Theo thống kê từ Statista (nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu toàn cầu), doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính trên toàn thế giới đã đầu tư khoảng 45,19 tỷ USD vào công nghệ AI trong năm 2024, tăng hơn khoảng 10 tỷ USD so với năm 2023. Hoạt động đầu tư vào AI tập trung chủ yếu ở các hoạt động phát triển sản phẩm/dịch vụ, quản trị rủi ro và phát triển chiến lược/tài chính doanh nghiệp. Cùng với lượng đầu tư khổng lồ đó và tốc độ phát triển nhanh chóng của thời đại số hóa, sẽ có đến 43% tổ chức tài chính năm 2025 coi AI là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Những con số trên cho thấy sự phát triển cũng như sự quan tâm mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với công nghệ AI trong lĩnh vực tài chính trên toàn thế giới. Xu hướng này sẽ còn gia tăng mạnh mẽ khi AI đang dần trở thành một phần và hứa hẹn góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính - ngân hàng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghệ AI trong lĩnh vực tài chính toàn cầu khi những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và sâu rộng trong việc áp dụng AI vào các hoạt động lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Kết quả khảo sát tình hình dịch vụ tài chính quốc gia do Finastra (công ty hàng đầu thế giới về công nghệ) thực hiện cho thấy, có đến 94% tổ chức tài chính tại Việt Nam bày tỏ sự hào hứng trước những cơ hội mà AI có thể mang lại cho ngành. Điều đó được thể hiện rõ khi những năm gần đây, các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử tại Việt Nam đã ứng dụng AI cho nhiều mục đích khác nhau như quản lý tài sản, tăng cường bảo mật, chống gian lận cũng như sử dụng chatbot để hỗ trợ khách hàng.
Các chuyên gia chia sẻ ứng dụng AI trong ngành tài chính - ngân hàng tại Hội thảo “Phát triển lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tài chính với hạ tầng thông minh và ứng dụng AI”. Ảnh: VJST |
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc áp dụng AI vào các sản phẩm dịch vụ số của ngân hàng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, Vietcombank đã cho ra mắt trợ lý ảo VCB Digibot - một sản phẩm được phát triển dựa trên nền tảng FPT.AI. Theo đó, trợ lý ảo này có khả năng phản hồi nhanh chóng và chính xác hầu hết các câu hỏi thường gặp của khách hàng trong nhiều lĩnh vực như: thẻ, cho vay, lãi suất, thông tin ưu đãi, tỷ giá, mạng lưới... Đáng chú ý, với những yêu cầu vượt quá phạm vi tư vấn của hệ thống, VCB Digibot có thể linh hoạt chuyển tiếp yêu cầu đến chuyên viên tư vấn. Nhờ đó, chỉ sau nửa năm hoạt động, VCB Digibot đã xử lý thành công gần 89% yêu cầu, góp phần tiết kiệm thời gian chờ đợi và nâng cao đáng kể trải nghiệm của khách hàng.
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cũng như đang dần trở thành xu hướng bắt buộc áp dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để đạt hiệu quả cao, việc triển khai AI vẫn còn vướng phải không ít thách thức và khó khăn.
Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là khi thông tin cá nhân và dữ liệu giao dịch của khách hàng ngày càng trở thành tài sản quý giá. Để hoạt động và vận hành một cách hiệu quả, AI sẽ được quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu nhạy cảm như thông tin giao dịch, hồ sơ tín dụng và dữ liệu cá nhân của khách hàng. Điều này có khả năng làm gia tăng nguy cơ nguồn thông tin bị truy cập trái phép, rò rỉ dữ liệu hoặc lạm dụng thông tin.
Sự tin tưởng của khách hàng vào tính minh bạch và khả năng giải thích của công nghệ AI cũng là một trong những rào cản trong việc áp dụng công nghệ này. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các quyết định như phê duyệt tín dụng, đánh giá rủi ro hay phân tích hồ sơ khách hàng luôn đòi hỏi sự rõ ràng, mức độ tin cậy và minh bạch cao. Khi một quyết định tài chính được đưa ra bởi hệ thống AI mà không thể giải thích rõ ràng lý do, khách hàng có thể cảm thấy hoang mang, thiếu tin tưởng, thậm chí nghi ngờ về tính chính xác và công bằng của hệ thống. Điều này vô hình làm giảm niềm tin vào tổ chức tài chính, từ đó ảnh hưởng đến mức độ gắn bó của khách hàng.
Ngoài ra, thách thức còn đến từ việc nội địa hóa mô hình AI. Để có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ chính xác cho tệp khách hàng khác nhau, các tổ chức tài chính cần tùy chỉnh mô hình sao cho phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa và nhân khẩu học của các thị trường khác nhau. Sự điều chỉnh và thay đổi này không chỉ tạo ra thêm gánh nặng về thời gian mà còn làm gia tăng đáng kể chi phí trong quá trình nghiên cứu và phát triển mô hình AI.
AI và công nghệ mới không còn là xu hướng nhất thời mà đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở nhiều tổ chức tài chính vẫn còn một số khó khăn, thách thức nhất định. Do đó, để có thể ứng dụng AI một cách hiệu quả và có được những bước phát triển đột phá thì sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới sáng tạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là vô cùng cần thiết.
Nguồn: https://baodaklak.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202504/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-nganhtai-chinh-ngan-hang-e2105ec/
Bình luận (0)