Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tôn vinh lịch sử, truyền thống bằng nghệ thuật múa sáng tạo

Bằng hơi thở, cảm xúc, ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa và kỹ thuật múa theo diễn biến câu chuyện, tình tiết, hai vở múa Dấu thời gian và Phận Ngọc đã kể những câu chuyện lịch sử, nghệ thuật truyền thống cùng chiều sâu văn hóa, tình yêu sâu đậm với giá trị xưa cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng18/04/2025

Kể chuyện Dấu thời gian

Trong cảm nhận của biên đạo múa - ThS Lê Văn Hải, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những hy sinh oanh liệt của nhiều chiến sĩ, đồng bào vẫn luôn được nhắc đến, đặc biệt là những người lính chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy. Từ những nỗi niềm đó, chị đã viết nên tác phẩm múa Dấu thời gian kể về những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

R6A.jpg
Một cảnh trong vở múa Dấu thời gian

Nội dung vở múa kể về một buổi chiều tháng 4-1974, đoàn xe vận tải đang vượt những cánh rừng Trường Sơn thì bị địch tập kích, để đảm bảo cho chuyến xe an toàn, hoàn thành nhiệm vụ, đã có những người lính sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để thu hút hỏa lực của kẻ thù. Sự hy sinh của các anh đã hóa thành huyền thoại.

Không chỉ dừng lại ở miêu tả sự hy sinh, Dấu thời gian còn khéo léo lồng ghép cả những hình ảnh của cuộc sống hiện tại, nơi những người đồng đội ngày nào cùng với thế hệ trẻ hôm nay vẫn không quên những quá khứ hào hùng của các anh, những người lính lái xe Trường Sơn. Tình đồng đội, giây phút sinh tử đã mang đến cho những người ở lại một dấu thời gian sâu sắc và đậm tình. Trong chiến tranh, thời cuộc nào cũng có người còn người mất; và người mất đi là tượng đài bất khuất, người còn lại là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

“Khi dàn dựng tác phẩm, tôi dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, tìm hiểu bối cảnh của thời kỳ gian khó ấy để cảm nhận sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh. Ngoài ra, việc chúng tôi phải nỗ lực chọn diễn viên làm sao để phù hợp với nhân vật, bố cục câu chuyện… để công chúng có thể cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa cũng cực kỳ công phu”, nữ biên đạo múa - ThS Lê Văn Hải chia sẻ.

Bảo tồn nghệ thuật dân tộc với Phận Ngọc

Trong không gian mờ ảo sau buổi lễ hội vía bà tại một ngôi đình ở Nam bộ, mọi người đã về hết chỉ còn lại Cô Bóng bên chiếc mâm vàng dâng lên Diêu Trì Thánh Mẫu. Cô Bóng dường như còn lâng lâng trong giấc mộng phù hoa, thấy mình trong giấc mơ được múa mâm vàng thời bé. Ngọn gió ập đến, thổi tắt ánh nến cuối cùng trong đình đưa cô về thực tại: lẻ loi sau hào quang. Giữa không gian thinh lặng ấy, ánh trăng nhẹ nhàng chiếu rọi xuống chỗ cô.

Bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, vở múa Phận Ngọc của biên đạo Hà Thanh Hậu tiếp diễn trong 14 phút thăng hoa, nói lên cả tiếng lòng của những nghệ nhân múa bóng rỗi. Tác phẩm Phận Ngọc lựa chọn chủ đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa bóng rỗi ở TPHCM và Nam bộ. Một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được đông đảo công chúng biết đến.

Để mang tác phẩm từ một loại hình biểu diễn ở sân đình lên sân khấu nghệ thuật đỉnh cao, Hà Thanh Hậu có những đổi mới sáng tạo trong phương pháp, hình thức thể hiện. “Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật múa mâm vàng Nam bộ, nghệ thuật múa dân gian của người Kinh; các kỹ năng xiếc tạp kỹ như thăng bằng trên cao, nhào lộn, uốn dẻo… và kết hợp lại với nhau bằng hơi thở của chuyển động múa đương đại để tạo sự tự nhiên, mềm mại, hàm súc.

Thông qua tác phẩm, tôi và các nghệ sĩ trình diễn muốn gửi gắm thông điệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Việt Nam trong thời đại mới. Thông qua các phương tiện hiện đại và gần gũi khán giả trẻ hơn, nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” của nghệ thuật truyền thống - đó sẽ là cách để nghệ thuật dân tộc được bảo tồn, lan tỏa và sống mãi trong đời sống của con người hiện đại”, biên đạo Hà Thanh Hậu chia sẻ.

Dấu thời gian, Phận Ngọc không đơn thuần là những vở múa, mà còn là những câu chuyện lịch sử văn hóa, những thông điệp sâu sắc được truyền tải qua từng động tác, nhịp điệu. Các tác phẩm còn góp phần phác họa diện mạo của nghệ thuật múa TPHCM sau 50 năm đất nước thống nhất.

Dấu thời gian từng đoạt giải A Giải thưởng nghệ thuật năm 2024 của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, giải B Giải thưởng tác phẩm nghệ thuật múa năm 2024 của Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, Giải Khuyến khích Liên hoan Múa TPHCM mở rộng lần thứ 8 do Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tổ chức. Phận Ngọc từng đoạt giải A Liên hoan Múa TPHCM mở rộng lần thứ 8, giải A tác phẩm nghệ thuật múa của Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM (12-2024) và Phần thưởng loại A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (12-2024).

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ton-vinh-lich-su-truyen-thong-bang-nghe-thuat-mua-sang-tao-post791212.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm