Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc - hướng đi bền vững của hợp tác xã

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Hải Phòng đã nỗ lực xây dựng thương hiệu, gắn mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm như một “lá chắn” bảo vệ thành quả lao động của nông dân.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng05/07/2025

au-viet.jpg
Hợp tác xã Âu Việt Farm (xã Phú Thái) bảo vệ nông sản bằng tem truy xuất nguồn gốc

Lợi ích tem truy xuất nguồn gốc

Từ những ngày cuối tháng 5, khi các cánh đồng vải chín rộ, Hợp tác xã Ameii Việt Nam ở xã Thanh Hà (sáp nhập từ các xã Thanh Tân, Thanh Sơn, thị trấn Thanh Hà và một phần diện tích của xã Thanh Quang của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũ) đã chuẩn bị sơ chế, đóng gói, chuẩn bị vải xuất khẩu. Việc dán tem truy xuất cho hộp sản phẩm là không thể thiếu.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam (đơn vị thành lập Hợp tác xã Ameii Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi phải dán tem truy xuất cho từng hộp vải để khẳng định nguồn gốc rõ ràng. Làm ra sản phẩm sạch mà không bảo vệ được, không giữ được niềm tin của người tiêu dùng thì công sức của bà con nông dân sẽ đổ sông đổ bể”.

Nỗi lo của ông Tiến không phải không có cơ sở. Trên thị trường, tình trạng vải ở nhiều nơi khác trà trộn, gắn mác vùng trồng nổi tiếng Thanh Hà thường xuyên xảy ra. Nhiều tiểu thương lợi dụng thương hiệu đã có để nâng giá, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm người tiêu dùng mất niềm tin mà còn khiến các hợp tác xã làm ăn chân chính bị thiệt hại nặng nề.

Anh Bùi Văn Duy, Giám đốc Hợp tác xã Âu Việt Farm ở xã Phú Thái (sáp nhập từ các xã: Kim Anh, Kim Lương, Kim Liên, Kim Xuyên, thị trấn Phú Thái của huyện Kim Thành cũ và một phần xã Thượng Quận của thị xã Kinh Môn cũ) cho biết việc dán tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đối với người tiêu dùng, tem giúp xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, đồng thời tăng niềm tin vào sản phẩm và thương hiệu. Đối với doanh nghiệp, tem giúp xây dựng uy tín, quảng bá thương hiệu, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả quản lý sản phẩm. Do đó, ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã xây dựng ngay tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm nông nghiệp của đơn vị.

Khó khăn khi không có thương hiệu

nong-san.jpg
Những thành viên của Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Trường Tân) luôn cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng không phải hợp tác xã nào cũng áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tem nhãn điện tử hoặc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn nông sản vẫn đang ở tình trạng "mạnh ai nấy bán", chưa có sự đồng bộ, thiếu chiến lược phát triển lâu dài.

Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Trường Tân (sáp nhập từ các xã Phạm Trấn, Nhật Quang, một phần diện tích của các xã Thống Kênh, Đoàn Thượng, Quang Đức của huyện Gia Lộc cũ và một phần diện tích của các xã Lam Sơn, Phạm Kha, Đoàn Tùng của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cũ) khẳng định hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín một hợp tác xã mà còn tác động tới cả ngành hàng. Nếu không có tem truy xuất, không xây dựng thương hiệu bài bản, nông sản dù chất lượng cao cũng khó chen chân vào hệ thống phân phối hiện đại, đặc biệt là xuất khẩu. Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc mà các sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Tân Minh Đức luôn giữ được đầu ra ổn định, giá bán cao hơn những sản phẩm của hợp tác xã không có tem truy xuất nguồn gốc từ 5 - 10%.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ, chuỗi siêu thị, nhà nhập khẩu nước ngoài đều yêu cầu sản phẩm phải rõ ràng về vùng trồng, tiêu chuẩn canh tác, quy trình đóng gói. Trong khi đó, nhiều nông hộ hoặc hợp tác xã nhỏ lại chưa đáp ứng được các tiêu chí này, chủ yếu vẫn bán buôn theo hình thức truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Việc áp dụng mã QR không chỉ là “tấm thẻ căn cước” cho nông sản mà còn mở ra một hướng phát triển bền vững. Nhờ truy xuất nguồn gốc, các hợp tác xã có thể kiểm soát chất lượng tốt hơn, từ giống cây, vật tư đầu vào cho đến khâu bảo quản, vận chuyển. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm. Theo khảo sát của phóng viên, việc triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, trình độ công nghệ và nhận thức của một bộ phận nông dân.

Giữa thị trường đầy biến động, nơi hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan, đặc biệt là nông sản thì việc xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc đang trở thành con đường tất yếu để các hợp tác xã khẳng định giá trị.

MINH NGUYÊN

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/xay-dung-thuong-hieu-va-truy-xuat-nguon-goc-huong-di-ben-vung-cua-hop-tac-xa-415644.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm