Trong khuôn khổ Khóa họp toàn thể lần thứ 58 với sự tham gia của khoảng 80 nước, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, Ban thư ký Ủy ban Luật Thương mại quốc tế LHQ (UNCITRAL) đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau của luật thương mại quốc tế như thị trường carbon, chứng từ vận tải có thể chuyển nhượng, áp dụng công nghệ mới trong giải quyết tranh chấp…, cũng như xem xét báo cáo của Ban thư ký và các Nhóm công tác.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và Thư ký trưởng UNCITRAL Anna Joubin-Bret ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNCITRAL. |
Nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác giữa Việt Nam và UNCITRAL, ngày 17/7, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và Thư ký trưởng UNCITRAL Anna Joubin-Bret đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNCITRAL giai đoạn 2025-2031 với các trọng tâm hợp tác giữa hai bên về khung pháp lý cho kinh tế xanh và kinh tế số; nâng cao năng lực cho các chuyên gia pháp lý Việt Nam và thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam cho các hoạt động thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc làm việc với Thư ký trưởng UNCITRAL Anna Joubin-Bret. |
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao vai trò của UNCITRAL, chúc mừng thành công của Khóa họp thứ 58 và cảm ơn sự hợp tác hiệu quả thời gian qua.
Về phía Ban thư ký, bà Anna Joubin-Bret hoan nghênh sáng kiến mới về thị trường carbon của Việt Nam tại UNCITRAL và ủng hộ đề xuất tổ chức sự kiện tại Hà Nội nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập UNCITRAL.
Đoàn Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký UNCITRAL tổ chức sự kiện giới thiệu chủ đề “Thị trường carbon” cho chương trình công tác sắp tới của Ủy ban. |
Bên lề Khóa họp năm nay, đoàn Việt Nam đã có sáng kiến phối hợp với Ban thư ký UNCITRAL tổ chức sự kiện vào ngày 15/7 nhằm giới thiệu chủ đề “Thị trường carbon” cho chương trình công tác sắp tới của Ủy ban.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và LHQ tại Vienna nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường carbon và đề xuất UNCITRAL tiếp tục nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan, nhằm hài hòa luật thương mại và dân sự phục vụ giao dịch carbon.
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng phát biểu tại sự kiện. |
Cho biết Việt Nam đang xây dựng hạ tầng pháp lý để hợp pháp hóa thị trường vào năm 2029, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng khẳng định sự kiện này là cơ hội chia sẻ tiến trình, tăng cường hợp tác và nhận thức giữa các bên liên quan về thị trường carbon. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và tham gia trực tiếp của nhiều nước có mặt tại Khóa họp và trực tuyến từ các nhà khoa học và chuyên gia.
Các chuyên gia của Paraguay, El Salvador, Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT), Tổ chức Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH), Ngân hàng thế giới (WB)… đã trình bày các kinh nghiệm quốc tế về khung quản trị và pháp lý của các nước nhằm thúc đẩy thị trường carbon.
Các chuyên gia đều khẳng định đây là một chủ đề tiềm năng cho UNCITRAL sắp tới, phục vụ trực tiếp lợi ích của các nước đang phát triển, góp phần tạo nguồn tài chính cho các nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn gặp Phó Tổng giám đốc UNIDO Ciyong Zou. |
Tại cuộc gặp Phó Tổng giám đốc UNIDO Ciyong Zou, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao vai trò của UNIDO trong thúc đẩy hợp tác và phát triển công nghiệp đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam và thông tin về tốc độ phát triển công nghiệp gần 10% của Việt Nam trong năm 2024.
Chia sẻ về định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị UNIDO tiếp tục hỗ trợ về tư vấn chính sách, nâng cao năng lực, phát triển công nghiệp xanh, hiện đại và tăng cường tuyển dụng người Việt Nam vào UNIDO cũng như triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan để triển khai Chương trình quốc gia Việt Nam-UNIDO và kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Về phía UNIDO, ông Ciyong Zou chúc mừng những thành tựu phát triển công nghiệp ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, bày tỏ tán thành định hướng công nghiệp của Việt Nam tập trung vào áp dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Ông Ciyong Zou cũng khẳng định sẽ hợp tác, hỗ trợ tích cực hơn nữa với Việt Nam để thúc đẩy phát triển công nghiệp theo các định hướng trên.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm việc với bà Candice Welsch, Giám đốc Ban Phân tích chính sách và quan hệ công chúng của UNODC. |
Tại Văn phòng LHQ về Ma túy và tội phạm (UNODC), Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và bà Candice Welsch, Giám đốc Ban Phân tích chính sách và quan hệ công chúng của UNODC đã ký Thỏa thuận nước chủ nhà (HCA) giữa Chính phủ Việt Nam và UNODC về hỗ trợ tổ chức Lễ mở ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng vào tháng 10/2025.
Việc ký kết HCA sẽ tạo cơ sở cho hai bên triển khai các công tác phối hợp để tổ chức thành công Lễ mở ký nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về tổ chức lễ mở ký với chất lượng tổ chức cao nhất.
Các đại biểu chụp ảnh chung. |
Trong trao đổi, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết Việt Nam phát hành thư mời tới các nước qua nhiều kênh tại New York, Vienna và Hà Nội, cũng như các đại sứ quán song phương và hiện nhận được phản ứng tích cực của các nước thành viên LHQ, trong đó nhiều nước xác nhận sẽ cử đoàn cấp cao tham dự Lễ mở ký.
Về phía UNODC, bà Candice Welsch khẳng định Ban lãnh đạo UNODC chia sẻ quyết tâm của Việt Nam về tổ chức thành công Lễ mở ký và luôn đề cập đến hoạt động này trong tất cả các trao đổi song phương với các nước trong thời gian qua.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và bà Candice Welsch, Giám đốc Ban Phân tích chính sách và quan hệ công chúng của UNODC ký Thỏa thuận nước chủ nhà giữa Chính phủ Việt Nam và UNODC về hỗ trợ tổ chức Lễ mở ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng vào tháng 10/2025. |
Bà Candice Welsch cho biết, UNODC sẽ cử đoàn tiền trạm đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất nhằm thúc đẩy công tác chuẩn bị; sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam nhằm đưa Lễ mở ký Công ước trở thành một sự kiện đối ngoại đa phương nổi bật của Việt Nam trong năm 2025 nhân kỷ niệm 80 năm thành lập LHQ.
UNCITRAL là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Pháp lý thuộc Đại hội đồng LHQ, được Đại hội đồng LHQ thành lập năm 1966 với mục đích thúc đẩy hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó, giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế. UNCITRAL hiện nay có 70 quốc gia thành viên. Nhiệm kỳ của mỗi quốc gia thành viên là 6 năm, do Đại hội đồng LHQ bầu trên cơ sở có tính đến sự cân đối về các yếu tố như khu vực địa lý, hệ thống kinh tế và pháp luật. Việt Nam trúng cử lần thứ hai liên tiếp vị trí thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2025-2031. |
Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua ngày 24/12/2024. Công ước gồm 9 Chương, 71 điều khoản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Xác định các hành vi được coi là tội phạm mạng, từ truy cập bất hợp pháp, can thiệp hệ thống đến lạm dụng trẻ em trực tuyến, rửa tiền có được từ các hoạt động phạm tội; xác định thẩm quyền và các biện pháp điều tra, cho phép các nước có thể thu thập chứng cứ và truy tố hiệu quả các vụ án liên quan tội phạm mạng; các biện pháp thủ tục và thực thi pháp luật; hợp tác quốc tế trong điều tra, truy tố các đối tượng phạm tội mạng; các biện pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về an ninh mạng; hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin… Việc thông qua Công ước là kết quả nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam đã tham gia tích cực trong tiến trình này. Lần đầu tiên, một điều ước quốc tế đa phương mang tầm vóc toàn cầu trong một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, như an ninh mạng và quản trị số, sẽ được ký kết tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, văn kiện này sẽ được gọi tắt là Công ước Hà Nội, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về sự tham gia và đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Công ước nói riêng và ứng phó các thách thức toàn cầu của Liên hợp quốc nói chung. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-nang-tam-hop-tac-voi-cac-co-quan-lien-hop-quoc-va-thuc-day-sang-kien-da-phuong-tai-vienna-321484.html
Bình luận (0)