Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ngày 28/3 có tâm chấn tại Myanmar đã làm rung chuyển khu vực Nam Á, gây thiệt hại nghiêm trọng và khiến nhiều người thiệt mạng.
Đây có thể coi là trận động đất mạnh nhất mà quốc gia này phải hứng chịu trong khoảng 100 năm qua.

Cảnh hoang tàn ở Myanmar sau trận động đất (Ảnh: Getty).
Mặc dù tâm chấn ở xa, cách Việt Nam hàng nghìn kilomet, nhưng việc nhiều người dân ở Hà Nội và TPHCM có thể cảm nhận rõ những rung chấn đang dấy lên nhiều lo ngại.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam để làm rõ tác động của trận động đất, cũng như khả năng đáp ứng của Việt Nam với thiên tai này.
Việt Nam từng có động đất 6,8 độ Richter
Thưa ông, vì sao khi trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar xảy ra, nhiều người sống ở Hà Nội và TPHCM cảm nhận được rung lắc nhưng có các khu vực khác không cảm nhận được gì?
- Cảm nhận về rung chấn động đất phụ thuộc vào 3 yếu tố chính.
Thứ nhất là khoảng cách. Tâm chấn của trận động đất này nằm ở Mandalay, Myanmar (tại tọa độ 22.013 vĩ độ bắc, 95.922 độ kinh đông). Khu vực này cách chúng ta hơn 1.000km. Khi trận động đất xảy ra, sóng địa chấn sẽ lan truyền nhưng khi càng ra xa sẽ càng giảm.


Yếu tố thứ hai là môi trường lan truyền sóng tức là nền đất. Ví dụ trận động đất ở Myanmar thì sóng địa chấn sẽ lan truyền từ đó về đến Hà Nội hoặc TPHCM sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố nền đất dọc theo đường lan truyền.
Tùy theo đặc điểm nền đất mà sóng có thể bị mạnh lên hay yếu đi mặc dù về cơ bản khi lan truyền càng xa thì càng yếu dần. Trong lịch sử đã ghi nhận được nơi ở xa tâm chấn hơn lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn ở gần do có yếu tố cộng hưởng của nền đất với sóng địa chấn.
Sự phụ thuộc này khá phức tạp và vì vậy hoàn toàn có thể ở Hà Nội xa Myanmar hơn Hòa Bình, nhưng do sự tương tác này thì ở Hà Nội có thể bị rung lắc mạnh hơn. Những nghiên cứu ảnh hưởng của động đất từ các nguồn xa cần được thực hiện để đánh giá hiện tượng này. Có thể thấy động đất ở Myanmar gây ảnh hưởng mạnh ở Bangkok, Thái Lan.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chia sẻ về ảnh hưởng của động đất (Ảnh: Thành Đông).
Thứ ba là yếu tố công trình. Về cơ bản, công trình càng cao, càng dễ cảm nhận được rung lắc. Thực tế ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM tập trung nhiều công trình cao tầng, kéo theo việc nhiều người dân có thể cảm nhận rõ rung chấn từ trận động đất này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, do trận động đất ở xa, tác động của trận động đất đến Việt Nam là rất ít. Do đó, khi nó xảy ra, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đưa ra cảnh báo chỉ có rủi ro cấp "0".
Về cơ bản chúng ta vẫn cần các nghiên cứu để đánh giá hiệu ứng nền từ các trận động đất ở xa như trận vừa qua.

Người dân ở nhà cao tầng TPHCM sơ tán ra bên ngoài khi cảm nhận rung lắc (Ảnh: CTV).
Trong thời gian tới, chúng tôi dự đoán sẽ có các trận dư chấn. Tuy nhiên, những trận dư chấn sẽ yếu hơn kích động chính và khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam là rất thấp.
Dẫn chứng là trong ngày 28/3, thực tế, có các trận động đất xảy ra ở Myanmar nhưng ở Việt Nam, chúng ta chỉ cảm nhận được rung chấn từ trận động đất lớn nhất, xảy ra lúc 13h20.
Trước đây, nhắc đến động đất, nhiều người xem là chuyện chỉ có ở nước ngoài. Vì sao vài năm trở lại đây, Việt Nam liên tục chịu ảnh hưởng bởi động đất. Ngoài dư chấn của động đất ở nước ngoài, thì ở Tây Bắc hay Kontum cũng đã ghi nhận nhiều trận?
- Cần nhìn nhận điều này từ 2 yếu tố.
Thứ nhất là tác động từ biến đổi khí hậu. Con người tạo ra nhiều biến đổi bất thường làm gia tăng về cường độ và bất thường về tần suất rất đáng kể của các thiên tai như các cơn bão siêu mạnh hay các trận động đất.
Các dạng thiên tai có thể liên kết với nhau, ví dụ mưa lớn, cường độ mạnh có thể thay đổi nền đất và ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động động đất. Việc xây dựng các công trình thủy điện đã gây ra động đất kích thích ở một số khu vực như Tây Bắc, Quảng Nam và Kontum.

Ở Việt Nam cũng từng ghi nhận nhiều trận động đất (Ảnh: Thành Đông).
Về khía cạnh thứ hai, trước đây ở các đô thị như Hà Nội hay TPHCM vẫn chưa có nhiều công trình cao tầng thì người dân khó có thể cảm nhận được động đất rõ ràng như hiện tại. Khi có nhiều người cảm nhận thấy và thông tin được chia sẻ, chúng ta sẽ có cảm giác như ảnh hưởng của động đất nhiều lên.
Trên thực tế, ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn có động đất. Thậm chí ở khu vực Tây Bắc đã từng ghi nhận các trận động đất mạnh, có độ lớn lên tới 6,7-6,8 độ.
Thêm vào đó, không như các cơn bão, động đất là loại thiên tai có chu kỳ lặp lại rất dài, đặc biệt các trận động đất càng lớn thì càng lâu lặp lại. Chu kỳ này có thể là 100 năm, vài trăm năm hay thậm chí là cả nghìn năm, ví dụ như trận động đất M = 7,8 vào năm 2023 ở Thổ Nhĩ Kỳ có chu kỳ lặp lại vài trăm năm.

Theo TS Xuân Anh, động đất là loại thiên tai có chu kỳ lặp lại rất dài, đặc biệt các trận động đất càng lớn thì càng lâu lặp lại (Ảnh: Thành Đông).
Do đó, cần có các nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá liệu hiện tại số lượng các trận động đất ở Việt Nam có nhiều hơn so với trước hay không, khi nó là tổng hòa của rất nhiều yếu tố.
Đâu là những khu vực có nguy cơ cao về động đất ở Việt Nam, thưa ông?
- Việt Nam đã có bản đồ phân vùng động đất, đánh giá nguy hiểm động đất. Dựa theo phân vùng này, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc là nơi có thể xảy ra động đất mạnh nhất ở nước ta.
Nơi đây đã từng ghi nhận các trận động đất mạnh 6,7-6,8 độ vào năm 1935 và năm 1983.
Ở Tây Nguyên thời gian qua ghi nhận rất nhiều những trận động đất nhỏ do kích thích từ hồ, đập thủy điện gây ra.
Kiểm soát khả năng kháng chấn công trình đặc biệt quan trọng
Năng lực giám sát, cảnh báo động đất và sóng thần hiện nay của nước ta như thế nào?
- Việt Nam đang có hơn 30 trạm địa chấn quốc gia để theo dõi hoạt động động đất trên toàn lãnh thổ. Ngoài ra có gần 100 trạm địa chấn địa phương quan trắc tại các công trình trọng điểm như: thủy điện, khu vực dự kiến phát triển điện hạt nhân.
Dữ liệu từ các trạm sẽ được truyền ngay về Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đặt tại Hà Nội để phân tích tự động, qua đó xác định được chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất để phát đi cảnh báo nhanh nhất.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đặt tại Hà Nội nhận thông tin từ các trạm địa chấn (Ảnh: Thành Đông).
Theo quy định, tất cả những trận động đất có độ lớn trên 3,5 thì chúng tôi sẽ phát thông báo. Tuy nhiên hiện nay cả những trận động đất độ lớn 2,5, chúng tôi cũng có công bố để thông tin thêm cho người dân.
Lưu ý rằng, việc dự đoán chính xác thời điểm động đất xảy ra thì không chỉ riêng nước ta mà trên thế giới chưa có quốc gia nào làm được. Ngay cả các nước nhiều động đất như Nhật Bản hay các nước tiên tiến nhất. Về cơ bản, dự báo độ lớn tại một khu vực có thể làm được, nhưng dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất thì chưa làm được.
Cần lắp máy đo rung chấn ở cao ốc
Việc một khu chung cư ở TPHCM có dấu hiệu nứt tường sau dư chấn của trận động đất tại Myanmar vừa qua khiến nhiều người băn khoăn về khả năng chống chịu động đất của các công trình tại Việt Nam, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Với các công trình việc phòng chống động đất là rất quan trọng.
Hiện nay ở Việt Nam đã có tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn cho công trình, trong đó đã xây dựng bản đồ nguy hiểm động đất với các giá trị gia tốc nền cho cả nước. Theo đó, tất cả các công trình đều phải được thiết kế chống chịu được động đất theo tiêu chuẩn này.

Theo TS Xuân Anh việc đảm bảo khả năng kháng chấn của các công trình là rất quan trọng (Ảnh: Trần Kháng).
Vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành liên quan chịu trách nhiệm là rất quan trọng. Việc không chủ quan, thực hiện các kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ về chất lượng kháng chấn của công trình là cần thiết theo quy chế phòng chống động đất của Chính phủ.
Ví dụ ở Hà Nội có nhiều khu nhà chung cư, tập thể đã xuống cấp, kết cấu yếu cần có đánh giá rủi ro về động đất.
Khi công trình yếu, không đảm bảo kháng chấn sẽ rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần có đánh giá định kỳ để có phương án hoặc là gia cố, hoặc là phá bỏ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đối với những công trình cao tầng, chúng tôi cũng khuyến cáo nhiều lần là nên lắp đặt các máy đo rung chấn để đánh giá xem rung lắc thế nào, ảnh hưởng bao nhiêu.
Hiện nay việc đánh giá ảnh hưởng đến công trình chủ yếu do người ghi nhận bằng cảm quan. Các thiết bị quan trắc này cho phép xác định chính xác mức độ rung lắc, và từ những số liệu đó đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo phù hợp cho người dân.
Tầm nhìn sắp tới, chúng ta sẽ xây dựng các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, nhà máy điện hạt nhân hay những công trình phát triển kinh tế biển cũng phải tính toán rất kỹ lưỡng về yếu tố nguy cơ động đất, sóng thần.
Cấp thiết xây dựng chương trình quốc gia đánh giá nguy hiểm động đất
Dưới góc nhìn chuyên môn, theo ông, đâu là những giải pháp cần sớm thực hiện để nâng cao năng lực ứng phó động đất ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp?
- Chúng tôi nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng một chương trình quốc gia để đánh giá nguy hiểm động đất trên cả nước.
Bản đồ phân vùng động đất, đánh giá nguy hiểm động đất của chúng ta đang dùng đã có từ năm 2006. Mặc dù sau đó đã có cập nhật nhưng đòi hỏi phải cập nhật số liệu cũng như đánh giá một cách chi tiết, đặc biệt là các vùng nguy hiểm.

TS Xuân Anh nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng một chương trình quốc gia để đánh giá nguy hiểm động đất trên cả nước (Ảnh: Thành Đông).
Thông qua đánh giá rủi ro sẽ cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở kỹ thuật cho định hướng phát triển kinh tế xã hội; giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quy định định, văn bản pháp lý hiệu quả nhất.
Ví dụ như chúng ta không nên xây thành phố nhiều nhà cao tầng ở nơi có nguy cơ động đất cao sẽ tốn kém; ở các khu đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cần có phân vùng chi tiết rủi ro động đất để quy hoạch xây dựng thành phố phát triển bền vững.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cảnh báo động đất và sóng thần. Điển hình là tăng số lượng trạm quan trắc, và như tôi chia sẻ trước đó, là những thiết bị để đo rung chấn trực tiếp ở các công trình cao tầng.
Thứ ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất. Trên thực tế, trận động đất vừa qua cũng đã bộc lộ thực trạng thiếu kỹ năng xử trí khi gặp động đất ở nhiều người dân.
Các nước trong khu vực đang thích ứng với động đất như thế nào?
- Những quốc gia nằm trên vành đai có nhiều động đất lớn như: Nhật Bản, Indonesia hay Philippines đều đã chủ động xây dựng chiến lược thích ứng lâu dài với động đất.
Ở Nhật Bản, chính phủ quy định nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng, yêu cầu các công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu động đất ở mức rất cao. Họ cũng đầu tư hệ thống cảnh báo sớm, diễn tập thường xuyên và truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tuy nhiên, xây dựng công trình có khả năng chống chịu cao đồng nghĩa với chi phí đầu tư lớn.
Do đó, ở đây tôi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu đánh giá nguy hiểm và đánh giá rủi ro động đất.
Làm sao xác định được mức độ động đất phù hợp với từng khu vực để đưa ra những giải pháp kinh tế, kỹ thuật phù hợp, hiệu quả. Việc triển khai dự án này sẽ cung cấp luận cứ khoa học, giúp tiết kiệm nhiều chi phí không đáng có và phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/viet-nam-can-danh-gia-rui-ro-dong-dat-thich-ung-tu-khau-do-mong-xay-nha-20250401071241997.htm
Bình luận (0)