức tranh được của họa sĩ Joseph Inguimberty (1896 - 1971) sáng tác từ năm 1930. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ cổ điển lãng mạn Pháp từng sống, dạy học và sáng tác 20 năm ở Việt Nam.
Sinh tại Marseille, cha là người xứ Provence, mẹ là người Franche - Comté, từ 14 tuổi, Joseph Inguimberty theo học Trường Mỹ thuật Marseille, do dự giữa hai ngành hội họa và kiến trúc. Năm 1913, ông trúng tuyển vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia, Paris. Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ông nhập ngũ (1915) và bị thương (1917). Sau chiến tranh, ông tiếp tục học “nghệ thuật trang trí” tại xưởng họa của Eugène Morand.
Joseph Inguimberty là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đưa “sơn ta” vào phục vụ các họa sĩ - một tiền đề cho sự ra đời và phát triển của hội họa sơn mài Việt Nam. Đồng thời, thông qua chương trình đào tạo tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông cũng là người truyền thụ nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu một cách đầy đủ nhất tới các họa sĩ Việt Nam thời kỳ trước cách mạng.
20 năm ở Việt Nam, Joseph Inguimberty sáng tác được nhiều tác phẩm để đời được công chúng yêu nghệ thuật và người cùng giới trân trọng như: Ao dưới bóng tre (1925), Ao dưới ánh mặt trời (1927), Ao lúc trời râm (1928), Phụ nữ Xứ Bắc (1929), Các thiếu nữ Kim Liên (1929), Trong làng Kim Liên (1933), Mùa gặt (không rõ năm vẽ), Ruộng đồng (không rõ năm vẽ), Đi chợ về (không rõ năm vẽ)… “Cảnh sinh hoạt trong Cảng Hải Phòng” là một trong số các tác phẩm của Joseph Inguimberty được nhiều người biết tới. Đây cũng là bức tranh đầu tiên ông vẽ về Việt Nam tại Cảng Hải Phòng.
Trong giới mỹ thuật, hội họa còn nhắc đến Joseph Inguimberty với mối tình đầu bén duyên cùng thiên nhiên, cuộc sống và con người Hải Phòng. Hẳn là vậy nên cách sử dụng màu để ghi lại hình ảnh sinh hoạt của những con người trong Cảng Hải Phòng năm 1930 ấy lại gần gũi, thân thương đến thế. Trên nền màu ấm áp của sơn dầu, một gia đình bình yên với các thế hệ từ người già đến trẻ nhỏ. Hậu cảnh là những con thuyền đang neo đậu sau những chuyến ra khơi. Bức tranh gợi sự tĩnh lặng, không ồn ào ở một nơi đáng ra thật ồn ào như muốn gửi gắm thông điệp về chốn neo đậu ở mỗi gia đình vậy. Nên không hề quá mức khi trong giới hội họa gọi Joseph Inguimberty là họa sĩ bậc thầy của ngoại cảnh nguyên vẹn. Vì ở tranh của ông, không gian, con người như thể tự nhiên mà bước vào chất liệu trên toan.
PHAN THÙY MAINguồn: https://baohaiphongplus.vn/buc-tranh-ve-cang-hai-phong-tai-bao-tang-my-thuat-marseille-415904.html
Bình luận (0)