Nếu hôn nhân là đích đến của tình yêu thì con cái chính là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình (Ảnh minh họa)
Thay đổi suy nghĩ về hôn nhân, gia đình
Ở tuổi 29, có công việc ổn định, ngoại hình xinh xắn nhưng chị Lê Thị Thúy Anh (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chưa sẵn sàng bước vào mối quan hệ yêu đương. “Cha mẹ nhiều lần thúc giục tôi dẫn người yêu về ra mắt nhưng hiện tại, tôi chỉ muốn tập trung đi làm, phát triển bản thân để có thể tiến xa trong công việc hơn là yêu đương và kết hôn. Tôi cảm thấy bản thân chưa đủ chín chắn, 48 tài chính chưa vững chắc để làm vợ, làm mẹ” - chị Thúy Anh cho biết.
Còn anh Phạm Hùng (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi còn có nhiều dự định phải làm nên chưa muốn kết hôn trong vài năm tới. Theo tôi, khi lập gia đình thì có nhiều thứ phải lo lắng, khi có con thì cũng cần có điều kiện để chăm sóc đầy đủ. Hiện nay, tôi đi làm chỉ đủ lo cho bản thân và phụ giúp một ít cho cha mẹ. Nếu như chăm lo hẳn cho gia đình riêng thì quá nhiều áp lực để gánh vác. Sống độc thân, tôi có thể thoải mái với đam mê, nỗ lực hết mình với công việc”.
Xu hướng kết hôn muộn, ngại yêu, lười yêu như chị Thúy Anh hay anh Phạm Hùng không hiếm trong giới trẻ hiện nay. Thay vì mong ước tìm được người tâm đầu ý hợp, tận hưởng những phút giây hạnh phúc bên người yêu, nhiều bạn trẻ sợ ràng buộc bởi 2 chữ “hôn nhân”, “gia đình”, “con cái”. Họ có thể hẹn hò, yêu đương nhưng ngại kết hôn.
Thực tế hiện nay, quan niệm hôn nhân và gia đình Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi, thách thức mới. Quan niệm về hôn nhân truyền thống “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” bị lung lay, khó giữ nguyên giá trị. Dưới tác động của cơ chế thị trường, văn hóa phương Tây, công nghệ 4.0 khiến các gia đình chịu nhiều mặt trái như quan hệ vợ chồng - gia đình lỏng lẻo, gia tăng số người đơn thân, độc thân, kết hôn đồng giới.
Theo nhiều bạn trẻ, kết hôn muộn hay lựa chọn sống độc thân có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cũng như nhiều thời gian để hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình mà không phải lo lắng bất cứ mối quan hệ ràng buộc nào. Điều này giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và không hối hận vì đã bỏ lỡ tuổi thanh xuân.
Gia đình - Nền tảng của xã hội
Gia đình là nền tảng của xã hội, được hình thành và duy trì dựa trên hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Gia đình hạnh phúc đồng nghĩa với xã hội thịnh vượng, phát triển. Bên cạnh những lợi thế thì xu hướng kết hôn muộn của giới trẻ cùng những tác động đa chiều từ KT-XH, văn hóa hình thành lối sống độc thân không chỉ làm lung lay giá trị của hôn nhân mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số, giá trị, chức năng quan trọng của gia đình trong hiện tại và tương lai.
Tỷ lệ đăng ký kết hôn giảm đồng nghĩa với tỷ lệ sinh con cũng giảm theo. Già hóa dân số là kết quả tất yếu của mức sinh giảm, nhất là khi xã hội phát triển, điều kiện sống được cải thiện. Những hệ lụy của mức sinh thấp và già hóa dân số tác động lâu dài đến từng cá nhân, gia đình và xã hội.
Với Bí thư Đoàn xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ - Nguyễn Thanh Hải, ở bất kỳ thời đại nào, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người
Theo Bí thư Đoàn xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ - Nguyễn Thanh Hải, ở bất kỳ thời đại nào, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Trong xã hội hiện đại, mỗi người dường như bị cuốn vào công việc cùng với các mối quan hệ khác nhưng sâu thẳm trong tâm thức, gia đình mãi là nơi thiêng liêng nhất. Gia đình là “tổ ấm”, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên.
Thực tế cho thấy, để đi đến hôn nhân, các đôi bạn trẻ thường trải qua những cảm xúc yêu đương, nhiều mối quan hệ, lựa chọn. Khi đặt bút ký vào giấy đăng ký kết hôn cũng là lúc cả hai phải có trách nhiệm với một nửa còn lại và với chính bản thân mình để cùng xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Trong xã hội ngày nay, khi cả phụ nữ và nam giới đều có những thành công, địa vị nhất định trong xã hội thì cả người vợ và chồng phải biết thông cảm, chia sẻ và cùng vun vén gia đình. Bên cạnh đó, mỗi người cần học cách để sống hài hòa với người khác, tôn trọng, lắng nghe đối phương trong mọi tình huống, có như vậy mới gạt bỏ được những nỗi sợ không đáng có trong cuộc sống hôn nhân, gia đình thời hiện đại.
Hôn nhân là kết tinh tình yêu của đôi lứa, cơ sở để tạo lập gia đình, còn gia đình là tế bào xã hội. Quan hệ, chất lượng hôn nhân chính là nền tảng của cuộc sống gia đình. Việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người góp phần tạo nên tính bền vững, ổn định của xã hội. Chính vì thế, hôn nhân và gia đình luôn có giá trị quan trọng trong đời sống xã hội, cần được giữ gìn, dung dưỡng./.
Huỳnh Hương
Nguồn: https://baolongan.vn/vi-sao-gioi-tre-ngai-ket-hon-a192363.html
Bình luận (0)