Nhưng liệu thói quen uống nước trước bữa ăn có thực sự tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là đối với người bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường?
Trong khi một số người ủng hộ tin rằng uống nước trước khi ăn có thể hỗ trợ tiêu hóa, làm chậm quá trình hấp thụ glucose và có khả năng làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn, thì những người khác lại không tin vào điều này.
Chuyên gia dinh dưỡng Kanikka Malhotra ở Ấn Độ, lý giải: Uống nước trước bữa ăn có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn, đặc biệt là ở người bệnh tiểu đường loại 2 hoặc kháng insulin, theo tờ Indian Express.
Đối với hầu hết người khỏe mạnh, uống nước trước hoặc trong bữa ăn không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng
Ảnh: AI
Nước có thể làm tăng cảm giác no, từ đó dẫn đến ăn ít hơn và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, cả hai đều có thể làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn. Ngoài ra, cung cấp đủ nước sẽ hỗ trợ chức năng thận, giúp điều chỉnh mức đường huyết bằng cách hỗ trợ bài tiết lượng đường dư thừa qua nước tiểu.
Chuyên gia dinh dưỡng Kanikka Malhotra cho biết: Lợi ích chính đến từ việc thúc đẩy cảm giác no và hỗ trợ sức khỏe trao đổi chất tổng thể.
Chuyên gia Malhotra giải thích: Đối với hầu hết người khỏe mạnh, uống nước trước hoặc trong bữa ăn không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng. Nước thực sự có thể hỗ trợ tiêu hóa bằng cách giúp hòa tan chất dinh dưỡng và di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa.
Những ai nên áp dụng thói quen này?
Theo chuyên gia Malhotra, người bệnh tiểu đường loại 2, tiền tiểu đường hoặc kháng insulin có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ việc uống nước trước bữa ăn. Đối với những người này, việc kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng. Uống nước có thể giúp giảm lượng calo nạp vào, làm chậm quá trình hấp thụ glucose, từ đó có thể cải thiện việc kiểm soát đường huyết.
Chuyên gia dinh dưỡng Kanikka Malhotra lưu ý: Ngoài ra, người thừa cân hoặc mắc hội chứng chuyển hóa (có nhiều mỡ bụng, huyết áp cao, mỡ máu cao) có thể thấy thêm lợi ích, vì nước có thể thay thế đồ uống có đường và hỗ trợ kiểm soát cân nặng, theo Indian Express.
Tuy nhiên, người có vấn đề về thận hoặc tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống để tránh tình trạng quá tải chất lỏng.
Ngoài ra, người mắc một số bệnh lý đường tiêu hóa, như liệt dạ dày (chậm làm rỗng dạ dày) hoặc trào ngược axit nặng, uống nhiều nước trước bữa ăn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Tuy nhiên, tốt nhất nên uống ít nước hơn và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/uong-nuoc-truoc-bua-an-lieu-co-tot-185250728192538793.htm
Bình luận (0)