Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điện ảnh Việt Nam đương đại thiếu vắng phim về đề tài lịch sử và chiến tranh: Vì sao và như thế nào?

Cứ mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, thì một vấn đề lại đặt ra cho giới điện ảnh nói riêng và công chúng yêu văn hóa nghệ thuật nói chung là tại sao cho đến nay những bộ phim về những sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc, hoặc là phim lấy cảm hứng từ đề tài chiến tranh vẫn còn rất thưa vắng và chưa đạt được kỳ vọng của người xem. Như vậy, các nhà làm phim Việt Nam vẫn còn một “món nợ” không chỉ với công chúng, mà còn với chính bản thân chức phận nghề nghiệp của mình.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên24/07/2025

Cảnh trong phim Đào, phở và piano”.
Cảnh trong phim "Đào, phở và piano”.

Điện ảnh Việt Nam thời đương đại thiếu vắng những bộ phim về lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng

Trong thời quá khứ khi còn chiến tranh và vài năm sau đó vào thời hậu chiến thì các bộ phim của điện ảnh Việt Nam kể cả ở hai miền Nam – Bắc đều tập trung phản ánh cuộc chiến, đương nhiên từ những góc nhìn khác nhau và ngoài phim truyện còn phải kể đến nhiều bộ phim tài liệu có giá trị. Tuy nhiên, ở thời đương đại thì lại ít thấy bóng dáng những bộ phim về đề tài lịch sử, về chiến tranh cách mạng.

Nếu nói về các ngày lễ lớn của dân tộc thì riêng phim truyện lịch sử về ngày thống nhất đất nước 30-4 ngoài bộ phim “Chiến trường chia nửa vầng trăng” (ra đời năm 1990) của cố đạo diễn, NSND Hồng Sến gây tiếng vang và được xem là tác phẩm kinh điển, thì một số bộ phim khác cũng chưa tạo được ấn tượng, kể cả bộ phim “Giải phóng Sài Gòn” (2005) của đạo diễn Long Vân. Còn về thắng lợi Điện Biên Phủ thì ngoài “Hoa ban đỏ” (1994) của nữ đạo diễn Bạch Diệp và “Ký ức Điện Biên” (2004) của Đỗ Minh Tuấn thì cũng không có phim nào đáng chú ý. Còn về đề tài chiến tranh gần đây có thể nhắc đến bộ phim “Bình minh đỏ” của bộ đôi đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành lấy bối cảnh sau Tết Mậu Thân năm 1968, nói về các nữ thanh niên xung phong lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Bộ phim đình đám “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn thì lấy cảm hứng từ lịch sử để nói về số phận, tính cách con người trong cuộc chiến, chứ không phải là một phim lịch sử theo đúng nghĩa. Nếu nói đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong những ngày đầu tiên thì bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” (1997) của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn được xem là kinh điển và cho đến nay chưa có bộ phim nào vượt qua được. Gần đây nhất có phim “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được đánh giá là một thành công lớn cả về doanh thu (172 tỉ đồng) và chất lượng nghệ thuật, song cũng là bộ phim duy nhất về đề tài chiến tranh ra mắt vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Vậy nguyên nhân nào khiến cho dòng phim về đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng thưa vắng trong thời đương đại? Nhìn sang một số nước khác có nền điện ảnh mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc ở châu Á hay Mỹ, Anh, Pháp…, có thể thấy dòng phim lịch sử dù là trong lĩnh vực điện ảnh hay truyền hình đều được đầu tư công phu, từ kịch bản cho đến đạo cụ, bối cảnh và không thiếu nguồn nhân lực. Nhưng ở Việt Nam thì các yếu tố đó lại đang thiếu vắng.

Thứ nhất đó là vấn đề tiền làm phim. Các hãng phim tư nhân có nguồn vốn lắm không mặn mà với đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Họ thích dã sử, cổ trang hơn bởi vì dễ làm, dễ thu hút số đông khán giả hơn trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam hiện nay. Vì thế, phần lớn các phim về chiến tranh, cách mạng là do nhà nước đặt hàng, bỏ vốn đầu tư. Còn các hãng phim tư nhân, cho dù có muốn làm, nhưng bài toán đặt ra là: đầu tư kinh phí tốn kém, song liệu doanh thu có được như mong muốn?

Thứ hai là vấn đề nhân lực điện ảnh. Đạo diễn cần giỏi và biên kịch cũng cần tài năng, hiểu biết để có một kịch bản hay. Nếu viết kịch bản phim lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng mà không am hiểu lịch sử, không tìm tòi tư liệu, tiếp xúc, gặp gỡ nhân chứng sống… để có cái nhìn nhiều chiều kích, khía cạnh, thì cũng sẽ rơi vào tình trạng bị khán giả phán ứng khi phát hiện ra những kiến thức sai lệch về lịch sử. Chuyện hư cấu lịch sử đến đâu, hư cấu như thế nào cũng là một thách thức không nhỏ với các nhà làm phim, bởi không để đưa nguyên bản hiện thực lịch sử lên phim như là minh họa. Chưa hết, bản thân đạo diễn tuy làm phim về quá khứ, song bộ phim ấy phải đánh động, phải nối kết được với khán giả hôm nay thì mới mong công chúng hưởng ứng bộ phim.

Bản thân đội ngũ diễn viên hiện nay cũng ít đáp ứng được với yêu cầu phim lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Nếu tìm diễn viên đóng vai nhân vật bình thường thì vẫn là chuyện dễ dàng. Nhưng tìm một diễn viên đóng đạt vai lãnh tụ, lãnh đạo, các nhân vật lịch sử danh tiếng… thì rất khó khăn. Hóa trang cho giống chỉ là một khâu, quan trọng là các diễn viên phải có thần thái, khí chất, phong cách tương đồng với các nhân vật lịch sử, đồng thời cũng phải phù hợp với hình tượng nhân vật như trong mong ước, suy nghĩ của công chúng điện ảnh.

Thứ ba, vấn đề trường quay, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật khi làm phim lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là một vấn đề nan giải của điện ảnh Việt. Làm phim lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng bắt buộc phải xây dựng phim trường chứ không thể chỉ dựa vào ngoại cảnh có sẵn. Việt Nam đang rất thiếu phim trường đạt chuẩn quốc tế và đây là một khó khăn lớn cho việc làm phim lịch sử. Chưa kể từ trang phục đến đạo cụ trong những phim về chiến tranh cũng đòi hỏi một kinh phí lớn nếu muốn đúng chuẩn và phù hợp với giai đoạn lịch sử. Thực trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay là vai trò của đạo diễn, biên kịch, diễn viên được chú ý, tôn vinh, nhưng ít ai quan tâm đến đội ngũ thầm lặng phía sau mỗi bộ phim, từ họa sĩ thiết kế bối cảnh đến người thiết kế trang phục, từ người làm về âm thanh cho đến người thực hiện kỹ xảo… Họ không có thu nhập cao nên ít người đầu tư được cho chuyên môn của mình.

Góc nhìn từ chính sách của Nhà nước

Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về văn hóa từ trước đến nay luôn nhấn mạnh yếu tố “đại chúng”, kể từ “Đề cương văn hóa” ra đời năm 1943 cho đến Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng. Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6000 tỷ VNĐ và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước. Như vậy doanh thu cao chứng tỏ phim hợp thị hiếu của đông đảo khán giả đại chúng và cũng là một nội dung của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Và dòng phim thị trường từ trước đến nay đáp ứng khá tốt yêu cầu về mặt doanh thu. Dòng phim thị trường tồn tại là có lý do của nó và bản thân sự tồn tại của nó đang nuôi sống ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam.

Nói như vậy để thấy dòng phim giải trí mang tính chất đại chúng, dành cho số đông khán giả vẫn là một dòng chủ lực trên thị trường phim ảnh Việt Nam. Chỉ có điều nếu bằng lòng với hiện tại và vẫn mãi như vậy thì cũng có nghĩa là để cho điện ảnh Việt Nam đứng chân tại chỗ, phát triển một chiều và khán giả không có nhiều cơ hội để xem phim về đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.

Do vậy, trong nỗ lực làm nghề, không thể không quan tâm đến sự cân đối giữa quản lý đúng đắn của nhà nước với sự phát triển của tư nhân trong thị trường điện ảnh, để cho nền điện ảnh Việt Nam thật sự khởi sắc và có những bộ phim hay về đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.

Giải pháp cho câu hỏi: Làm phim về đề tài lịch sử và chiến tranh hiện nay cần những gì?

Từ các bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn và “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có thể thấy rằng dòng phim chính luận, lấy cảm hứng lịch sử, đề cập đến lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn được khán giả dành cho nhiều thiện cảm và nếu có chiến lược quảng bá tốt, thì tác phẩm không chỉ đến được với công chúng, mà còn có doanh thu về cho nhà nước và nhà đầu tư. Những bộ phim trên được lòng công chúng nhờ vào một yếu tố luôn khiến cho nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng ăn khách nếu biết khai thác tốt: Tinh thần dân tộc! Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là một đề tài không bao giờ xưa cũ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Nhiều bộ phim trên thế giới trở thành kinh điển, hiện tượng phòng vé hay gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá nhờ khai thác hay và hợp lý đề tài này.

Tuy vậy cơ chế tài trợ kinh phí cho dòng phim nhà nước vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, hoàn toàn không có phần kinh phí dành cho phát hành phim và quảng bá phim. Nên chăng cần bổ sung, cập nhật, điều chỉnh những quy định sao cho các bộ phim làm từ kinh phí nhà nước có điều kiện được ra rạp. Bản thân các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tạo những điều kiện thuận lợi để cho dòng phim này đến được với khán giả. Trong khi chưa có những quy định mới bổ sung, cần áp dụng một số điều khoản trong các Nghị định hay Luật Điện ảnh về phổ biến phim để tìm đường ra cho phim Nhà nước. Chẳng hạn Nghị định số 131/2022/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, trong đó điều 9 nêu rõ: “Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.” Về lâu dài nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Cục Điện ảnh phải đóng một vai trò lớn hơn. Thị phần thị trường phim ảnh không thể chỉ nằm hoàn toàn trong tay tư nhân, mà nhà nước cũng nên phát triển một hệ thống rạp, chứ không thể chỉ trông cậy vào Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Do còn vướng cơ chế về kinh phí cho phát hành, phổ biến, quảng bá, nên những việc cần làm ngay là những cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, điện ảnh cần có sự làm việc tích cực với các cụm rạp tư nhân về việc đưa dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng về chiếu. Đồng thời có thể đưa dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng về chiếu miễn phí hoặc với giá rẻ trong các trường phổ thông và đại học, chiếu miễn phí nơi công cộng ở các vùng sâu vùng xa, các địa phương còn khó khăn. Hơn thế nữa, việc đưa phim lên bán ở những nền tảng giải trí trên mạng của Việt Nam và thế giới như FPT Play, Neflix... cũng cần được tiến hành sớm.

Về lâu dài, bản thân các cơ quan chức năng cũng nên có đưa ra những quy định mới về kinh phí phát hành, tỉ lệ ăn chia với các nhà phát hành phim tư nhân về việc phát hành phim nhà nước và có những giải pháp thiết thực, cụ thể như nói ở trên là phát hành phim trên các nền tảng giải trí trên mạng trong và ngoài nước… Có như vậy, định kiến về chuyện làm phim Nhà nước về lịch sử, chiến tranh cách mạng để xếp vào kho, không phát hành được, mới dần mất đi và điều quan trọng nhất là vừa phục vụ được nhu cầu giải trí tinh thần của người dân một cách chính đáng, vừa không làm lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Việc bộ phim “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên do tư nhân bỏ vốn đầu tư với kinh phí làm phim khoảng 55 tỉ đồng cho thấy việc khuyến khích các nhà đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa bắt tay vào thực hiện những bộ phim về đề tài lịch sử và chiến tranh, là hoàn toàn khả thi. Trong khi chờ đợi thay đổi chính sách, để có thể có những giải pháp toàn diện hơn, thì việc khuyến khích tư nhân làm phim lịch sử, phim về chiến tranh với những điều kiện ưu đãi là cần thiết. Tại Liên hoan phim Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần 1 năm 2024, trong tọa đàm “Phát triển điện ảnh TP. Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh vay tối đa 200 tỉ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Còn vay trên 200 tỉ đồng thì mới tính đến lãi suất. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có thể bắt tay hợp tác với các hãng phim tư nhân để chung tay cùng làm phim lịch sử, chiến tranh với một tầm vóc mới, từ quy mô đến bối cảnh, từ nhân lực đến vật lực, từ kỹ xảo đến tư duy làm phim…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Làm phim lịch sử, phim về chiến tranh cách mạng cần có những con người giỏi và có tư duy tốt. Tư duy ở đây không chỉ là tư duy chính trị, lịch sử đúng đắn, mà còn phải có tư duy nhanh nhạy với cuộc sống hôm nay để thổi hồn vào những bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng những sức sống mới. Những nhà làm phim trong thời đương đại cần phải nghiên cứu, tìm hiểu những bộ phim lịch sử, chiến tranh của Việt Nam và thế giới trước đó, tìm ra con đường làm phim cho mình, tránh sa vào lối mòn, để bộ phim thật sự có sức hấp dẫn đối với công chúng. Đồng thời, các cơ quan hữu quan nên chăng đặt ra các cuộc thi viết kịch bản về phim lịch sử, chiến tranh và các giải thưởng điện ảnh của nhà nước, của Hội Điện ảnh Việt Nam, của báo chí hay các cơ quan… Mặt khác, nên có một giải đặc biệt để trao cho phim về đề tài lịch sử, chiến tranh. Có như vậy mới tạo điều kiện cho những bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng có chất lượng ra đời.

Trong khi chờ đợi có những sự thay đổi về cơ chế, về hợp tác, về đầu tư cho điện ảnh từ phía Nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa, thì không nên bắt công chúng phải chờ nữa, các nhà làm phim Việt Nam cần bắt tay vào công việc trong khả năng của mình bởi lẽ một nền điện ảnh phát triển toàn diện thì không thể thiếu dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng. Và công chúng cũng luôn cần có những bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng có chất lượng tốt để nâng tầm học hỏi, hiểu biết, giáo dục bản thân.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/dien-anh-viet-nam-duong-dai-thieu-vang-phim-ve-de-tai-lich-su-va-chien-tranh-vi-sao-va-nhu-the-nao-bb20c91/


Chủ đề: chiến tranhphim

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm