Thời gian qua tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung - cầu lao động. Hằng năm Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2021-2025; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đa dạng hóa hình thức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tích cực ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 176 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.476 người...
Các sở, ngành tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động (NLĐ) theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc thu thập thông tin cơ sở dữ liệu về lao động với hơn 640.000 NLĐ có thông tin trên phần mềm; từng bước đồng bộ cơ sở dữ liệu về lao động kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, củng cố, nâng cao năng lực công tác dự báo, thông tin thị trường lao động. Công tác triển khai chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Theo Sở Nội vụ, dự báo trong năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng khoảng 35.000 lao động; trong đó các doanh nghiệp trong KCN khoảng 23.000 lao động, các doanh nghiệp ngành Than khoảng 3.000 lao động, các doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ khoảng 5.000 lao động.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành về giải quyết việc làm, cải cách TTHC, BHXH tự nguyện, thu hút, phát triển nguồn nhân lực và phát triển nhà ở xã hội cho NLĐ có thu nhập thấp, NLĐ trong KCN, trong ngành Than. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc liên kết “3 nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) để định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, kết nối doanh nghiệp với nhà trường để đặt hàng, đào tạo NLĐ theo đúng nhu cầu sử dụng thực tế của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh; nâng cao thu nhập, áp dụng chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất cho NLĐ. Đồng thời, chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp liên quan đến các quy định của pháp luật về lao động, việc làm; tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để đặt hàng nhân lực có trình độ phù hợp với yêu cầu về sản xuất, kinh doanh.
Hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 87%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%; giải quyết việc làm cho khoảng 32.220 lượt lao động. Quý I/2025, giải quyết việc làm cho khoảng 7.650 lượt lao động; tham gia BHXH 304.041 người, tham gia BHTN 254.588 người, đạt 98,1% và 98,6% so với kế hoạch năm 2025. Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ cho 4.433 lượt lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số tiền 365 tỷ đồng. |
Nguồn: https://baoquangninh.vn/xay-dung-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hieu-qua-3356866.html
Bình luận (0)