Chi 90 tỷ đồng thực hiện đề án khai quật
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, tổ chức cho đoàn phóng viên các cơ quan báo chí đi thực tế tại Di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc).
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2011. Sau 14 năm kể từ ngày được công nhận, Thành nhà Hồ đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan.

Di sản thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).
Thời gian qua, song song với công tác quản lý, phát huy giá trị khu di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế, các đề án chiến lược về nghiên cứu, khai quật, bảo tồn di sản Thành nhà Hồ được các ngành chức năng chú trọng, triển khai hiệu quả.
Đề án được thực hiện nhằm từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa vật chất của Thành nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi dưới lòng đất. Từ đó phát huy, nâng cao giá trị khu di sản, cung cấp tư liệu lịch sử cho khoa học, giáo dục và tăng cường tiềm năng thu hút du lịch.
Theo đề án, tổng diện tích khai quật tại Di sản Thành nhà Hồ là 56.000m2. Trong đó, diện tích khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành nội là 25.000m2; hào thành 12.000m2; bốn cổng thành 5.000m2; đường Hoàng Gia 14.000m2. Tổng mức đầu tư thực hiện khai quật là hơn 90 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn 2013-2020 và 2020-2025.
Việc phê duyệt khai quật khảo cổ học tổng thể Di sản Thành nhà Hồ thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO. Đến nay, tiến độ khai quật khảo cổ học tổng thể đang được triển khai.
Xuất lộ nhiều công trình kiến trúc độc đáo
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong hơn 10 năm triển khai đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư nhằm hoàn thành mục tiêu khai quật theo kế hoạch đề ra.
Tỉnh đặc biệt chú trọng đến 6 bước trong quy trình khai quật như: chuẩn bị mặt bằng, phương tiện vật tư; khai quật bằng phương pháp thủ công; hoàn trả mặt bằng; chỉnh lý kết quả, lập hồ sơ hiện vật; tổ chức hội thảo khoa học; hệ thống hóa kết quả và xây dựng báo cáo khoa học để phân kỳ đầu tư theo đúng lộ trình đã được phê duyệt.

Tại hiện trường khai quật, dấu tích móng kiến trúc đã xuất lộ với nhiều hàng cột, móng cột (Ảnh: Trần Lê).
Kết quả khai quật khảo cổ tổng thể tại đàn tế Nam Giao Tây Đô năm 2012 đã làm rõ nền móng kiến trúc của đàn tế cổ. Từ đó, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa cùng chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quyết định bảo tồn, tu sửa cấp thiết di tích này.
Đến nay, các hạng mục kiến trúc như trục đường Thần Đạo, Giếng Vua, nền Đàn tế... đã được bảo tồn tương đối tốt, góp phần biến khu đàn tế thành điểm tham quan hấp dẫn trong quần thể di sản.
Bên cạnh đó, kết quả khai quật khu vực khuôn viên cửa Nam và trục đường Cái Hoa (hay còn gọi là đường Hoa Nhai) năm 2012 đã phát lộ toàn bộ kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn, bao gồm đường lát đá phiến kéo dài đến tận núi Đốn Sơn (thị trấn Vĩnh Lộc).
Từ kết quả này, các cơ quan chức năng và nhà khoa học tỉnh Thanh Hóa đã bảo tồn khẩn cấp, giữ nguyên hiện trạng hố khai quật khu vực cửa Nam để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách.

Toàn cảnh khu vực đường Hoàng Gia từ cụm kiến trúc Con Rồng ra cổng Nam (Ảnh: Viện Khảo cổ học).
Ngoài ra, trong các năm 2015-2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khu vực hào thành phía Nam và phía Bắc. Kết quả giúp làm rõ quy mô kiến trúc khu vực này, tạo cơ sở cho công tác phục dựng trong thời gian tới.
Năm 2017, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khu vực đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thành), thu thập số liệu khoa học phục vụ các cam kết của tỉnh Thanh Hóa với UNESCO, trong đó có việc bổ sung đền thờ Trần Khát Chân vào khu vực lõi di sản.
Năm 2019-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường đầu tư cho hoạt động khảo cổ tại khu di sản. Các khu vực như chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu và trục đường Hoàng Gia đã bắt đầu phát lộ kiến trúc với quy mô lớn, hoành tráng. Những kết quả này tạo cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn di sản trong thời gian tới.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần năm (1389-1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ năm (1400-1407).
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/chi-90-ty-dong-khai-quat-thanh-nha-ho-phat-lo-nhieu-cong-trinh-doc-dao-20250513095449455.htm
Bình luận (0)