Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vĩnh biệt Nhà báo Vũ Đảo - một chiến sỹ bản lĩnh, tâm huyết với nghề

Đóng góp một phần công sức trong các cuộc kháng chiến khép lại cuộc đời ngót trăm năm, Nhà báo Vũ Đảo mãi là tấm gương về một người tận tuỵ, tâm huyết với nghề nghiệp, một người phụ trách ân nghĩa.

VietnamPlusVietnamPlus17/04/2025

Trái tim Nhà báo chiến sỹ Vũ Đảo của Ban biên tập Tin Trong nước TTXVNN đã ngừng đập vào hồi 4 giờ 10 phút sáng ngày 16/4/2025 (tức là ngày 19/3 năm Ất Tỵ), để lại lòng tiếc thương vô hạn một nhà báo nhân hậu, bản lĩnh, khiêm nhường tâm huyết với nghề thông tấn, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp Thông tấn, sự nghiệp báo chí Cách mạng vẻ vang.

Nhà báo Vũ Đảo, tên khai sinh là Nguyễn Văn Đảo sinh ngày 6/12/1929 tại xã Nam Triều huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (Hà Tây cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội.

Chàng trai 16 tuổi - Vũ Đảo đã hăng hái tham gia hoạt động tại quê nhà và là một Bí thư Thanh niên Cứu quốc sôi nổi, xốc vác. Từ một nhân viên thông tin, thư ký xã bộ Việt Minh, Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên, ông đã sớm thoát ly đi làm công tác truyền thông vào Đời và vào Đảng.

Mới 19 tuổi (năm 1948), ông Vũ Đảo đã trở thành Đảng viên trẻ hiếm hoi tại quê nhà. 21 tuổi, ông đã làm Chánh Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên. Đến năm 23 tuổi ông làm Trưởng phòng Thông tin huyện. Năm 24 tuổi, với sức trẻ của mình, không ngại khó khăn, gian khổ, ông tham gia đoàn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam tại chiến dịch Thượng Lào ở Sầm Nưa, với vai trò là một Chính trị viên phó một đơn vị vận tải; sau đó ông tiếp tục được điều động sang Hội đồng E48 thuộc Đại đoàn 320 của kế hoạch Đông Xuân 1953-1954.

Sau khi từ mặt trận trở về, ông làm cán bộ kiểm tra tại Hội đồng Cung cấp mặt trận Liên khu 3. Sau đó ông tiếp tục được phân công Phụ trách bộ phận Thông tin thuộc ty Tuyên truyền Văn nghệ thành phố Nam Định.

Năm 1955, cuộc đời ông Vũ Đảo sang trang mới khi được điều động về Việt Nam Thông tấn xã, để từ đây ông gắn bó với sự nghiệp Thông tấn. Ông vừa làm, vừa học, nghiên cứu tài liệu, thu xếp công việc của cơ quan, gia đình để hoàn thành xong khóa Đại học Văn khoa.

Ông từng là Trưởng phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Liên Khu 3, phóng viên thường trú tại Khu Hồng Quảng (nay Quảng Ninh), Trưởng phân xã đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã tại Hà Nội.

Năm 1968 ông đi chiến trường B ở Khu 5, ông làm Trưởng đoàn công tác Thông tấn xã Giải phóng tại khu vực Phú Khánh (Phú Yên-Khánh Hòa) sau đó ông được điều động làm Trưởng đoàn công tác của Thông tấn xã Giải phóng Trung-Trung bộ (khu 5) thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5.

Đây là thời kỳ đất nước đang đấu tranh chống lại cuộc xâm lược của Đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, nhưng ông vẫn vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cơ quan Việt Nam Thông tấn xã giao phó.

Năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường B, ông trở lại Tổng xã, công tác tại Ban Biên tập tin Trong nước được giao nhiệm vụ Quyền trưởng Tiểu ban Công Thương, Ủy viên Ban biên tập Tin miền Bắc rồi Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước. Có thời gian ông được điều động làm Phó Giám đốc Trường nghiệp vụ của cơ quan Thông tấn sau đó trở lại làm Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước, chuyên viên Cao cấp cho đến khi nghỉ hưu.

Hưu mà không nghỉ, ông còn làm “tỉnh táo viên” đọc dò rà soát bản “bông” báo Tuần tin tức của Thông tấn xã mới ra đời. Vậy là ông vẫn được gắn bó với nghề báo thêm nhiều năm tháng cho đến khi sức khỏe không cho phép.

Ông sống thanh thản tuổi già, khi ở Hà Nội, khi về nơi chôn nhau cắt rốn, nêu gương đức độ cần kiệm, làm phúc đức cho xóm giềng con cháu.

Các thế hệ phóng viên, biên tập tin TTXVN luôn kính trọng ông Vũ Đảo không chỉ vì tuổi tác của người anh cả, bác cả... mà vì nể ở đức tính khiêm nhường, bao dung nhân hậu của ông. Hầu như không bao giờ ông bẳn gắt, to tiếng, lên lớp hoặc đòi hỏi lợi quyền. Ông cũng không công thần, địa vị gì dù rằng ông là người thuộc thế hệ tiền bối của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

Nhắc lại những kỷ niệm của ông trong thời gian công tác, trong một lần tôi được điều động đi Tây Bắc, không quản ngại khó khăn gian khổ, nhà báo Vũ Đảo đã thân chinh trao đổi, dặn dò và đưa lên tỉnh Sơn La giao tận nơi cho lãnh đạo địa phương nhờ giúp đỡ.

Bên cạnh đó, ông cũng đóng góp công sức không nhỏ cho việc gây dựng, mở rộng thêm địa bàn của cơ quan Thường trú, TTXVN ở những nơi khó khăn, phức tạp trên địa bàn cả nước. Các anh, các chị phóng viên khóa 8, GP10 và các khóa sau đều có những tình cảm sâu sắc đối với ông.

Ham học hỏi, quyết tâm cao, cẩn trọng, điềm tĩnh và thực tiễn sôi động của đời Nhà báo - Chiến sỹ đã rèn luyện ông trở một phóng viên, một người phụ trách tin cậy của cơ quan thường trú tại những địa bàn trọng điểm.

Cuộc đời của nhà báo Vũ Đảo diễn ra trong khó khăn thiếu thốn. Ít ai biết rằng ông chỉ có một căn hộ nhỏ trên tầng cao nhất của khối nhà tập thể của Thông tấn xã Việt Nam. Khi về quê ông sinh sống những năm cuối đời, ông vẫn chỉ sinh hoạt tại ngôi nhà cấp 4 của bố mẹ để lại.

Một vài anh em thân thiết nhất mới biết ông chỉ có 43 dollar mà ông giữ mãi là tiền mừng tuổi của mấy anh em đồng nghiệp đi công tác nước ngoài về chúc Tết ông bà. Cố nhà báo Dương Đức Quảng đàn em một cựu phóng viên chiến trường khu 5 gọi ông là Nhà báo “Bạc tóc không bạc lòng” quả là chí nghĩa, chí tình, chí lý! Có một chi tiết thú vị về ông khi ông là người đã đọc cả duyệt lại bản dự thảo điếu văn của chính mình khi sức yếu nhưng vẫn minh mẫn.

Đóng góp một phần công sức trong các cuộc kháng chiến khép lại cuộc đời ngót trăm năm, Nhà báo Vũ Đảo mãi mãi là tấm gương về một người tận tuỵ, tâm huyết với nghề nghiệp, một người phụ trách ân nghĩa.

Về già, cụ càng là người sống thẳng thắn, mẫu mực, nghĩa tình, nhân hậu với mọi người, được anh em đồng nghiệp, bạn bè kính, nể, trọng như một cây đại thụ của những người làm Tin Trong nước Thông tấn xã Việt Nam. Hình ảnh cụ Đảo cao đẹp mà bình dị, gần gũi mà sâu sắc.

Với 97 năm tuổi đời và hơn 75 năm tuổi Đảng cụ đã để lại biết bao tình cảm với gia đình, bà con lối xóm. Tiễn đưa Cụ Vũ Đảo về thế giới người hiền, trong bối cảnh sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), 80 năm thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2025), chúng ta nhớ mãi về một con người chân chính, một người thuộc lớp anh cả, cha chú của nhiều thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tin Trong nước TTXVN, một đồng đội, đồng nghiệp vô cùng quý mến, rất được kính trọng.

Trần Đình Thảo (Nguyên phóng viên TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vinh-biet-nha-bao-vu-dao-mot-chien-sy-ban-linh-tam-huyet-voi-nghe-post1033455.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm