Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao thanh khoản đột biến trong phiên chứng khoán giảm 88 điểm?

Mức thuế 46% của Mỹ cao hơn dự đoán khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, nhưng vẫn có nhóm lạc quan 'bắt đáy', đưa thanh khoản lên 1,5 tỷ USD.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương04/04/2025

Diễn biến thanh khoản phiên hôm nay 3/4. Ảnh: SSI
Diễn biến thanh khoản phiên hôm 3/4. Ảnh: SSI

Chốt phiên 3/4, VN-Index giảm gần 88 điểm - mức mạnh nhất trong lịch sử giao dịch gần 25 năm qua. Chỉ số này về sát 1.230 điểm, cuốn bay mọi thành quả tích lũy từ giữa tháng 1. Tính theo điểm số tương đối, VN-Index mất 6,68% - gần biên độ dao động tối đa là 7% theo quy chế giao dịch của cơ quan quản lý thị trường.

517 cổ phiếu giảm giá, tương đương hơn 96% mã trên sàn HoSE. Hơn một nửa trong số này mất hết biên độ và không có bên mua, trong khi khối lượng dư bán có mã lên đến vài chục triệu cổ phiếu. Không chỉ nhóm xuất khẩu, lực bán còn lan rộng ra các ngành chịu tác động ít hơn như điện nước, đầu tư công...

Điểm tích cực duy nhất là lực hấp thụ rất mạnh, nhờ đó thanh khoản thị trường cũng lên mức cao kỷ lục, với 1,76 tỷ cổ phiếu được sang tay thành công trên sàn TP Hồ Chí Minh. Giá trị giao dịch theo đó đạt 39.630 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), gấp đôi so với ngày 2/4.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng diễn biến dòng tiền phân hóa rõ rệt. Trong buổi sáng, thanh khoản đạt hơn 31.000 tỷ đồng và không ghi nhận quá nhiều cổ phiếu dư bán ở giá sàn. Đây là diễn biến tích cực, cho thấy dòng tiền "bắt đáy" chủ động song hành cùng lực bán ra.

Tuy nhiên sang phiên chiều, cảm quan thị trường xấu hơn khi thanh khoản càng tăng, điểm số càng giảm. Ngay cả những cổ phiếu chịu ảnh hưởng thấp về thuế đối ứng của Mỹ cũng hạ hết biên độ, cho thấy bên tiêu cực giành lợi thế. Lực bán đưa lên sàn lớn hơn sức mua của dòng tiền chủ động "bắt đáy".

"Đây là phản ứng thái quá của thị trường vì rõ ràng, chúng ta chưa có thêm bất kỳ thông tin nào cụ thể và còn thời gian để đàm phán với Mỹ trước khi thuế đối ứng có hiệu lực. Tôi tin rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội", ông Hoàng nhận định, thêm rằng thị trường "nên bình tĩnh để có phản ứng ở mức độ vừa phải hơn".

Không bình luận về việc thị trường phản ứng thái quá hay không, ông Phạm Hoàng Ân, Trưởng Phòng Phân tích của Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho rằng hành động bán tháo hàng loạt của nhà đầu tư là "phản ứng dễ hiểu" khi mức áp thuế đối ứng 46% của Mỹ vượt dự đoán của nhiều bên phân tích.

Sở dĩ các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan ngoài tầm quan trọng của xuất khẩu trong nền kinh tế, còn do áp lực lệnh gọi ký quỹ (call margin).

Ông Ân ví dụ một nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu thủy sản và ngân hàng trong danh mục và thuộc diện bị call margin. Khi các mã thủy sản nằm sàn và mất thanh khoản, công ty chứng khoán buộc phải mang các cổ phiếu ngân hàng ra bán giải chấp để thu hồi nợ. Điều này tạo ra ảnh hưởng chéo lan tỏa khắp thị trường.

Còn với góc nhìn của chuyên gia phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương, trong phiên thị trường hoảng loạn vì tin tức xấu, nhà đầu tư không có thời gian để phân tách những mã hay nhóm nào chịu ảnh hưởng ra sao. Xu hướng chung vẫn là giảm hàng loạt.

Với chính sách thuế quan của ông Trump, ông Phương cho rằng đây là thông tin bất lợi liên đới cả nền kinh tế, nhưng rất khó cho nhà đầu tư định lượng mức độ ảnh hưởng. Khi đó, tâm lý chung sẽ là ưu tiên phòng thủ bằng cách đa dạng các lớp tài sản, thay vì trú ẩn trong một lớp tài sản. Đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều người chọn bán cổ phiếu để tìm kênh an toàn hơn, bảo toàn dòng tiền.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán phiên 3/4. Ảnh: Tất Đạt
Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán phiên 3/4. Ảnh: TẤT ĐẠT

1,76 tỷ cổ phiếu được bán ra, tức là cũng có chừng ấy mã được mua vào. Lực cầu xuất hiện rất mạnh trong buổi sáng giúp thanh khoản đạt hơn 31.000 tỷ đồng và không ghi nhận quá nhiều cổ phiếu dư bán ở giá sàn. Nhiều nhà đầu tư xem cú sụt giảm hôm nay là cơ hội tốt để "gom hàng giá rẻ".

Anh Nhật Huy (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) mua vào mã VNM và SAB "một lượng kha khá", nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Nhà đầu tư này cho rằng giá cổ phiếu của Vinamilk và Sabeco đang "quá rẻ" so với lịch sử của chúng. VNM chốt phiên ở 56.500 đồng, còn SAB về 45.850 đồng.

Trong khi đó, chị Bích Hường (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chọn gom HPG của Hòa Phát và VCB của Vietcombank với giá lần lượt là 25.350 đồng và 60.300 đồng. Nhà đầu tư này lý giải Hòa Phát xuất khẩu thép, mặt hàng nằm trong nhóm thuế quan cũ 25% của Mỹ nên về tương lai không quá ảnh hưởng.

Còn với Vietcombank, kinh nghiệm đầu tư của chị cho thấy xác suất thị giá các cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt làn sóng phục hồi sau mỗi "cú sập" rất cao, phù hợp nắm giữ đợi thị trường tích lũy trở lại.

"Theo kinh nghiệm của tôi, nhóm gom hàng thời điểm này không phải các tổ chức, khả năng cao chính là nhà đầu tư cá nhân có niềm tin tốt về thị trường và triển vọng những mã chứng khoán họ mua vào", ông Trần Minh Hoàng cho biết.

Thực tế tính chung cả phiên, khối ngoại bán ròng gần 3.700 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong khi tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng hơn 812 tỷ. Con số này chỉ đối ứng được gần 22% lượng bán ròng của khối ngoại. Mức trên cũng thấp hơn một số phiên trước đó, gần nhất là ngày 19/3 khi tự doanh mua ròng hơn 1.124 tỷ đồng.

Nhìn ở góc độ tổng quan, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng thanh khoản bùng nổ là diễn biến thường thấy mỗi khi thị trường rơi vào phiên hoảng loạn. Điều này đã từng bắt gặp ở các phiên sụt giảm mạnh ở năm 2022 hay gần nhất là quý III/2023.

"Hiện tại, nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn còn thời gian để đàm phán sau khi Mỹ áp thuế đối ứng. Đây sẽ là nhóm sẵn sàng 'bắt đáy'", chuyên gia nói.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng nếu xem đây là đáy để "bắt" cũng chưa hợp lý khi xác suất giảm thêm vẫn có vì khi thị trường hoảng loạn, đà giảm điểm không thể dừng lại chỉ ở một phiên. Lịch sử thị trường chỉ ra, chứng khoán cần một giai đoạn nhất định để hấp thụ hết lượng cổ phiếu bị bán do cơn hoảng loạn gây ra.

"Phiên hôm nay chưa thấm tháp gì so với những đợt trước. P/E của thị trường cần giảm ít nhất 5-7% nữa mới có dấu hiệu hấp thụ đủ lượng cổ phiếu bị bán tháo bởi tin tức xấu, trừ phi có sự thay đổi về mức thuế đối ứng của Mỹ", ông Phương dự đoán.

Trong tình thế hiện nay, giới chuyên gia và bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán đều chung lời khuyên nhà đầu tư nên bình tĩnh đứng ngoài thị trường và quan sát thêm, tránh mở vị thế khi mọi biến động còn chưa đoán định.

Với những ai vẫn muốn tham gia "bắt đáy", ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS), khuyên cần theo dõi mốc sự kiện quan trọng trong ngắn hạn là ngày 9/4 - thời điểm dự kiến áp thuế chính thức.

Chuyên gia này nói thêm trong kịch bản thuế quan áp dụng thấp hơn hoặc Mỹ cân nhắc giãn thời hạn đánh thuế với Việt Nam, đồng thời thị trường chứng khoán có trạng thái cân bằng với khối lượng thấp, việc giải ngân để mua cổ phiếu sẽ bớt rủi ro hơn với nhà đầu tư.

Các lĩnh vực cần quan sát sẽ là những nhóm ngành có hoạt động kinh doanh tập trung chủ yếu tại thị trường nội địa (chứng khoán, bất động sản), trong khi đó ngân hàng có thể cân nhắc nhưng nên ưu tiên các đại diện không có dư nợ trọng yếu từ lĩnh vực xuất khẩu.

VN (theo VnExpress)

Nguồn: https://baohaiduong.vn/vi-sao-thanh-khoan-dot-bien-trong-phien-chung-khoan-giam-88-diem-408692.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm