Đất rẫy, đất ở chồng lấn với đất lâm nghiệp
Men theo những con đường mòn hiện nay đã được người dân góp sức, góp vốn đổ bê tông dẫn từ ven hồ Hoa Sơn lên các khu vực sản xuất: Đập Đá, Đá Than, Suối Sổ, Suối Sung, Cổ Cò, Đá Trãi, Dốc Dẽ (ở thượng nguồn hồ Hoa Sơn, xã Tu Bông)… là những vườn chuối, xen lẫn là những vườn sầu riêng, xoài, bơ, chôm chôm… của người dân địa phương. Dọc đường lên rẫy, chốc chốc chúng tôi lại gặp nông dân chạy xe máy mang theo nông sản xuống núi để bán.
Nhà ở và đất sản xuất của gia đình ông Tro Xoài đang chồng lấn với lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. |
Đến thăm khu rẫy của gia đình ông Đinh Văn Thiện ở thôn Long Hòa, chúng tôi được ông đưa đi tham quan vườn cây với 150 cây sầu riêng, hàng trăm cây xoài, mít được trồng xen với chuối. Ông Thiện cho biết, 3ha rẫy tại khu vực Đá Than được gia đình ông khai phá từ những năm 1980, ban đầu chủ yếu trồng bắp, mì, sau chuyển đổi dần sang trồng cây điều và các loại cây ăn quả. Toàn bộ diện tích này được gia đình ông canh tác liên tục từ đó đến nay. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào khu vườn tại Đá Than. Ông hy vọng cây ăn quả, vùng rẫy này sẽ giúp thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Tuy đã canh tác nhiều năm nhưng đến nay, diện tích đất rẫy này của gia đình ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chồng lấn với diện tích của BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. Điều này đã gây khó khăn cho gia đình ông, như sau cơn bão số 12 năm 2017, khi ấy cây cối trong vườn bị gãy đổ hết, ông muốn vay vốn để tái thiết vườn tược nhưng không thể thế chấp được để vay vốn. Không riêng gia đình ông, ở khu vực thượng nguồn hồ Hoa Sơn có hàng trăm héc-ta đất sản xuất của người dân đang chồng lấn với lâm phận của BQL Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa.
Một khu vực chồng lấn đất của người dân ở Sơn Tân với lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. |
Tương tự, hàng trăm khoảnh đất của người dân khu vực Sơn Tân (xã Cam Hiệp) cũng đang chồng lấn diện tích thuộc lâm phận của BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. Ông Tro Xoài (ở thôn Suối Cốc) nhớ lại, trước năm 1995, gia đình ông sinh sống ở khu vực hồ Cam Ranh Thượng, khi hồ chứa nước này được xây dựng, gia đình ông được di dời và định cư ở khu vực thôn Suối Cốc từ năm 1999 đến nay. Toàn bộ nhà ở và diện tích đất khoảng 5ha đang trồng điều của gia đình ông tại đây đều chồng lấn với lâm phận của BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa nên việc thực hiện các thủ tục tách thửa, chuyển nhượng… đều không thực hiện được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền sử dụng đất của gia đình ông.
Không chỉ gia đình ông Tro Xoài, tại khu vực xã Sơn Tân cũ, có khoảng 150 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do chồng lấn với đất rừng của BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý nên các hộ không thể tách thửa, tặng, cho con cháu. Ngoài ra, một số hộ nghèo cũng vì đất bị chồng lấn nên chưa được cấp sổ đỏ, ảnh hưởng đến quyền lợi khi có chính sách hỗ trợ người nghèo.
Tìm hướng giải quyết
Ông Ngô Công Châu - Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết: Từ năm 2022, BQL đã phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện việc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính; lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với các BQL rừng theo quyết định của UBND tỉnh. Đến tháng 8-2024, đơn vị tư vấn đã hoàn thành khối lượng công đoạn xác định đường ranh giới, cắm mốc, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính đối với lâm phận được giao cho BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý, sử dụng. BQL đã tiếp tục kiểm tra, rà soát thống kê những diện tích người dân đã canh tác lâu năm, làm cơ sở cung cấp thông tin để có những đề xuất bóc tách khi xây dựng phương án sử dụng đất của BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.
Khu vực thượng nguồn hồ Hoa Sơn đang có tình trạng chồng lấn đất sản xuất của người dân với lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. |
Tương tự, lãnh đạo BQL Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cũng khẳng định: Đất rừng sản xuất của người dân ở khu vực thượng nguồn hồ Hoa Sơn đang chồng lấn với đất rừng phòng hộ do BQL Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý. Hiện nay, BQL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện phương án sử dụng đất của BQL theo đúng quy định; kiến nghị cấp có thẩm quyền có chủ trương cho phép bóc tách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế.
Liên quan đến kiến nghị của người dân 2 xã Tu Bông và Cam Hiệp về rà soát, bóc tách diện tích đất canh tác của người dân chồng lấn với diện tích quản lý của các BQL rừng phòng hộ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những thửa đất đủ điều kiện, vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn trả lời về vấn đề này. Theo đó, các BQL rừng phòng hộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, lập phương án sử dụng đất của các BQL rừng, trên cơ sở đó thực hiện việc đăng ký kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất thuộc các BQL rừng và bóc tách, bàn giao về địa phương phần diện tích chồng lấn để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với những thửa đất đủ điều kiện. Tuy nhiên, do nguồn gốc đất chồng lấn của người dân với các BQL rừng rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ nên UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc hoàn thành phương án sử dụng đất của các BQL rừng để làm cơ sở xem xét giải quyết kiến nghị của người dân về việc bóc tách đất chồng lấn tại các khu vực nói trên.
HẢI LĂNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/viec-boc-tach-dat-chong-lan-cua-nguoi-dan-voi-dat-lam-nghiep-dang-duoc-xem-xet-giai-quyet-6b66ad8/
Bình luận (0)