Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ước mong nghề nghiệp của người khuyết tật- Bài 1: "Mở lối" cho người khuyết tật

(QBĐT) -

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình15/05/2025

Có được công việc ổn định để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình là niềm mong mỏi của biết bao NKT. Tại Quảng Bình, hành trình hiện thực hóa ước mong ấy đang được viết nên từng ngày bằng sự đồng hành của chính quyền, các tổ chức xã hội và hơn hết là nghị lực từ chính người trong cuộc. Sự “cộng hưởng” ấy đã từng bước mở lối cho người yếu thế vươn lên bằng đôi tay và nghị lực.
Những chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật đã được hiện thực hóa bằng các lớp học cụ thể.
Những chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật đã được hiện thực hóa bằng các lớp học cụ thể.
Vươn lên bằng nghị lực
 
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), anh Trần Đức Dương (SN 1976), người đàn ông đã trải qua những tháng ngày đầy gian truân, vẫn lặng lẽ vượt lên số phận. Tai nạn lao động năm 2004 đã khiến anh không còn giữ được đôi tay vẹn nguyên, mất đi hoàn toàn khả năng lao động như một người bình thường. Nhưng trong dáng người gầy gò và đôi mắt trầm tư của anh lại ẩn chứa một ý chí kiên cường không gì khuất phục được.
 
Cả gia đình sống dựa vào mấy sào ruộng và công việc nhận sửa quần áo cũ của vợ, nhưng chưa khi nào anh Dương ngừng ấp ủ về ước mơ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản để cải thiện thu nhập, để các con được học hành đầy đủ, cuộc sống gia đình bớt nhọc nhằn hơn. Niềm hy vọng được thắp sáng vào tháng 5/2023, khi anh được UBND xã kết nối với Hội Vì sự phát triển của NKT (AEPD) Quảng Bình. Nhờ dự án hỗ trợ sinh kế do Quỹ phúc lợi xã hội EDEN (Đài Loan) tài trợ, anh Dương được cấp vốn để mua lợn giống, thực hiện giấc mơ ấp ủ bao năm. Đàn lợn phát triển tốt, giúp gia đình anh tăng thêm nguồn thu ổn định. Không dừng lại ở lứa đầu tiên, anh tiếp tục phối giống lợn mẹ cho lứa thứ hai. “Nhờ có mô hình chăn nuôi này, gia đình tôi có thêm thu nhập, cuộc sống đỡ chật vật hơn nhiều”, anh Dương chia sẻ.
Được hỗ trợ nguồn vốn, anh Trần Đức Dương đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Được hỗ trợ nguồn vốn, anh Trần Đức Dương đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Câu chuyện của anh Trần Đức Dương không chỉ là một câu chuyện đẹp về nghị lực vượt lên số phận, mà còn là minh chứng rõ ràng cho những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho NKT tại Quảng Bình. Những năm qua, nhờ sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội, nhà tài trợ và chính quyền địa phương, hàng trăm NKT như anh Dương đã được đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, tư vấn khởi nghiệp để mưu sinh và sống một cuộc đời ý nghĩa, có giá trị, được tự mình bước tiếp trên hành trình của niềm tin và hy vọng.
 
Với nhiều người, khuyết tật không chỉ là một khiếm khuyết về thể chất mà còn là rào cản vô hình trong việc tiếp cận giáo dục, việc làm và hòa nhập cộng đồng. Trợ cấp hàng tháng không đủ để họ sống như một người có giá trị. Và chính điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết: Phải trao cho họ một nghề để sống, để tự lập, để vơi bớt mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho NKT càng là thách thức lớn hơn gấp bội, bởi không phải nghề nào cũng phù hợp, không phải địa phương nào cũng có đủ cơ sở vật chất, giáo viên để bắt đầu. Chính vì thế, những nỗ lực của tỉnh trong những năm qua thật sự đáng ghi nhận, bởi đó là sự chuyển mình từ “cho con cá” sang “trao cần câu”, từ “hỗ trợ nhân đạo” sang “trao quyền tự chủ”.
 
Chung tay hỗ trợ
 
Những chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế đã không còn nằm trên giấy, mà được hiện thực hóa bằng các lớp học cụ thể, những mô hình sinh kế sát với nhu cầu. Điều đáng quý hơn là những nỗ lực ấy luôn có sự song hành, tiếp sức âm thầm nhưng mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội, nơi thấu hiểu sâu sắc rằng một chiếc kéo, một cây kim, một nghề nhỏ… cũng có thể cứu rỗi một cuộc đời.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Quản lý chương trình (AEPD Quảng Bình) cho biết: Từ năm 2021-2024, hội đã mở các lớp đào tạo nghề cho 210 NKT, với các nghề, như: May, điện tử, điện lạnh, cơ khí, sửa xe máy, đan lát, làm tranh gạo… ; tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho 1.175 người; tập huấn về quản trị kinh doanh cho 1.250 người; xây dựng 2.615 mô hình hỗ trợ sinh kế với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng… Đồng thời, kết nối với doanh nghiệp địa phương để tạo việc làm sau đào tạo hoặc hỗ trợ học viên tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp, qua đó, giúp NKT tự chủ một phần cuộc sống.
 
Giai đoạn 2008-2023, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp mở 19 lớp dạy nghề cho hơn 365 hội viên, với 80% người có việc làm sau học nghề. Từ năm 2007 đến nay, hội đã lập được 213 dự án với doanh số hơn 7,5 tỷ đồng cho 817 lượt người mù vay vốn tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động trong gia đình cùng tham gia. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, chịu khó, nhiều người mù đã phát huy nguồn vốn vay, đầu tư vào những việc làm chính đáng, góp phần giảm nghèo bền vững…
 
Quảng Bình hiện có trên 45.000 NKT, chiếm 5% dân số, trong đó, đa số NKT không thể sống tự lập, chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và chỉ có khoảng 15% NKT tự tạo được thu nhập.

Không chỉ dừng ở dạy nghề, các hội còn chú trọng trang bị kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, hỗ trợ NKT khắc phục rào cản tâm lý, vượt qua mặc cảm để chủ động tham gia hoạt động xã hội. Những buổi truyền thông, đối thoại chính sách, tọa đàm về khởi nghiệp cho NKT đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng, xóa dần định kiến “NKT chỉ có thể sống dựa vào trợ cấp”.

 
Có thể thấy, nỗ lực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT không chỉ đến từ cấp quản lý nhà nước mà còn lan tỏa từ trái tim những người đồng hành, thấu hiểu và gắn bó bền bỉ với cộng đồng yếu thế. Chính sự kiên trì ấy đã giúp NKT trở thành những cá nhân chủ động, sống tự lập và có ích cho gia đình, xã hội..
Tâm An
>>>Bài 2: Cánh cửa vẫn chưa rộng mở

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202505/uoc-mong-nghe-nghiep-cua-nguoi-khuyet-tat-bai-1-mo-loi-cho-nguoi-khuyet-tat-2226285/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm