Ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và thẩm tra một bước trước khi gửi quỹ

Ưu đãi lớn, nhưng...

Trong bối cảnh DNNVV có nhiều khó khăn liên quan đến nguồn vốn phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ Phát triển DNNVV (Quỹ) được đánh giá là phù hợp và thu hút được sự quan tâm của nhiều DN.

Ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ cho vay, Quỹ Phát triển DNNVV thông tin, quỹ đang tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực; cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp cho các DNNVV. Trong đó, chủ yếu là các DNNVV tham gia hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Mức cho vay tối đa theo chương trình cho vay gián tiếp không quá 80%/tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 1,2%/năm và lãi suất cho vay trung và dài hạn là 4,4%/năm. DN được vay không quá 7 năm.

Hiện, quỹ đang tổ chức cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Bên cạnh chính sách về lãi suất ưu đãi, khi tham gia chương trình cho vay gián tiếp, DNNVV còn được tư vấn, đào tạo, kết nối kinh doanh nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh DN.

So với mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên khoảng từ 4-5%; với các lĩnh vực khác ở mức 6,7-9%/năm, thì nguồn vốn tín dụng từ quỹ đang rất ưu đãi. Đó là lý do rất nhiều DN đã và đang rất trông chờ sự “tiếp sức” của nguồn vốn này.

Bà Nguyễn Thị Huệ Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nội thất Mộc Phương chia sẻ, hiện DN đã tiếp cận với nguồn vốn vay thương mại. Song, DN rất mong muốn có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển DNNVV  bởi lãi suất thấp, ưu đãi trong dài hạn, giúp DN vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Khó tiếp cận

Mong muốn là vậy, song một số DNNVV khi tiếp cận, nộp hồ sơ vay vốn đã bị từ chối do các vướng mắc liên quan đến đối tượng cũng như những ràng buộc khác.

Tại hội nghị kết nối hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do Sở Tài chính tổ chức gần đây, đại diện một số ngân hàng đã chia sẻ, DN phải đáp ứng được các tiêu chí như: DNNVV đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị hay tham gia cụm liên kết ngành. Các DN này phải hoạt động trong lĩnh vực sản xuất... Ngoài ra, các DN phải hoạt động hiệu quả và được thể hiện rõ ở báo cáo tài chính, minh bạch tài chính, công khai dòng tiền, có như vậy việc tiếp cận nguồn vốn của quỹ mới thuận lợi.

Quy định này phần nào khiến DN gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Bà Phạm Thị Duyên, Công ty TNHH Anh Tú Group cho rằng, để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ngoài đáp ứng các yêu cầu của quỹ, DN còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của các ngân hàng đối tác của quỹ, điều đó đã gây khó khăn cho DN. Ví như, DN đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nên trong những năm đầu khởi nghiệp, DN sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc. Vì thế, việc báo cáo tài chính phải có dòng tiền ghi nhận dương… Đây là một trở ngại rất lớn đối với DN. Chưa nói, việc thế chấp tài sản là bất động sản cũng cần xem lại và mở rộng loại tài sản thế chấp, bởi tài sản của DN không chỉ có bất động sản mà máy móc, nhà xưởng cũng là một tài sản mà DN có thể thế chấp được.

Trở lại câu chuyện quy định tiếp cận nguồn vốn của quỹ, ngoài những quy định của quỹ liên quan đến đối tượng tiếp cận hay quy định chung thì các DNNVV còn phải đối diện với những quy định khắt khe của các ngân hàng đối tác. Bởi, quỹ cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng đối tác. Nghĩa là, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về khoản vay. Điều này đồng nghĩa, nếu DN không thể trả nợ, ngân hàng sẽ phải chịu tổn thất về tài chính. Đây cũng là lý do khiến ngân hàng có xu hướng đặt ra các điều kiện để bảo vệ mình trước những rủi ro này và về phía các DNNVV khó thuyết phục được ngân hàng, nhất là khi họ thiếu tài sản đảm bảo hoặc có lịch sử tín dụng không tốt.

Ông Lê Quang Mạnh, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Phú Xuân, đơn vị liên kết cho vay với quỹ cho hay, ngoài xác định đúng đối tượng là DNNVV hoạt động trong một số lĩnh vực, DN phải minh bạch trong báo cáo thuế và báo cáo tài chính, đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Bởi, quá trình thẩm định hồ sơ của quỹ khá kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển vốn cho ngân hàng cho vay gián tiếp. Để hỗ trợ DN, BIDV vẫn hỗ trợ khách hàng thế chấp tài sản là máy móc thiết bị, nhà xưởng nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, DNNVV có thể tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng trong ngắn hạn bởi hiện nay lãi suất ngắn hạn của các ngân hàng cũng đang khá ưu đãi.

 

Quy trình thực hiện vay vốn gián tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV sẽ trải qua 3 bước. Khi muốn vay vốn, DNNVV nộp hồ sơ cho ngân hàng, phía ngân hàng sau khi tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và gửi quỹ xem xét. Trên cơ sở thẩm định hồ sơ nếu đạt yêu cầu, quỹ sẽ quyết định chuyển vốn cho ngân hàng cho vay gián tiếp.


Bài, ảnh: Hoàng Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/von-uu-dai-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-canh-cua-hep-152419.html