Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng mô hình kinh tế tập thể hướng đến liên kết, phát triển bền vững

(Baothanhhoa.vn) - Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể (KTTT), những năm qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp hội thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác (THT), tổ liên kết (TLK) do phụ nữ làm chủ nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế. Đến nay, các mô hình này đều phát huy hiệu quả, phù hợp với phát triển kinh tế của địa phương, góp phần quan trọng cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đã đề ra.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa04/07/2025

Xây dựng mô hình kinh tế tập thể hướng đến liên kết, phát triển bền vững

Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ con giống cho THT chăn nuôi tổng hợp do phụ nữ quản lý xã Cẩm Thạch.

HTX trồng cây nông sản do phụ nữ làm chủ ở xã Thiệu Hóa được thành lập năm 2023, với 20 thành viên. HTX được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ lạc giống, phân bón và chuyển giao quy trình kỹ thuật để trồng 5ha lạc vụ xuân hè. Sau 4 tháng đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 60 tạ củ tươi/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Ngoài trồng lạc, trong năm, HTX trồng các cây màu khác theo mùa vụ như ngô, đậu tương. Nhờ sản xuất hàng hóa nên tiêu thụ khá thuận lợi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào mua số lượng lớn, các hộ đã giảm chi phí nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Hằng, thành viên HTX, cho biết: “Được phụ nữ cấp trên quan tâm hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, xã hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai, chị em tiếp thu kỹ thuật, làm tập trung nên hiệu quả bền vững hơn”.

HTX trồng cây nông sản do phụ nữ làm chủ ở xã Thiệu Hóa là một trong số hơn 300 mô hình KTTT do Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thành lập, nhằm tập hợp, thu hút các thành viên tham gia tương trợ giúp nhau sản xuất thành hàng hóa, tiêu thụ bền vững. Để đẩy mạnh phát triển KTTT, hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội rà soát, lựa chọn hộ đăng ký tham gia; phối hợp với sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn quy trình thành lập HTX theo Luật HTX. Đồng thời, chú trọng phát hiện những nơi đang có điều kiện để phát triển KTTT, những địa phương có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt và đang có chủ trương thành lập HTX để phối hợp với chính quyền địa phương tranh thủ các nguồn vốn kích cầu, hỗ trợ.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội, huy động nguồn lực, vận động hội viên tham gia phát triển KTTT. Hỗ trợ các thành viên sản xuất tham quan, học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh; xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm, tổ chức ngày phụ nữ sáng tạo. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, như: diễn đàn kết nối doanh nghiệp và các HTX; tập huấn xây dựng thương hiệu gắn với phát triển HTX... cho hàng nghìn hội viên là ban quản trị HTX, THT và các thành viên tham gia. Qua đó, giúp các HTX, THT nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm... Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 370 mô hình KTTT do phụ nữ làm chủ đang tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động và nhiều lao động thời vụ trên địa bàn.

Tham gia mô hình KTTT, các hộ được trao tặng cây, con giống, tập huấn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vật tư để làm nghề hoặc một phần kinh phí để các hộ mua sắm vật tư phát triển các nghề truyền thống, như: chế biến hải sản, tiểu thủ công nghiệp... Với cách làm này, nhiều mô hình KTTT đã phát triển thành viên từ 20 người lên 50, 70 người, quy mô và diện tích sản xuất được mở rộng. KTTT giúp chị em phụ nữ tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn, đồng thời tăng tính gắn bó, tương trợ lẫn nhau, khắc phục được phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh cao. Nhiều HTX, THT, TLK đã phát triển được sản phẩm OCOP. Điển hình như: HTX tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên (xã Hoằng Phú); THT sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm chủ (xã Nga An); THT thảo dược Hương Quê (xã Luận Thành); nông trại thảo mộc (xã Đồng Lương)... Các mô hình khởi nghiệp này tạo việc làm cho từ 5 đến 50 lao động nữ và đều xây dựng được từ 1 - 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Cùng với phát triển KTTT, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 - 2030” để hỗ trợ các thành viên về vốn, kiến thức, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ... Trong nửa nhiệm kỳ đã có trên 78.000 lượt phụ nữ nghèo được các cấp hội, hội viên, phụ nữ giúp bằng nhiều hình thức với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng, hơn 2.700 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, trong đó thành lập 530 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; gần 6.000 phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Sự đồng hành của các cấp hội đã động viên phụ nữ hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. Chị em tham gia các mô hình KTTT đã nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Từ đó, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra.

Bài và ảnh: Minh Trang

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-mo-hinh-kinh-te-tap-the-nbsp-huong-den-lien-ket-phat-trien-ben-vung-254037.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm