Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'

Sau quá trình điều tra, hôm 16.5, tổ chức World Press Photo công bố ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm', nhận định bức ảnh có thể do người khác chụp.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên16/05/2025

World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'- Ảnh 1.

Theo World Press Photo, bức ảnh Em bé Napalm có thể do một nhiếp ảnh gia khác chụp

ẢNH: AP

World Press Photo vừa công bố kết quả cuộc điều tra riêng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5.2025 về tác giả bức ảnh Em bé Napalm (The Terror of War), thông báo chính thức đình chỉ việc ghi nhận tác phẩm này là của Nick Út (nhiếp ảnh gia làm việc cho AP). Tổ chức này cho biết việc đình chỉ kể trên vẫn được duy trì trừ khi có thêm bằng chứng xác nhận hoặc bác bỏ rõ ràng tác giả gốc của bức ảnh.

World Press Photo (thành lập năm 1955) là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan và phát triển một trong những cuộc thi ảnh uy tín nhất thế giới, trao giải cho những tác phẩm báo ảnh và nhiếp ảnh tài liệu xuất sắc nhất ở phạm vi toàn cầu. Tổ chức này đã tiến hành cuộc điều tra sau khi bộ phim The Stringer được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance vào đầu năm nay và đưa ra những lập luận cho rằng bức ảnh được chụp bởi Nguyễn Thành Nghệ (một cộng tác viên người Việt của AP). World Press Photo tiến hành đánh giá toàn diện những phát hiện trong bộ phim tài liệu kể trên và cuộc điều tra nội bộ chuyên sâu của AP.

Việc đình chỉ kể trên áp dụng cho quyền tác giả của bức ảnh và không hủy bỏ giải thưởng Ảnh của năm 1973 mà Em bé Napalm được vinh danh. "Điều quan trọng là giá trị của bức ảnh là không thể tranh cãi và không còn nghi ngờ gì nữa, bức ảnh này đại diện cho một khoảnh khắc có thật trong lịch sử, tiếp tục gây ảnh hưởng ở Việt Nam, Mỹ và trên toàn thế giới", Joumana El Zein Khoury, Giám đốc điều hành của World Press Photo, nhận định trong một thông cáo báo chí.

Tranh cãi về tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'

World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'- Ảnh 2.

Nhiếp ảnh gia Nick Út bên cạnh bà Kim Phúc (trái) - nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm, tại một sự kiện vào năm 2022

ẢNH: AP

AP và Nick Út từ lâu vẫn khẳng định bức ảnh Em bé Napalm là do ông Út (khi đó 21 tuổi) chụp. Trong khi đó, bộ phim tài liệu The Stringer tuyên bố rằng ông Nguyễn Thành Nghệ (một tài xế cho NBC) đã bán ảnh cho AP với tư cách là một cộng tác viên tự do và đã bị AP bác quyền ghi nhận là tác giả bức ảnh vì ông này không phải nhân viên chính thức của AP.

Hồi đầu tháng này, phía AP thông báo rằng họ không tìm thấy bằng chứng xác đáng để đảm bảo thay đổi tác giả của bức ảnh. Hãng thông tấn này đã công bố một báo cáo dài 96 trang về vấn đề kể trên và là báo cáo thứ hai trong vòng 4 tháng qua, dựa trên cuộc điều tra nội bộ. AP kết luận có khả năng ông Nick Út đã chụp bức ảnh và không tìm thấy bằng chứng chứng minh ông Nguyễn Thành Nghệ mới là người chụp. Theo báo cáo, vấn đề này không thể được chứng minh một cách thuyết phục do thời gian đã trôi qua rất lâu, không có bằng chứng quan trọng, hạn chế về công nghệ và sự ra đi của một số nhân vật chủ chốt liên quan.

Derl McCrudden, Phó chủ tịch sản xuất tin tức toàn cầu của AP, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi không để lộ bất kỳ thông tin nào mà chúng tôi biết và chúng tôi đã làm điều đó với sự tôn trọng lớn đối với tất cả mọi người liên quan. Chúng tôi không quan tâm đến việc có thay đổi tên tác giả hay không, nhưng phải dựa trên sự thật và bằng chứng. Và không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh rằng Nick Út không chụp bức ảnh này".

Đối với World Press Photo, phía này nhận định đây vẫn là một chi tiết lịch sử gây tranh cãi và có khả năng tác giả của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác định một cách rõ ràng.

Em bé Napalm là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ảnh ghi lại khoảnh khắc bé gái Kim Phúc (9 tuổi) trong tình trạng không mặc quần áo, vừa chạy vừa khóc sau một vụ đánh bom napalm xuống Tây Ninh vào ngày 8.6.1972. Kể từ khi xuất bản vào tháng 6.1972, bức ảnh đã được chính thức công nhận là của Nick Ut, một nhiếp ảnh gia người Việt làm việc cho AP.

Nguồn: https://thanhnien.vn/world-press-photo-ngung-ghi-nhan-nick-ut-la-tac-gia-buc-anh-em-be-napalm-185250516220035999.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm