Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao tất cả 73.000 giáo viên TP.HCM phải khảo sát tiếng Anh?

Vì sao tất cả giáo viên ở TP.HCM phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh? Sau khảo sát, giáo viên có phải tham gia các lớp học bồi dưỡng do Sở tổ chức?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ24/04/2025

Vì sao tất cả 73.000 giáo viên TP.HCM phải khảo sát tiếng Anh? - Ảnh 1.

Một tiết học môn tiếng Anh của cô trò lớp 12A2 Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn, quận 7, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước yêu cầu tất cả giáo viên tiểu học, THCS và THPT ở TP.HCM phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh, rất nhiều giáo viên lo lắng về mục đích tổ chức khảo sát, đề ra quá khó làm không được, cũng như lo họ phải đóng tiền tham gia các lớp học bồi dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức.

Bên cạnh đó dư luận băn khoăn về đơn vị phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức đợt khảo sát này.

Để làm rõ hơn, Tuổi Trẻ Online đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Ông Hiếu cho biết: "Mục đích của việc khảo sát nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Từ đó sở sẽ có cơ sở dữ liệu để xây dựng Đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Đây là một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế, thực hiện theo kết luận số 91 của Bộ Chính trị.

Cụ thể là xây dựng bao nhiêu tiết học tiếng Anh trong trường, những hoạt động nào sẽ được tổ chức bằng tiếng Anh, lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ ra sao... cần phải có các góc nhìn khách quan, tính toán số liệu dựa trên phân tích khoa học chứ không thể làm khơi khơi được".

tiếng Anh - Ảnh 3.

TS Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

* Thưa ông, TP.HCM hiện có hơn 73.000 giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT, bao gồm cả giáo viên dạy môn tiếng Anh và những môn khác. Vậy tất cả những giáo viên này đều phải làm khảo sát?

- Việc khảo sát diễn ra theo hình thức trực tuyến chỉ trong 90 phút. Giáo viên rảnh giờ nào thì mở máy làm giờ đó chứ không nhất thiết phải làm theo đúng một giờ nhất định.

Tôi xin nhấn mạnh đây không phải là kỳ thi đánh giá chuyên môn, xếp loại năng lực giáo viên. Kết quả khảo sát cũng không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác. 

Thông tin kết quả khảo sát của từng cá nhân cũng sẽ được bảo mật. Chỉ có chính bản thân thầy cô tham gia khảo sát và tổ giúp việc của ban chỉ đạo xây dựng đề án (là bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung) mới được tiếp cận với kết quả khảo sát.

Tôi cho rằng việc tham gia khảo sát là dịp để mỗi thầy cô tự nhìn nhận, đánh giá được mức độ năng lực tiếng Anh hiện tại của mình một cách khách quan.

Tuy nhiên với những thầy cô giáo có thời gian giảng dạy dưới 10 năm nữa là về hưu, hoặc có vấn đề về sức khỏe thì hiệu trưởng các nhà trường có thể không đưa vào danh sách làm khảo sát. Còn lại tất cả thầy cô giáo đều cần làm bài khảo sát này.

* TP.HCM có khá nhiều giáo viên đã lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL... Vậy những giáo viên này có phải làm khảo sát không, thưa ông? Trên thực tế, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh sẽ có năng lực tiếng Anh khác với những giáo viên bộ môn còn lại, vậy sở sẽ làm đề khảo sát riêng hay làm đề chung cho tất cả giáo viên? Nhiều thầy cô cũng thắc mắc trình độ ở mức nào thì được xem là đạt?

- Như tôi đã nói ở trên, tất cả giáo viên cần làm khảo sát đợt này để sở có thể đánh giá một cách toàn diện, khách quan trình độ đội ngũ. Cambridge Assessment English biên soạn một đề khảo sát chung cho tất cả giáo viên, bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).

Cũng xin nói thêm là việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học có rất nhiều hình thức. Ngoài việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh còn là việc tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động... để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh.

Vì vậy những thầy cô giáo đạt trình độ từ B1 trở lên theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR sẽ được tham gia bồi dưỡng để dạy tiểu học. Những thầy cô giáo đạt trình độ từ B2 trở lên theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR sẽ được tham gia bồi dưỡng để dạy trung học.

* Có ý kiến cho rằng sau đợt khảo sát, TP sẽ có một số lượng lớn giáo viên không đạt yêu cầu. Và Sở GD-ĐT TP sẽ bắt buộc họ phải tham gia những khóa bồi dưỡng năng lực tiếng Anh do sở tổ chức. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay đã có một số trường trung học ở TP.HCM thực hiện giảng dạy một số tiết, một số môn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên phụ huynh lại có ý kiến trái chiều, họ băn khoăn rằng những thầy cô đứng lớp đã có chứng chỉ dạy các môn học bằng tiếng Anh chưa, năng lực của các thầy cô như thế nào, có bảo đảm giảng dạy mà học sinh hiểu bài hay không...

Trước khi xây dựng kế hoạch khảo sát năng lực tiếng Anh đối với giáo viên, sở đã tiến hành lấy ý kiến các thầy cô giáo về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Kết quả là 86% (trong số 39.467 giáo viên trả lời câu hỏi) ủng hộ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; 51,1% trong số 39.467 giáo viên sẵn sàng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh trong tương lai.

Tôi xin nhắc lại là kết quả khảo sát chỉ dùng để tham khảo, thống kê. Nó sẽ là căn cứ để sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên.

Vì vậy không có khái niệm đạt hay không đạt trong lần khảo sát này. Sau khảo sát các thầy cô giáo sẽ biết năng lực tiếng Anh của mình đang ở mức nào.

Ngành giáo dục TP sẽ có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên với nhiều loại hình bồi dưỡng khác nhau. Việc học bồi dưỡng sẽ do các thầy cô tự chọn lựa hình thức, phương pháp học, đơn vị giảng dạy phù hợp với hoàn cảnh bản thân. Thậm chí các thầy cô cũng có thể tự học, miễn là đạt được mục tiêu.

Ngoài ra với những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh sẽ được lựa chọn đưa đi bồi dưỡng. Những giáo viên này sẽ được bồi dưỡng bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước, theo chương trình của TP.

Mặt khác, sở cũng sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo TP về chế độ phụ cấp đặc biệt dành cho giáo viên giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh.

* Dư luận đang băn khoăn về việc Sở GD-ĐT phối hợp với một đơn vị ít có kinh nghiệm về khảo thí để tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên toàn TP?

- Giáo viên sẽ thực hiện bài khảo sát trực tuyến trên máy tính hoặc các thiết bị di động thông minh tại địa chỉ: https://englishsurvey.hcm.edu.vn.

Nội dung bài khảo sát theo dạng trắc nghiệm, được thiết kế và chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của giáo viên.

Ngoài ra sở còn phối hợp với một đơn vị nữa để thực hiện đợt khảo sát, đơn vị này chỉ hỗ trợ về phần mềm khảo sát, còn đề khảo sát do Cambridge Assessment English thực hiện.

tiếng Anh - Ảnh 4.

Một tiết học môn khoa học bằng tiếng Anh (theo chương trình tiếng Anh tích hợp của Đề án 5695) của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - Ảnh: nhà trường cung cấp

TP.HCM đã dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh từ 10 năm nay

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm 2014 Đề án 5695 đã được triển khai ở 18 trường thuộc ba quận huyện trên địa bàn TP với 600 học sinh.

Đó là chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh sẽ học tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Đến năm 2024 TP.HCM đã có hơn 30.000 học sinh thuộc 160 trường tiểu học, THCS, THPT ở 20 quận huyện theo học chương trình này.

Cũng theo sở, kết quả học tập của học sinh tham gia Đề án 5695 luôn đạt mức cao, đặc biệt ở các môn toán và khoa học. Tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi trong các bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ môn toán và khoa học bằng tiếng Anh luôn đạt từ 85-90%.

Ngoài ra, tỉ lệ học sinh dự thi chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel có kết quả mức đạt (Pass) trung bình ba môn tiếng Anh - toán - khoa học qua 10 năm: bậc tiểu học 86%, THCS 92%, THPT 96%.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng với những kết quả như trên, TP tự tin xây dựng và thực hiện Đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
HOÀNG HƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-tat-ca-73-000-giao-vien-tp-hcm-phai-khao-sat-tieng-anh-20250424084106083.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm