Thế hệ trẻ làng Giắng lan tỏa vẻ đẹp điệu múa giáo cờ giáo quạt.
Vùng quê giàu truyền thống văn hóa
Giống với nhiều làng quê Việt thuở xưa, làng có 2 tên, tên nôm là làng Giắng, tên chữ là làng Thượng Liệt, thuộc xã Đông Tân (Đông Hưng). Theo thần tích còn lưu truyền: Vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, công chúa Trần Thị Quý Minh - con gái vua Trần Duệ Tông, cùng 2 người em gái là Trần Thị Bảo Hoa và Trần Thị Ngọc Ánh được đưa sang cống Hồ. Sau khi vua cha qua đời, năm 1388, chị em bà đã được đón về để tiếp tục sự nghiệp vua cha. Đến cửa biển sông Trà, chị em bà dừng lại ở phủ Long Hưng, chia nhau lập nên trang ấp. Trong đó, bà Trần Thị Quý Minh về ấp Giắng, nay là làng Thượng Liệt. Tại đây, bà tập hợp cư dân, khai khẩn đất hoang hóa, phát triển nông nghiệp, làm cho cuộc sống của nhân dân dần thay đổi, ngày thêm trù phú, ấm no. Tương truyền, trong những ngày đầu lập ấp, để giúp nhân dân quên đi nỗi gian lao cực nhọc, cũng là để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, bà đã sáng tạo ra điệu múa giáo cờ giáo quạt theo tích Chiêu Quân cống Hồ và dạy cho dân làng. Từ đó, điệu múa đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người làng Giắng trong những ngày đầu xuân. Khi bà qua đời, dân làng tôn thờ bà là Thánh mẫu, Thành hoàng.
Ở làng Thượng Liệt hiện còn 22 đạo sắc của 16 vương triều, các vương triều đều phong bà là Thượng Đẳng Thần, thể hiện sự ghi nhận của đời sau đối với công trạng của bà. Hàng năm, dân làng Thượng Liệt mở hội tại quần thể di tích đình - chùa - lăng của làng vào những ngày sau tết Nguyên đán, duy trì điệu múa giáo cờ giáo quạt như nghi thức cổ truyền. Điệu múa không những nhắc nhở mỗi người về công ơn đối với người đã sáng tạo ra nó mà còn là nơi để nhân dân tham gia lễ hội được vui chơi, giải trí sau những ngày lam lũ, vất vả, mệt nhọc; đồng thời, cũng là nơi gửi gắm mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục phát huy giá trị văn hóa dân gian.
Múa đôi trong các cấp múa giáo cờ giáo quạt.
Điệu múa, lời ca độc đáo riêng có
Múa giáo cờ giáo quạt là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi, nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha và ước vọng về cuộc sống no đủ cho dân chúng. Trong 36 cấp của điệu múa cổ truyền này, nhiều cấp sử dụng chất liệu múa dân gian và được cải biên cho phù hợp. Nhiều động tác tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi đồng quê thôn dã như chim bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền… tạo cho điệu múa sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện rõ ở các cấp múa. Về âm nhạc, có cấp múa chỉ cần tiếng trống làm hiệu, có cấp có lời hát, hay còn gọi là róng. Người róng phải là người thuộc nhiều lời bài hát, điệu múa để róng cho đúng bài. Hơn 50 năm trực tiếp gắn bó với điệu múa giáo cờ giáo quạt, nghệ nhân Lại Thị Thiếu vẫn hàng ngày cùng các nghệ nhân của làng miệt mài tập luyện để các bài róng cổ xưa không bị mai một.
Nghệ nhân Lại Thị Thiếu, xã Đông Tân chia sẻ: Múa có lời hát hòa theo làm cho người xem dễ tiếp thu nội dung của múa. Khi các cháu múa, lời hát gắn với từng điệu. Ví dụ như ở cấp múa rè, lời róng như sau: “Tiết đầu xuân/Lệ khai trần/Việc múa thờ vua cho phải lẽ/Vua về làng phúc hưởng thiên thu/Đã mừng vua lại mừng làng/Mở tiệc ca nhi vũ nữ/Hỡi các bạn làng ta, quần áo sửa sang/Giơ cánh múa sao cho mềm mại/Múa thờ vua, múa hộ toàn làng/ Đứng xênh xang/Đứng cho bằng cánh…”. Ý nghĩa của điệu múa là múa thờ vua. Các động tác múa vừa được điều khiển theo nhịp trống vừa có lời róng kèm theo để tạo sự hài hòa, uyển chuyển nhưng cũng không kém phần long trọng, uy nghi.
Múa giáo cờ giáo quạt ra đời và duy trì biểu diễn trong những ngày hội làng từ thời nhà Trần. Khi đất nước có chiến tranh, điệu múa không được tiếp tục duy trì nhưng ngay khi hòa bình lập lại, nhân dân trong làng lại chung tay phục dựng. Người múa giáo cờ giáo quạt ngày nay không chỉ là những cô gái chưa chồng mà còn cả những phụ nữ trung niên, cao tuổi, trang phục cũng được cải tiến cho phù hợp độ tuổi nhưng về cơ bản, tinh thần của bài múa vẫn giữ nguyên vẹn theo cổ xưa. Hơn 90 tuổi, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Rược, xã Đông Tân vẫn nhớ chuyến lưu diễn cùng điệu múa giáo cờ giáo quạt ở các quốc gia Pháp, Thụy Điển, Mỹ… đặc biệt trong đó là tình cảm của những người đi vài trăm cây số để xem múa. Bà xúc động cho biết: Đời các cụ đi trước đã trao truyền cho chúng tôi thì bây giờ chúng tôi lại truyền cho thế hệ sau để gìn giữ mãi.
Trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú tỉnh Thái Bình mới đây, hội đồng cấp tỉnh đã thông qua danh sách các nghệ nhân đề nghị được công nhận ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có múa giáo cờ giáo quạt. Tính nhân văn và thẩm mỹ thể hiện qua lời ca, điệu múa khiến điệu múa cổ có sức sống bền lâu, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, góp phần làm nên nét độc đáo riêng có, trở thành nguồn động lực góp phần mời gọi du khách gần xa đến với miền quê lúa Thái Bình.
Tú Anh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/220860/ve-dep-dieu-mua-giao-co-giao-quat
Bình luận (0)