Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn nghệ Tuổi Hoa

Tuổi Hoa số này xin giới thiệu với các bạn những bút ký rất sinh động về đất và người Thái Nguyên. Đó là cảm xúc háo hức nhưng đầy tự hào khi kể về những trải nghiệm thú vị và sâu sắc của các cây bút trẻ lần đầu đến thăm vùng chè Đại Từ và Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Bạn Trần Thị Châm với bút ký "Buổi sáng trên quê hương chè" và bạn Nguyễn Phương Vy với bút ký "Những giọt mồ hôi" thể hiện cái nhìn trẻ hơn, trong trẻo hơn về những giá trị truyền thống mà chúng ta hằng biết tới.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên24/07/2025

Ngoài ra, văn xuôi Tuổi Hoa còn có sự góp mặt của bạn Trần Hải Đăng với tản văn "Phía bên kia bầu trời" chứa đầy những tâm tư của tuổi trẻ. Phía bên kia bầu trời có gì? Ở đó, phải chăng là những ước mơ mà con người khao khát chinh phục? Nhưng rồi, sự bận bịu đã cuốn chúng ta vào công cuộc hoàn thiện và chứng minh bản thân. Đến lúc chỉ muốn quay về, đứng dưới bầu trời cũ thương mến, nhắm mắt lại, hình dung về chặng đường mình đã đi qua.

Tuổi Hoa số này còn giới thiệu 2 bài thơ với phong cách khá mới lạ, độc đáo của những bạn trẻ trong sự nỗ lực tìm tòi để định hình những cá tính riêng. Đó là Hoa cát của Phạm Hương Thảo Kỷ niệm của Dương Ngô Minh Đức.

(Nhà văn Tống Ngọc Hân chọn và giới thiệu)

 

Buổi sáng trên quê hương chè

Bút ký của Trần Thị Châm

 

Vào ngày hè, bình minh chiếu lên những hạt sương lấp lánh, ánh nắng mờ mờ, có vài con đường nắng nhỏ đi vào khung cửa sổ. Mới năm giờ sáng, mọi vật đang hiện dần ra trước mắt, bên cành xoan thấp thoáng là những chú chim sâu ríu rít gọi nhau kiếm mồi. Xe lên đường đến Đại Từ, miền quê được mệnh danh là “Tứ đại danh trà”. Chè Thái Nguyên được nhà văn Phan Thái cảm nhận: “Các sản phẩm trà khách hàng thừa nhận đặt ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần.” Một trong số đó phải kể đến chè La Bằng. Nghe danh đã lâu nhưng tôi chưa biết chè La Bằng có gì khác biệt so với các vùng khác.

Cùng sự tò mò thôi thúc tôi đến đất hương chè nhanh hơn. Đi trên con đường làng quanh co, qua tấm cửa kính là cung đường miền núi bạt ngàn những đồi chè màu xanh, những ruộng bậc thang màu xanh chen vàng xếp đều, uốn lượn mềm mại như sóng. Tôi có chút cảm xúc khác lạ với những cánh đồng lúa. Trong tôi cánh đồng lúa không chỉ là những thửa ruộng liên tiếp nối nhau, có lúc ta thấy tươi xanh trong nắng mai, khi lại vàng ruộm lúc mặt trời bên núi, vụ mùa nào cũng tràn đầy sức sống với đa dạng sắc màu mà còn là tình cảm thiêng liêng, kéo lại bao nhiêu ký ức với cái mùi bùn ngai ngái. Đó là chốn bình yên trong tuổi thơ của mỗi người con xa quê hương. Không khí nơi đây bao trùm là một màu xanh non, bóng mỡ dưới ánh nắng giòn giã.

Nơi này cho tôi cảm giác vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Nhìn xa xa bên kia đồi chè, còn đâu đó những màn sương uốn mình theo gió đi về phương xa, chỉ mờ mờ chúm chím ngọn đồi, ngờ ngợ không thấy đỉnh, có cánh cò bay lả lơi đi tìm mồi. Đã lâu tôi chưa thấy cảnh này, thiên nhiên làm ta quên đi muộn phiền. Nửa muốn dừng bước lại nơi đây, nửa muốn chạy đến bãi cỏ bao la phía xa kia, nằm xuống hít đầy lồng ngực hương vị mật ngọt của những lá cỏ mần trầu, cỏ dại. Rồi thả ánh mắt về phía bầu trời xanh cho đến tận khi ngủ quên trên chiếc nệm đan cỏ xanh rì và được gió ru say bằng hương lúa chín lên đồng.

Đi thêm vài bước, tôi càng bất ngờ, trước mắt là con suối trần bờ đá. Trên mặt suối có những rạch nước chảy róc rách, trong vắt. Khác những con suối tôi từng gặp, đây bao phủ là những tảng đá lớn nhiều hình thù khác nhau, với màu xám rạm. Nước chảy len lỏi, chen lấn nhau để tới vùng đất mới. Những đứa trẻ đang nô đùa dưới tảng đá to bên suối, trên tay là chiếc ô màu vàng tung tăng hất nước, con thuyền bằng lá tre lẳng lặng trôi. Tiếng ới gọi râm ran. “Tí ơi cá này, mau lên đi!”. Nghe tiếng gọi, tôi như trở về tuổi thơ năm nào. Các cô cậu bé ngộ nghĩnh dễ thương, nụ cười hồn nhiên trước những người khách lạ. Bố mẹ chúng đã lên nương hái chè từ sớm, đành để bọn trẻ chơi đùa với nhau. Có cô bé lướt qua trước mắt tôi, mỉm cười chào đoàn khách. Cô bé với chiếc má phúng phính, đôi mắt to tròn long lanh, mặc cái áo hoa đã có chút bạc màu. Tôi lấy trong ba lô mấy cái kẹo đưa cho, bé có chút ngạc nhiên cầm lấy kẹo mỉm cười.

Tôi thương từng tiếng nước, lá rụng bên lũy tre làng xa xa trôi dạt về đây thăm người khách lạ và cả những con người hồn nhiên thân thương đó. Sao mà yêu đến vậy?

“Ai lên chợ Thái buôn chè

Để tôi buôn ấm ngồi kề một bên

Chè ngon nấu với ấm bền,

Chè ngon được ấm, ấm bền được lâu.”

Trích “Ca dao mẹ”

Nhắc đến Thái Nguyên là nhớ tới hai đặc sản là chè và thép. Câu ca dao nói đến sự công phu khi pha được một ấm trà ngon không chỉ cần một chiếc ấm tốt, đủ nước mà còn phải là chè ngon. “Chè Thái gái Tuyên”, câu nói được lưu truyền qua năm tháng, là niềm tự hào sâu sắc mà dân gian khẳng định. Chè Thái Nguyên có vị đậm đà khó quên, còn gái Tuyên Quang lại dịu dàng, đằm thắm. Nói đến chè Thái Nguyên là nhắc đến sự tinh tế. Chè là niềm tự hào của những người con đất Thái. Trà không đơn thuần là thức uống mở đầu những câu chuyện, trà còn được biết đến như một “thần dược” chống ung thư, sâu răng, lão hóa và kháng viêm, đặc biệt là bổ sung các vitamin nên được nhiều người quan tâm sử dụng. Nhà nào cũng có trà để uống. Và trà là thức uống khó có thể thay thế một khi đã “ghiền”, đã quen.

Đến Đại Từ mới biết, để có ấm chè ngon phải qua rất nhiều giai đoạn từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè. Chúng tôi cùng người dân trải nghiệm hái chè “một tôm hai lá”. Thật không dễ dàng hái những búp chè, bởi yêu cầu rất cao. Ngắt búp chè phải đúng cách, có một tôm, dưới có hai lá non. Cẩn thận nâng niu từng búp, tránh dập nát lá sẽ làm mất đi vị ngon của trà. Không chỉ công phu trong hái chè, người làm chè còn trải qua rất nhiều bước mới có thể sao được một mẻ trà ngon.

Sau khi hái, chè được vận chuyển về xưởng tãi ra phơi với mục đích làm cho chè ráo sương và thoát hết khí. Chúng tôi cùng sao chè, ai cũng chú tâm quan sát các bác trong cơ sở sản xuất chỉ dẫn. Từng người chia nhau đảo đều chè trên chiếc chảo 250-300°C- bước này gọi là diệt men để làm cho chè hết mùi hăng, có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Sau đó đổ chè ra chiếc bàn nhỏ chuyên để vò, đôi tay thật nhanh vò đều, rồi tơi ra, làm nhiều lần (khoảng gần 10 phút/lần). Để nguội rồi cho vào sao tiếp, công đoạn đó làm 4 lần. Chè bắt đầu có mùi thơm, cần đảo nhanh hơn. Sau công đoạn này đổ chè ra, ta thấy chỉ còn chút ít. Qua một giờ đồng hồ, mới thấy thành phẩm. Thấm những giọt mồ hôi, các bạn trong nhóm nhiệt tình cổ vũ, giúp đỡ nhau. Ai cũng cảm thấy nóng nhưng cười nói vui vẻ, không ai than mỏi bởi sự trải nghiệm đầy ý nghĩa. Qua cuộc thi, các đội đều có giải thưởng, quan trọng hơn chúng tôi được trải nghiệm, giúp đỡ nhau, tạo sự gần gũi, biết sẻ chia.

Người dân nơi đây làm việc vất vả, tỉ mỉ từng chút một, những giọt mồ hôi mặn mà của khó nhọc lăn trên khuôn mặt- một vẻ đẹp thẳm sâu. Dù vất vả nhưng họ luôn vui vẻ, vô cùng hiếu khách, gần gũi, chân thành.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi cùng uống trà và ăn món kẹo “hạt bí vị matcha trà xanh” do chính xưởng tự sản xuất. Kẹo có mùi thơm nhẹ của bột trà xanh, ăn lại bùi, có chút đắng, rồi ngọt dần nơi đầu lưỡi. Làm tôi nhớ đến ngày bé, bà ngoại hay làm kẹo lạc cho các cháu, mấy đứa quây quanh cái chảo được đúc bằng gang, ấm áp bên bếp lửa mùa đông.

Trong lúc trò chuyện, các bác trong xưởng tranh thủ cắm bình hoa chuối đỏ. Tôi ngỡ ngàng “hoa chuối đỏ thật à các bác?”. Do đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa chuối đỏ ngoài đời thực. Tôi chỉ biết hoa chuối đỏ khi xem phim và đọc bài thơ “Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu. Chỉ dùng một câu thơ đã miêu tả trọn vẹn nét đẹp nổi bật của loài hoa này: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Hoa chuối đỏ có nhiều ở vùng miền núi phía Bắc. Ở mỗi tỉnh, theo thổ nhưỡng, khí hậu, hoa chuối rừng có màu sắc đậm nhạt và vẻ đẹp khác nhau. Sẽ có nơi hoa màu đỏ tươi, đỏ cam, nơi lại có màu hồng cánh sen nhưng đều rực rỡ và nổi bật giữa núi rừng xanh thắm.

Nghe kể, trước kia, ở miền núi những năm tháng khó khăn, vào ngày giáp hạt, hoa chuối đỏ còn là nguồn thức ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Có thể ăn như rau sống hoặc xào, nấu canh để chống đói. Gần đây dân chơi hoa thường mua hoa chuối về cắm vào ngày Tết, ngày lễ để trang trí cho ngôi nhà thêm ấm cúng, rạng rỡ. Hoa chuối đỏ thân thấp, hoa hướng thẳng lên nên được gọi là chỉ thiên, có màu đỏ rực rỡ, biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Thân cây mọc thẳng tắp, tượng trưng cho sự phát triển kiên cường. Chính vì ý nghĩa và vẻ đẹp hoang dã, hoa chuối đỏ được nhiều nhà thơ, nhà văn khi viết về miền núi thường lựa chọn, ví với sắc đẹp như người con gái vùng cao…

Tại xưởng chế biến trà nơi chúng tôi đến, hoa chuối đỏ được cắm trang trí. Để mỗi người sau hành trình dài thăm thú sẽ thấy hào hứng trở lại khi nhìn thấy màu hoa ấy. Dù đi xa, đến một nơi mới lạ nhưng cảm giác vẫn ấm cúng như ở nhà mình, đó là cách tiếp khách đầy trọng thị, mến mộ của người dân xứ trà. Chuyến xe ấy làm tôi nhớ mãi!

 

Những giọt mồ hôi

Bút ký của Nguyễn Phương Vy

 

Nắng, nắng thật là nắng. Cái nắng chói chang, như thiêu như đốt cả bầu trời tháng Tám. Bầu trời trong xanh không có lấy một gợn mây. Những tia nắng vươn mình đi qua tán cây, xuyên qua những kẽ lá rồi lại lăng xăng chạy theo gió. Cứ vậy gió và nắng đưa mình đi khắp mọi ngõ ngách mang đến cái không khí mùa hè oi nóng quá. Tôi cùng đoàn trải nghiệm nhanh chóng di chuyển, đi thật nhanh để tránh cái nắng cái nóng gay gắt ấy. Không chỉ tôi mà có lẽ ai cũng hồi hộp, tò mò, mong muốn khám phá những công đoạn để làm ra sắt, thép trong chuyến đi thực tế tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trước mắt tôi là hình ảnh nhiều nhà máy, phân xưởng. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Lò cao.

Tôi nghe các cô, các chú công nhân giới thiệu nơi đây Bác Hồ từng ghé thăm trong những ngày đầu thành lập Công ty Gang thép Thái Nguyên. Cảm xúc thật bồi hồi, xúc động và tự hào khi đây chính là cái nôi của ngành luyện kim Việt Nam.

Chúng tôi vào nhà máy để tận mắt chứng kiến quy trình làm ra thành phẩm sắt, thép, gang. Rất ngạc nhiên và thật sự khâm phục những người công nhân làm ra thép Tisco. Điều tôi nhớ nhất, nhớ mãi là âm thanh khi sản xuất ra thép. Những thanh thép dài được hút và kéo bằng nam châm từ một vị trí ở trên cao sau đó được thả xuống vị trí khác bên dưới và những người công nhân sắp xếp chúng theo từng bó từng chồng ngay ngắn. Cường độ âm thanh rất lớn thậm chí chói tai khi những thanh sắt va chạm với nhau.

Theo sự hướng dẫn của các chú công nhân, chúng tôi đi lên một chiếc cầu thang sắt. Trên đó, chúng tôi chứng kiến toàn bộ công đoạn làm ra 1 thanh thép Tisco. Đầu tiên là những thanh phôi đỏ rực, phải nóng đến hàng nghìn độ C được đưa vào vào máy để làm ra những thanh thép Tisco nhỏ hơn. Những người công nhân mặc quần áo bảo hộ lặng lẽ làm việc dưới cái nắng gay gắt của mùa hè và sức nóng hừng hực tỏa ra từ khối kim loại còn đang cháy đỏ. Nước từ hệ thống làm mát xối xuống phôi, hơi nước quyện với hơi nóng khiến không khí càng thêm ngột ngạt

Sang công đoạn tiếp theo, phôi được đưa vào một hệ thống khác, cũng là lúc những thanh thép Tisco được sản xuất ra. Thép lúc này còn rất nóng. Thép được sản xuất liên tục đòi hỏi những người công nhân phải tập trung làm việc với cường độ cao. Tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của công việc, âm thanh rất lớn của hệ thống máy móc, tiếng sắt thép va chạm khi di chuyển, cái nóng oi ả của mùa hè và từ chính phôi thép đỏ rực. Để làm nên một thanh thép biết bao những giọt mồ hôi rơi xuống. Được chứng kiến toàn bộ công đoạn sản xuất, tôi thực sự cảm phục và biết ơn những người công nhân. Họ cống hiến hết mình vì công việc.

Ngắm nhìn phân xưởng và những người công nhân ấy tôi biết ơn và quý trọng những người lao động đã cống hiến tuổi trẻ, sức lực góp phần làm đẹp cho quê hương đất nước. Những thành phẩm được sản xuất từ đây không chỉ phục vụ người dân làm ra những ngôi nhà, phục vụ đất nước làm ra những toà nhà, công trình đẹp mà ở đó còn chứa đựng biết bao giọt mồ hôi.

 

Phía bên kia bầu trời

Tản văn của Trần Hải Đăng

Ở phía bên kia của mây trời là gì? Khi mà người ta cứ mải miết đi tìm đại dương xanh, lòng tôi đã ôm trọn cả muôn loài vào trong. Đằng ấy là những giọt mưa xanh mát trên tán lá, chim ríu rít hát cùng gió tạo bản hòa ca không lời, bầu trời thăm thẳm in bóng trên những vũng nước mưa nơi sân trường, đã vẽ ánh mắt tôi cầu kì với những mảng nhỏ li ti, đậm đặc. Vũng nước nhỏ nơi đây có lẽ cũng như một đại dương vậy…

Thời tiết dịu mát hiếm hoi từ cơn mưa đầu hạ đã khẽ nhắc tôi về bước chuyển mình của thời gian. Ngày hôm nay, trên sân trường với những mảng màu cam lóa lên trên nền xanh ngọc của đất trời, tôi mới lại nếm được thấy cái mùi hương thân quen đã lâu không gặp. Đất trời rớm vị ngai ngái của nước mưa hòa trong lòng đất, của những kí ức đẹp, những say mê tôi đã bỏ quên, những tình yêu, những bâng khuâng kì lạ. Tất thảy bỗng ùa về trong tiếng kể thầm thì da diết của cây xanh, tiếng trong trẻo của những cô sáo, chú chào mào.

Rồi một ngày không xa, tôi bỏ lại những kí ức nơi sân trường để đến bầu trời xa lạ. Nơi mà người ta vẫn luôn khát khao được chinh phục, nhưng cũng bất giác sợ hãi trước sự vô định của chính nó. Rồi từng ngày, từng ngày, mỗi năm tháng trôi đi, ta sẽ bỏ quên những mùa hạ cũ. Nhưng dường như, ta càng cố đưa tay chạm lấy bầu trời bao nhiêu lần, thì càng cách xa thêm bấy nhiêu. Ta vẫn bỏ quên sau lưng những mảnh vụn khó bao giờ tìm lại nếu như không có mùa hạ quay về nhắc nhở.

Một ngày nào đó, tôi đang đứng giữa một thảo nguyên xanh rờn, lộng gió của Trung Quốc, hay dạo bước dưới ánh đèn hoa lệ của Pa-ri. Một ngày nào đó, tôi sẽ đi thật xa đến những chân trời, đi tìm câu trả lời cho tất cả những hiếu kì của mình. Vậy mà khi mùa hạ chợt đến, đánh thức tôi giữa những xa xăm ấy, là góc sân trường bé nhỏ và ngắn ngủi. Không một tiếng trống, không cả một tiếng lá rơi. Ở đó, chỉ còn tôi giữa đại lộ mênh mang của kí ức, về một thời đã cũ mèm.

Những kỉ niệm bên thềm nắng, lay động tâm trí tôi hướng về bầu trời. Tương lai dẫu mơ hồ đến đâu, nó vẫn luôn đứng lại trong một tích tắc để trở thành hiện tại. Vậy nên, chỉ cần sống cho chính mình, không ngừng theo đuổi khát khao đặt chân đến những nơi chưa từng được đến, ăn những món ngon chưa từng được thử, gặp những người mình mến mộ. Bầu trời có thể ngập tràn sao đêm, hay rực lên nắng ấm. Nhưng trên hết, nó khiến tôi không vội vã tìm kiếm câu trả lời: “Ở phía bên kia mây trời là gì?”. Bởi vì tôi đang bận bịu tìm kiếm chính mình, tìm cho ra một phiên bản tốt nhất của bản thân, một cách sống sao cho thỏa đáng, không vướng bận.

Tuổi trẻ rồi sẽ kết thúc nhanh đến mức nào? Khi mà tôi vẫn đang theo đuổi những đám mây xa vời phía bên kia bầu trời ấy. Rồi mai đây, ta vẫn sẽ không bao giờ biết được: “Ở phía bên kia mây trời là gì?”.  Và phải chăng ta chỉ muốn quay lại, đứng dưới nơi bầu trời đã quen thuộc bấy lâu. Để nhìn lên và nhắm mắt, cảm thán về cả hành trình mình đã đi...

 

Phạm Hương Thảo

 

Hoa cát

 

Hoang mạc

Nắng cháy

Những bộ rễ khát nước

Lẳng lặng đi tìm

Kìa tiếng chuông trên cổ lạc đà

Đánh thức dải cát vàng vô tận

Đi mãi…tìm mãi…

Không thấy ốc đảo xanh tươi

Nhưng lại thấy miên man xương rồng

Hóa ra, trên sa mạc

chỉ loài hoa này vẫn nở...

 

Dương Ngô Minh Đức

 

Kỷ niệm

 

Ngủ đi thôi, kỉ niệm dường đã mỏi

đáy mắt hong khô, ngày cũng đã nguội rồi

 

Đừng nhắc nữa, phố khuya hoang hoải

bóng nghiêng nghiêng ngã dưới chân đèn

vương mặt người, khói tan vào khe khẽ

Con đường nào, phủ kín bụi thành quen

 

Đừng vội nhoè đi, vạt bình minh ngơ ngác

đừng mãi nặng lòng với mảnh vỡ phôi phai

cũng chẳng còn gì đâu nữa

tháng năm di căn dai dẳng

những dấu chân người chớp ngộ duềnh lên hoang vắng

rực rỡ rồi thiên di

 

Ta hoài thai từ những đến - đi

 buông mình dở dang như dấu chấm

giữa bốn bề nổi nênh, vội viết dòng nhật ký

rong rêu mờ lưu bút

lặng kết tủa hồn chữ đục trầm

ta trở mình bước tiếp

đa đoan

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/van-nghe-tuoi-hoa-d490d48/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm