Các nhóm ngành bị ảnh hưởng tại Việt Nam
Các quốc gia bị ảnh hưởng chủ yếu là các đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó khu vực châu Á sẽ chịu tác động nặng nề với mức thuế cao nhất. Cụ thể:
Việc áp thuế đối xứng tác động mạnh đến năm nhóm ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề gồm điện tử (máy vi tính, điện thoại và linh kiện), dệt may, da giày, gỗ, nông-thủy sản, thép và nhôm. Cụ thể, các sản phẩm điện tử và dệt may sẽ bị chịu thuế cao nhất, gây áp lực lên lợi nhuận và thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
Lý do Mỹ tăng thuế và những hệ quả chính trị - kinh tế
Chính sách thuế mới của Tổng thống Trump có thể gây ra nhiều tác động không chỉ cho các quốc gia mà còn đối với nền kinh tế Mỹ. Một trong những lý do ông Trump đưa ra cho việc áp thuế là nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và khôi phục sản xuất trong nước. Theo đó, các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ phải cân bằng thương mại để giảm thuế quan.
Mỹ muốn bảo vệ sản xuất trong nước
Chính quyền Mỹ kỳ vọng rằng chính sách thuế quan này sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất trở lại Mỹ, tạo ra việc làm cho người lao động Mỹ và nâng cao vị thế kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, điều này có thể làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quốc tế, tác động đến sản xuất toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu và linh kiện, làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ và các đối tác.
Tác động đối với các quốc gia khác
Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu đã phản đối mạnh mẽ chính sách thuế mới của Mỹ. Trung Quốc cho rằng quyết định này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại. Nhật Bản lo ngại rằng thuế quan sẽ khiến các công ty gặp khó khăn trong việc đầu tư vào Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu đã lên tiếng chỉ trích chính sách này.
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu
Chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến các đối tác thương mại trực tiếp mà còn có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc tăng thuế sẽ kéo theo sự gia tăng chi phí hàng hóa, làm giảm tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tác động lớn khi mất đi thị trường xuất khẩu và đối diện với khủng hoảng kinh tế.
Tác động của việc Mỹ tăng thuế và những ứng phó linh hoạt
Sau khi chính sách thuế mới của Mỹ được công bố, giá cổ phiếu tương lai của Mỹ giảm tới 3%; cổ phiếu Apple đã giảm tới 7,9% trong ngày 3/4; cổ phiếu của Amazon giảm 6% và cổ phiếu Tesla giảm 8% trong giao dịch ngoài giờ; giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng và bitcoin giảm 4,4%.
Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/4/2025. Tình trạng bán tháo diễn ra trên diện rộng, khiến các chỉ số chính của những thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á lao dốc.
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, thị trường xuất siêu số 1 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam và đang dần trở thành nguồn cung về các sản phẩm máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ, năng lượng, tạo động lực mạnh cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2024 đạt gần 150 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước và thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD.
Chính sách thuế của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024, là điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giày chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7%.
Cụ thể, máy tính - linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc - thiết bị (22 tỷ USD) và dệt may (16,2 tỷ USD); điện thoại, gỗ, giày dép cũng đóng góp lớn với kim ngạch từ 8,3 - 9,8 tỷ USD. Xuất khẩu hạt điều đạt 1,15 tỷ USD, thủy sản 1,83 tỷ USD và cà phê 323 triệu USD. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ có thể phải chịu thêm số tiền là 0,92 tỷ USD trong năm 2025.

Việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối xứng cao tới 46% cho 90% tổng giá trị hàng xuất khẩu sang Mỹ đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng xuất khẩu Việt Nam (đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực, như hàng điện tử, dệt may – da giày, đồ gỗ và nội thất, thuỷ sản) về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao. Mức thuế cao có thể khiến các doanh nghiệp FDI (đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam…
Theo dự báo bloomberg, chính sách thuế mới của Mỹ nêu trên sẽ kéo giảm GDP Việt Nam tổng cộng khoảng 8,9% đến năm 2030, tức là bình quân 1,5 - 2% một năm, từ mức dự kiến tăng 7-8% GDP của 2025 xuống còn khoảng 5 - 6,5% GDP hoặc thấp hơn.

Ngoài ra, việc giảm xuất khẩu sang Mỹ có thể gây áp lực về giảm xuất siêu, giảm nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu và gia tăng áp lực lên tỷ giá, việc làm, thu nhập và an sinh xã hội trong thời gian trước mắt… Điều này phụ thuộc vào khả năng đàm phán, kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công, cùng khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ và doanh nghiệp.
Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ban, ngành để đánh giá tình hình và thảo luận tìm ra giải pháp trước mắt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh để lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó để giảm thiểu tác động và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nội địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025.
Tối ngày 4/4, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Chính sách thuế quan của Mỹ đang tạo ra nhiều thách thức lớn đối với các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, với các biện pháp đối phó hợp lý và chiến lược phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực và tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại ổn định với Mỹ. Mặc dù chính sách này tạo ra khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, linh hoạt ứng biến, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm các thị trường mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nguồn: https://baonghean.vn/vi-sao-my-ap-muc-thue-quan-moi-voi-viet-nam-10294511.html
Bình luận (0)