Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vai trò của kinh tế phi chính thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long

TCCS - Nhiều năm qua, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực kinh tế phi chính thức (KTPCT) góp phần quan trọng tạo việc làm, giảm áp lực thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân… Tuy nhiên, khu vực KTPCT còn thiếu tính bền vững, năng suất lao động thấp, quyền lợi người lao động thiếu sự bảo vệ pháp lý… Để khắc phục những hạn chế, bất cập của khu vực KTPCT, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, giúp khu vực KTPCT phát triển đúng hướng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ĐBSCL, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản17/05/2025

Vai trò của khu vực kinh tế phi chính thức ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở những nước đang phát triển, từ lâu, khu vực KTPCT được xác định là một bộ phận quan trọng trong cấu thành của nền kinh tế. Ở nước ta, theo Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2019, khu vực KTPCT được hiểu là một phần của khu vực kinh tế chưa được quan sát, bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh.

Thông thường, ở các nước đang phát triển, khu vực KTPCT giúp khoảng 60% số lao động tìm được cơ hội việc làm(1). Trong vài thập niên gần đây, với xu thế tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phát triển và đóng góp đáng kể của khu vực KTPCT. Theo đó, khu vực KTPCT ở nước ta được xác định là “các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh”(2). Ra đời từ những năm thoái trào của nền kinh tế kế hoạch hóa, khu vực KTPCT ở nước ta đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho lực lượng lao động không có chuyên môn, lao động tự do, lao động bị ảnh hưởng việc làm ở các doanh nghiệp khi nền kinh tế có những biến động lớn; giúp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn. Hoạt động KTPCT tại các làng nghề còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một nét văn hoá đặc sắc của nhiều vùng, miền, địa phương trong nước. Những năm gần đây, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khu vực KTPCT ở Việt Nam chiếm khoảng 30% GDP quốc gia(3). Nhìn chung, ở tất cả các vùng, miền trong cả nước, khu vực KTPCT đã có những đóng góp đáng kể cho dân sinh và nền kinh tế đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng kinh tế quan trọng của nước ta, với đặc trưng nổi bật là sự đa dạng về hệ sinh thái, tài nguyên đất ngập nước, có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất tiểu thủ công và dịch vụ nhỏ lẻ. Đây là điều kiện để khu vực KTPCT tồn tại và phát triển với vai trò là “bộ đệm” quan trọng của nền kinh tế vùng, tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động ở khu vực buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê, các dịch vụ vận chuyển, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất tiểu thủ công… Khu vực KTPCT có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng, trở thành nguồn sinh kế chính cho hàng triệu người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Thu hoạch dứa ở đồng bằng sông Cửu Long_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Nhiều năm qua, ĐBSCL được xem là “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo của cả nước, nhiều lao động trình độ học vấn còn thấp, không có kỹ năng chuyên môn cao, vì thế, phát triển KTPCT phù hợp với trình độ, khả năng của số đông nguồn nhân lực. Trong đó, phổ biến là các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ (mua bán ở các chợ truyền thống, bán hàng rong, quán ăn uống ở vỉa hè...); nghề thủ công, sản xuất nhỏ lẻ (đan lục bình, dệt chiếu, làm bánh dân gian, chế biến thủy hải sản tại nhà...);  dịch vụ (vận tải đường thủy nhỏ, sửa chữa cơ khí nhỏ, chạy xe ôm, giao hàng, làm thuê, dọn dẹp nhà cửa…). Các ngành nghề phi chính thức này giúp cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo; những lao động khó hoặc không tiếp cận được các cơ hội việc làm từ khu vực kinh tế chính thức. KTPCT đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của người dân, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm kinh tế của vùng. Trong đó, mạng lưới tiểu thương (thương lái) trong KTPCT có vai trò nổi bật là “cầu nối” giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất ổn (như trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19), khu vực KTPCT ở vùng ĐBSCL không chỉ giúp nhiều lao động, nhiều gia đình giảm bớt thiệt hại do tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, mà còn tạo sinh kế cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật… Thu nhập từ KTPCT, tuy không bảo đảm tính ổn định, nhưng vẫn là nguồn sinh kế quan trọng cho nhiều hộ gia đình.

Thu nhập từ các hoạt động KTPCT như buôn bán nhỏ, giúp việc gia đình, chạy xe ôm, giao hàng… giúp nhiều hộ gia đình có khả năng đầu tư cho con em học hành, cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục. Các hoạt động phi chính thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng (y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe tại nhà…) đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập thấp, thiếu điều kiện đến chữa trị tại các cơ sở y tế hoặc không có bảo hiểm y tế. Khu vực KTPCT ở ĐBSCL cũng tạo điều kiện cho những nhóm yếu thế (thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm chính thức) tham gia vào các hoạt động buôn bán, sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ, từ đó tăng cường sự hòa nhập cộng đồng. Nhiều hoạt động KTPCT như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, buôn bán trên chợ nổi, các làng nghề truyền thống, dịch vụ ẩm thực địa phương... đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều địa phương vùng ĐBSCL.

Vấn đề cần quan tâm

Tuy có những đóng góp đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng theo một số kết quả nghiên cứu về kinh tế vùng ĐBSCL gần đây, khu vực KTPCT đã và đang tồn tại nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.

Do quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, các hoạt động trong khu vực KTPCT thường có năng suất thấp, không đủ khả năng đầu tư khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nên chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường, giảm khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của vùng. Khu vực KTPCT ở ĐBSCL, vốn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ bên ngoài, nhất là những biến động của thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai. Sau đại dịch COVID-19 (2020 - 2021), nhiều lao động ở ĐBSCL mất việc trong khu vực chính thức và những tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu những năm gần đây đã đẩy nhiều người làm nông nghiệp chuyển sang hoạt động buôn bán nhỏ, dịch vụ tự phát, tìm kiếm việc làm thời vụ hoặc phi nông nghiệp không ổn định, làm gia tăng số lao động ở khu vực KTPCT(4). Do tình trạng xâm nhập mặn gây nhiều tác hại đến trồng trọt, nuôi thủy sản, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh ven biển, như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang phải chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp, thu nhập không ổn định, thấp hơn nhiều so với khu vực kinh tế chính thức.

Tính đến cuối năm 2022, số lao động bình quân làm việc tại các cơ sở KTPCT chủ yếu tập trung ở 2 vùng là: Đồng bằng sông Hồng (nhiều nhất là ở Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên) và ĐBSCL (nhiều nhất là ở Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu)(5). Thế nhưng, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng ĐBSCL chỉ đạt khoảng 15%, thấp hơn mức trung bình cả nước (26%) và thấp hơn cả Tây Nguyên (17%)(6). Số liệu này phản ánh một thực trạng là phần lớn lao động ở ĐBSCL - vùng trọng điểm về lương thực của cả nước - đang làm việc trong mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ thuộc khu vực KTPCT (buôn bán nhỏ, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản…) là lao động phổ thông, không được đào tạo chuyên môn, chủ yếu làm việc dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng cá nhân, khả năng ứng dụng công nghệ kém. Như nhiều vùng miền khác, do không có hợp đồng lao động chính thức, không có bảo hiểm xã hội nên đại đa số người lao động trong khu vực KTPCT ở ĐBSCL thường không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, an toàn lao động… Thực trạng này khiến họ dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế hoặc rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Do các chủ trương, chính sách hỗ trợ khu vực KTPCT còn hạn chế, chưa rõ ràng nên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ trong khu vực KTPCT ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, vì thiếu tài sản thế chấp, thiếu hồ sơ pháp lý. Mặt khác, việc quản lý, kiểm soát, giám sát khu vực KTPCT theo các quy định pháp luật về thuế, lao động, môi trường… gặp không ít khó khăn (do tính chất phân tán và tự phát của khu vực kinh tế này). Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều hoạt động mang tính tự phát như buôn bán hàng rong, buôn bán đường phố, sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản… dễ gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, làm giảm mỹ quan đô thị.

Chế biến tôm khô trong nhà kính đạt chuẩn OCOP 4 sao ở đồng bằng sông Cửu Long_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Tạo điều kiện cho khu vực kinh tế phi chính thức ở vùng ĐBSCL phát triển đúng hướng

Trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với khu vực kinh tế chính thức, sự tồn tại của khu vực KTPCT là tất yếu và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế, nền kinh tế, trong đó có khu vực KTPCT. Trong xu thế đó, “cả trước mắt và trong dài hạn, yêu cầu trước tiên, xuyên suốt là phải huy động được mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, cùng tích cực lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của đất nước. Mọi thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới và đạt được yêu cầu này”(7).

Ở vùng ĐBSCL, những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế đã thúc đẩy nhiều cơ sở thuộc khu vực KTPCT chuyển đổi phương thức hoạt động, chú trọng tiếp cận các công nghệ số để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, khu vực KTPCT vẫn đang tiếp tục phát triển cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước. Vấn đề đặt ra là cần nhận diện đúng bản chất, có quan điểm, cách tiếp cận về chính sách đúng đắn với khu vực KTPCT, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế, bất cập, giúp khu vực kinh tế này phát triển đúng hướng, góp phần “Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu”(8).

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho khu vực KTPCT ở vùng ĐBSCL phát triển đúng hướng, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng nhanh và bền vững, cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nâng cao nhận thức về vai trò của khu vực KTPCT trong tiến trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng phát hiện những vấn đề cần quan tâm giải quyết về mặt chủ trương, chính sách, nhất là bảo đảm quyền lợi pháp lý về lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho người lao động làm việc ở khu vực này phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và bối cảnh, điều kiện của nước ta. Song song đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khu vực KTPCT theo hướng Nhà nước bảo đảm vai trò dẫn dắt, tổ chức, quản lý để khu vực KTPCT tiếp tục phát huy vai trò, giá trị trong nền kinh tế đất nước.

Hai là, cùng với việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật và trách nhiệm hành chính để cải thiện mối quan hệ của các cơ quan hành chính với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực KTPCT, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá đúng thực trạng, vai trò của khu vực KTPCT, đưa khu vực kinh tế này vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng, từ đó có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về cấp phép kinh doanh, hỗ trợ vốn, hỗ trợ thuế, đào tạo kỹ năng kinh doanh… khuyến khích các cơ sở KTPCT vươn lên gia nhập vào khu vực kinh tế chính thức. Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin, kết nối các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển đúng hướng của khu vực KTPCT.

Ba là, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động khu vực KTPCT vùng ĐBSCL, nhất là lao động làm việc trong các loại hình kinh tế mới trên nền tảng công nghệ trực tuyến, công nghệ số, giúp lực lượng lao động ở khu vực KTPCT tăng kỹ năng chuyên môn để thích ứng với sự thay đổi việc làm trên thị trường lao động, dễ tiếp cận và chuyển sang làm việc ở khu vực kinh tế chính thức, nơi có quan hệ lao động và an sinh xã hội tốt hơn. Chú trọng hỗ trợ đào tạo những kỹ năng cần thiết, cơ bản để thích ứng với bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, như: kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng giải quyết các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ phức tạp; kỹ năng tin học, ngoại ngữ; kỹ năng thương lượng, thỏa thuận với người sử dụng lao động về vị trí việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động...

Bốn là, tích hợp, kết nối khu vực KTPCT ở các địa phương vào chuỗi giá trị và phát triển bền vững vùng ĐBSCL thông qua các hình thức liên kết, hợp tác, như khuyến khích các hộ kinh doanh phi chính thức tham gia vào các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế cộng đồng; tạo điều kiện để các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng của các hợp tác xã; tạo cơ hội để các cơ sở KTPCT trở thành vệ tinh cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hoặc sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm tiểu thủ công đặc trưng của vùng ĐBSCL xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng quảng bá thương hiệu để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, bao gồm cả xuất khẩu.

Năm là, song song với việc thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt và hiệu quả hơn đối với các hoạt động sản xuất, buôn bán nhỏ ở khu vực KTPCT để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, mỹ quan đô thị, an ninh trật tự…, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thích ứng, hỗ trợ người lao động và hộ kinh doanh phi chính thức đối phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hạn hán. Trong đó, chú trọng hỗ trợ khu KTPCT ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong các hoạt động KTPCT, nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên của vùng, nhất là tài nguyên nước.

Sáu là, tạo điều kiện về vốn để các khu vực KTPCT vùng ĐBSCL nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở xây dựng các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các hộ kinh doanh nhỏ, tổ hợp tác, nhóm lao động phi chính thức. Xem xét xây dựng, phát triển các tổ chức tài chính vi mô để hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giúp người lao động và các doanh nghiệp nhỏ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTPCT ở vùng ĐBSCL, cần quan tâm tổ chức các khóa đào tạo về sử dụng công nghệ thông tin, quản lý bán hàng trực tuyến, tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử, tạo ra các nền tảng kỹ thuật số tăng cường sự kết nối giữa người sản xuất, kinh doanh nhỏ với người tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ./.

----------------------------

(1) Xem: Vũ Trường Sơn: “Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và hàm ý chính sách”, Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 16-11-2021, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV467009&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=15888044353708774#%40%3F_afrLoop%3D15888044353708774%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV467009%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D5zs8fadfw_9
(2) Công văn số 1127/TCTK-TKQG, ngày 13-9-2019, Tổng cục Thống kê “Về hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình”
(3) Xem: Vũ Trường Sơn: “Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và hàm ý chính sách”, Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 16-11-2021, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV467009&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=15888044353708774#%40%3F_afrLoop%3D15888044353708774%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV467009%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D5zs8fadfw_9
(4) Xem: “Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Tạp chí Công Thương, ngày 9-10-2023, https://tapchicongthuong.vn/ket-qua-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-o-dong-bang-song-cuu-long-trong-boi-canh-bien-doi-khi-hau-111976.htm
(5) Xem: Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK: “Vài nét đo lường khu vực phi chính thức ở Việt Nam, giai đoạn 2020-2022”, Tạp chí Con số & sự kiện, ngày 25-11-2024,  https://consosukien.vn/vai-net-do-luong-khu-vuc-phi-chinh-thuc-o-viet-nam-giai-doan-2020-2022.htm
(6) Xem: Quốc Dũng: “Tháo gỡ nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 12-12-2023, https://nhandan.vn/thao-go-nut-that-the-che-quan-tri-va-lien-ket-vung-de-phat-trien-dong-bang-song-cuu-long-post787088.html?gidzl=LwbI5n-zu6bRlb4K7wFcRbUtKnS9gBKxIUO5Hm-llMvCkbaINg-yRnpdNqO8-EqvJhHPGcHmBO1A5htdQ0
(7) Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 28-2-2025, https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-buoi-lam-viec-voi-ban-chinh-sach-chien-luoc-trung-uong-102250228152644318.htm?gidzl=cD4j9de6k6YKnYubUXYnPv348Yja6ECtZfLqUs8VwsABoIWkCn_gOzkKBdfbIBirYSSeVcJQxgTwSmQ_QG
(8) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/1083502/vai-tro-cua-kinh-te-phi-chinh-thuc-trong-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-vung-dong-bang-song-cuu-long.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm