Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng trung tâm tài chính đổi mới, xanh và đầu tư bền vững

Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng xác định, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thu hút các đối tác chiến lược, định chế tài chính, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ pháp lý và đơn vị tư vấn luật, kế toán, kiểm toán… quốc tế và trong nước đầu tư và hoạt động. Tầm nhìn trung tâm tài chính sẽ trở thành trung tâm đổi mới, xanh và đầu tư bền vững.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng08/05/2025

UBND thành phố và các cơ quan chức năng  nghiên cứu khai thác tòa nhà ICT tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để tổ chức hoạt động trung tâm tài chính. Ảnh: M.QUẾ
UBND thành phố và các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác tòa nhà ICT tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để tổ chức hoạt động trung tâm tài chính. Ảnh: M.QUẾ

Phát triển theo hướngchuyên biệt

Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng là dự án mang tính chiến lược, phục vụ lợi ích quốc gia và sự nghiệp phát triển địa phương theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Trung tâm tài chính sẽ tập trung các lĩnh vực chuyên biệt, cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố, trong đó xác định trọng tâm ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư tập trung vào các trụ cột: tài chính quốc tế, bao gồm các hoạt động tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức và cá nhân không cư trú (dịch vụ offshore) các hoạt động thương mại xuyên biên giới của khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp…; đổi mới công nghệ tài chính (fintech), triển khai thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) một số mô hình mới như: tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số, qua đó thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp tài chính; các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, phát triển các dịch vụ pháp lý có liên quan.

Trung tâm tài chính có 4 chức năng. Thứ nhất là cầu nối đầu tư khu vực, cung cấp giải pháp tín dụng thương mại và tài chính cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống chuyển tiền, thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là cửa ngõ hội nhập tài chính khu vực, thiết lập nền tảng giao dịch tài chính xanh, thu hút và luân chuyển dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng và chuyên biệt, giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, quản lý rủi ro và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba là thúc đẩy các ngành kinh tế mới và công nghệ để cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các nền tảng giao dịch, gọi vốn cộng đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp (startup) công nghệ tài chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế. Thứ tư là kết nối các trung tâm tài chính lớn nhằm thử nghiệm có kiểm soát các mô hình công nghệ tài chính, đổi mới công nghệ phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics và tích hợp vào hệ sinh thái đã phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế khác, tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh.

Lãnh đạo UBND thành phố làm việc với Bộ phận tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhằm tham vấn kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: M.QUẾ
Lãnh đạo UBND thành phố làm việc với Bộ phận tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhằm tham vấn kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: M.QUẾ

Chuẩn bị nguồn lực

Về nhiệm vụ trước mắt, UBND thành phố và các cơ quan chức năng tập trung rà soát, hoàn thiện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ trung tâm tài chính, trong đó, nghiên cứu khai thác tòa nhà ICT tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để tổ chức hoạt động trung tâm tài chính; đồng thời, nghiên cứu khai thác, sử dụng các khu đất đã được quy hoạch như: khu vực phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), phường Thuận Phước (quận Hải Châu), khu công nghiệp Đà Nẵng, khu vực lấn biển tại vịnh Đà Nẵng. UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất các dự án thành phần về công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ trung tâm tài chính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư bảo đảm điều kiện vận hành của trung tâm tài chính sau khi đưa vào hoạt động trong quý 3-2025.

Về nhân sự, UBND thành phố và các cơ quan chức năng lựa chọn nhân sự, thành lập ban trù bị và bảo đảm điều kiện hoạt động cho cơ quan điều hành trung tâm tài chính; đồng thời, nghiên cứu phương án thuê chuyên gia, nhân sự quốc tế có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành trung tâm tài chính, song song nghiên cứu, đề xuất cơ chế, cách thức quản lý, vận hành, giám sát trung tâm tài chính; tổ chức các đoàn công tác của thành phố đi nghiên cứu, học tập mô hình thành lập và hoạt động của các trung tâm tài chính quốc tế, xúc tiến đầu tư và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trung tâm tài chính cho các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Giai đoạn 2025-2030, thành phố thu hút đối tác chiến lược, tập đoàn tài chính, định chế trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động tại trung tâm tài chính; thúc đẩy thành lập các trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế, công nghệ tài chính, chuỗi khối nhằm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, tư vấn cơ chế, chính sách phát triển trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ tài chính. Thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tại trung tâm tài chính gắn với khu thương mại tự do Đà Nẵng và các dự án động lực, trọng điểm của thành phố…

Thành phố chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ quản lý, điều hành, giám sát hoạt động tại trung tâm tài chính; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu cho Trung tâm tài chính Đà Nẵng hiện đại, cởi mở, uy tín và có tính cạnh tranh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và xã hội để quản lý và phối hợp triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng; phối hợp với bộ, ngành Trung ương trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính.

MAI QUẾ

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-doi-moi-xanh-va-dau-tu-ben-vung-4006157/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm