Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, dòng phim về gia đình vẫn được các đạo diễn, biên kịch chú trọng khai thác và nhận được thiện cảm từ người xem. Các tác phẩm nổi bật trong số đó có thể kể đến "Hương vị tình thân", "Thương ngày nắng về", "Đừng làm mẹ cáu", "Gia đình mình vui bất thình lình", "Người một nhà"...
Gần nhất, "Cha tôi, người ở lại" cũng gây chú ý khi được remake (làm lại) từ tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc - "Lấy danh nghĩa người nhà". Sau khi chính thức lên sóng vào ngày 17/3, bộ phim luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, có rating trên 5%, theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam. Cùng với đó, nội dung phim cũng nhận được nhiều phản hồi từ khán giả trên mạng xã hội.
Cốt truyện gần gũi, phản ánh đời sống
Thực tế, phim gia đình Việt luôn hấp dẫn khán giả bởi khai thác những câu chuyện quen thuộc, dễ đồng cảm. Cùng với đó, những tình huống, lời thoại mang đậm chất đời thường khiến người xem như được thấy chính mình trong đó.
Với "Cha tôi, người ở lại" là câu chuyện xoay quanh cuộc sống trong gia đình có 2 ông bố Bình (NSƯT Thái Sơn) và Chính (NSƯT Bùi Như Lai) cùng 3 người con lần lượt là Nguyên (Trần Nghĩa), Việt (Thái Vũ) và An (Ngọc Huyền). Gia đình họ có thể thiếu đi hình bóng người mẹ, người vợ nhưng tình cảm giữa 5 người luôn đong đầy, dù chẳng máu mủ ruột rà.
Ở phiên bản Việt, biên kịch và đạo diễn đã khéo léo lồng ghép, cài cắm nhiều yếu tố Việt Nam, như món ăn vặt "xiên bẩn", dấu ấn văn hóa dân tộc ở nhân vật ông Bình - khi 2 vợ chồng cùng đam mê hát chèo... giúp phim trở nên gần gũi hơn.
![]() |
Phim "Cha tôi, người ở lại" được chú ý khi làm lại từ bộ phim "Lấy danh nghĩa người nhà" của Trung Quốc. Ảnh: NSX |
Ngoài ra, màn hóa thân tự nhiên của các diễn viên cho mỗi nhân vật cũng là điểm thu hút khán giả. Xét về diễn xuất, bên cạnh bộ đôi NSƯT Thái Sơn - Bùi Như Lai, dàn diễn viên trẻ cũng tạo ấn tượng. Trong đó, nhân vật An của Ngọc Huyền thuyết phục người xem bởi sự hồn nhiên, nhí nhảnh, tinh thần lạc quan.
Tương tự, "Gia đình mình vui bất thình lình" quy tụ dàn diễn viên quen thuộc như NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương, NSƯT Kiều Anh, Quang Sự, Lan Phương, Doãn Quốc Đam, Khả Ngân, Thanh Sơn mang đến một góc nhìn khác khi khắc họa cuộc sống gia đình ba thế hệ.
Trong đó, tuyến nhân vật của Lan Phương - Doãn Quốc Đam có nhiều "đất" hơn để thể hiện và ghi dấu ấn. Đặc biệt, vai Hà - người vợ lanh chanh, trẻ con, nhưng hết lòng vì gia đình được Lan Phương biến hóa tài tình.
Với "Thương ngày nắng về", "Hương vị tình thân", "Người một nhà... cũng từ cách khai thác câu chuyện về tình mẫu tử, tình phụ tử, tình cảm anh em trong gia đình để nhắc nhở người xem về giá trị của tình thân và những mối quan hệ trong cuộc sống.
Vẫn còn hạn chế
Không khó nhận thấy, nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình Việt là hạn chế trong khâu kịch bản, nội dung thiếu đột phá, cách xử lý tình huống dễ dàng, chưa logic, tâm lý nhân vật thiếu chiều sâu... khiến mạch phim đôi lúc bị nhàm chán, câu chuyện trở nên dễ đoán.
Như với "Cha tôi, người ở lại", việc bộ phim liên tiếp đẩy 5 bố con vào bi kịch khiến người xem bức xúc. Trong diễn biến gần nhất, hai ông bố Bình, Chính vừa xoay sở tìm lời giải bài toán kinh tế, vừa phải đối phó với ông Huấn, bà Liên - những nhân vật phụ gây tổn thương cho gia đình. Hay chi tiết em gái Nguyên mất không giống bản gốc trở thành chủ đề gây tranh cãi, cách xử trí khi Việt va chạm với khách hàng tại quán cà phê cũng bị chê cũ kỹ, thiếu thực tế...
Trước đó, phim "Gia đình mình vui bất thình lình" cũng nhận phản ứng trái chiều vì dài dòng, lan man quá đà đến gây ức chế. Đơn cử như tình tiết Thành (Doãn Quốc Đam) bị mất nhẫn, sợ vợ phát hiện bị kéo dài tới 3 tập phim, hay tình huống Trâm Anh (Khả Ngân) đi tiếp khách cùng Khải (Trọng Lân) không hợp lý khi cô vốn được xây dựng có cá tính mạnh, lại là con gái nhà giàu, làm chủ tiệm váy cưới...
![]() |
Dòng phim gia đình được khán giả Việt yêu thích, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Ảnh: NSX |
Với "Hương vị tình thân", dù có nhiều tình tiết kịch tính, song phim vẫn đi vào lối mòn khi lạm dụng cảnh tình tứ của Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường). Phân cảnh Nam hồi tưởng hai vợ chồng đang ngắm cảnh ở vùng sông nước và nhảy xuống nước để bắt ốc, rồi bảo Long chụp ảnh, sau đó anh đề cập đến chuyện muốn vợ sinh đôi cũng bị nhận xét gượng, dài dòng, không cần thiết.
Điều này cho thấy, dù có nhiều điểm sáng, phim gia đình Việt vẫn cần cải thiện để giữ vững sức hút lâu dài. Ngoài yếu tố kịch bản, nhiều tác phẩm còn mắc lỗi trong khâu hình ảnh, hay việc cài cắm quảng cáo thiếu tinh tế, khiến trải nghiệm xem phim bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu có sự đổi mới và đầu tư hợp lý, những bộ phim thuộc thể loại trên sẽ có thể gặt hái thành công và duy trì sức hút trên sóng giờ vàng.
Nguồn: https://baophapluat.vn/vi-sao-phim-gia-dinh-viet-van-co-suc-hut-voi-khan-gia-post544026.html
Bình luận (0)