Vùng nuôi ngao tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải).
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Thái Thụy có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Phạm Đức Bảng, xã Thái Thượng khi đang tập trung chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè. Anh Bảng chia sẻ: Những năm qua, tôi đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng 4 bể nuôi tôm trong nhà bạt với tổng diện tích 5.000m2. Vùng nuôi tôm được lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy sục khí, máy đo nhiệt độ, máy cho ăn tự động, camera giám sát... Từ khi bắt tay vào nuôi tôm công nghệ cao, tôi có thể duy trì sản xuất một năm 4 vụ nhờ công nghệ kiểm soát được nhiệt độ, môi trường và thức ăn của tôm. Tôm được nuôi trong môi trường nước sạch và theo quy trình đạt chuẩn nên có kích cỡ khoảng 40 con/ kg. Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn tôm. Hiệu quả nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven biển đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để phát triển như mô hình ao bán nổi, quy hoạch vùng nuôi các giống thủy sản đặc sản. Cuối năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Tính ở xã Bình Định (Kiến Xương) xin được chuyển đổi 5,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả của tập thể và của một số hộ gia đình để triển khai mô hình làm ao bán nổi nuôi cá nước ngọt. Đến nay gia đình ông Tính đã đi vào sản xuất được 3 năm, trừ chi phí con giống, thức ăn, mỗi năm thu lãi hơn 800 triệu đồng. Bình quân mỗi héc-ta thu về khoảng 160 triệu đồng/năm.
Hai mô hình trên là hai trong hàng nghìn mô hình nuôi trồng thủy sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, từng bước xóa nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững
Cách đây 66 năm, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Người đã dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này và thể theo nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động cùng đông đảo bà con ngư dân, quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 1/4 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam. Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản cho biết: Sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam có sự đóng góp của thủy sản Thái Bình với định hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái.
Thái Bình có đường bờ biển dài 54km với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thủy sản, đặc biệt chú trọng khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Trong đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi ở vùng nước mặn, lợ và ngọt như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú moana, cá song, cá hồng Mỹ, cá lăng, vùng nuôi rươi có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực khai thác thủy hải sản là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân Thái Bình, từ một nghề cá nhân dân, hoạt động ở vùng biển gần bờ, đến nay cơ cấu tàu thuyền đã chuyển dịch theo hướng tăng phương tiện khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ, áp dụng công nghệ để khai thác các đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới nhiều tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần, ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Trang bị, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc như các máy bộ đàm tầm ngắn, bộ đàm tầm xa, máy định vị, thiết bị giám sát hành trình nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Thái Bình đã đóng góp các sản phẩm cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu nhiều mặt hàng có chất lượng như ngao, nước mắm, tôm nõn... đã được xuất khẩu sang thị trường khu vực Đông Nam Á, các nước châu Âu. Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng được quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân trong tỉnh. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao trong việc chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Sự phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực thủy sản, đặc biệt lực lượng sản xuất, nuôi trồng, khai thác và các cơ sở hạ tầng nghề cá đã giúp cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Kết quả sản xuất năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.365,09ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 188,8 nghìn tấn, tăng 0,5% so với năm 2023. Sản lượng giống sản xuất ước đạt 565,4 triệu con. Toàn tỉnh có 731 tàu thuyền khai thác thủy sản, tổng công suất đạt 143.891CV, sản lượng khai thác đạt 291,7 nghìn tấn. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 2,27% so với năm 2023, đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung trong ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh.
Để phát triển thủy sản bền vững trong giai đoạn tới, tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương. Tích cực chuyển đổi cơ cấu trong nuôi thủy sản, áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mang lại phương thức mới cho người dân nuôi thủy sản, thay đổi tập quán nuôi theo kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất thủy sản tích tụ đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Hiệu quả nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nam Phú (Tiền Hải).
Mạnh Thắng
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/220957/de-nganh-thuy-san-phat-trien-ben-vung
Bình luận (0)