Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Nai nâng cao giá trị cho cây công nghiệp chủ lực

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về Phát triển cây công nghiệp (CCN) chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và 2030. Quan điểm nhằm phát triển CCN chủ lực phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai08/05/2025

Một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Định Quán đầu tư chế biến sâu  sản phẩm cà phê. Ảnh:B.Nguyên
Một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Định Quán đầu tư chế biến sâu  sản phẩm cà phê. Ảnh:B.Nguyên

Mục tiêu nhằm phát triển CCN chủ lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất CCN chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến nâng cao giá trị gia tăng.

Giảm diện tích, tăng năng suất

Nhóm CCN chủ lực của tỉnh gồm: cao su, điều, cà phê, tiêu. Cụ thể, với cây hồ tiêu, diện tích đến năm 2025 có hơn 10 ngàn hécta, sản lượng đạt hơn 9,5 ngàn tấn; đến năm 2030 chỉ còn hơn 9,9 ngàn hécta, sản lượng đạt gần 21,3 ngàn tấn. Để đạt mục tiêu giảm nhẹ về diện tích nhưng sản lượng tăng gấp 2 lần so với hiện nay, giải pháp là áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến. Xây dựng hệ thống vườn giống hồ tiêu đầu dòng, ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh để cung cấp giống cho diện tích hồ tiêu trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn khoảng 40-50%.

Mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh còn hơn 82,4 ngàn hécta các CCN chủ lực, sản lượng đạt 143 ngàn tấn. Đến năm 2030, tổng diện tích các CCN chủ lực còn khoảng 77,1 ngàn hécta, sản lượng đạt hơn 107,2 ngàn tấn.

Năm 2025, diện tích cây điều gần 27 ngàn hécta, sản lượng gần 41,1 ngàn tấn; đến năm 2030 sẽ còn 25 ngàn hécta nhưng năng suất sẽ tăng cao. Mục tiêu đến năm 2030, khoảng 80-90% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất.

Hiện nay, diện tích trồng cà phê của tỉnh gần 5,3 ngàn hécta, sản lượng gần 13,4 ngàn tấn; đến năm 2030 tăng lên khoảng 6 ngàn hécta, sản lượng hơn 15 ngàn tấn. Tỉnh sẽ phát triển vùng trồng cà phê ở những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh...

Năm 2025, diện tích cao su đạt gần 40,2 ngàn hécta, sản lượng hơn 41,7 ngàn tấn; đến năm 2030 còn gần 36,1 ngàn hécta, sản lượng hơn 42,2 ngàn tấn. Diện tích cao su giảm mạnh do chuyển đổi sang cây trồng khác; đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng.

Thu hút đầu tư chế biến sâu

Thời gian qua, Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp phát triển các vùng CCN tập trung theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Trương Đình Bá chia sẻ, Dự án Cánh đồng lớn hồ tiêu tại địa phương thu hút sự tham gia của 700 hộ sản xuất với diện tích 877 hécta. Trong đó, nông dân sử dụng men vi sinh IMO vào sản xuất để tự ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, nhưng quan trọng là việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm làm ra sản phẩm an toàn. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu tham gia chuỗi liên kết có giá bán cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường; đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu.

Ngoài lợi thế phát triển được các vùng chuyên canh CCN, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chế biến CCN.

Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, DN đang xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn điều/năm, gồm hạt điều và các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều, vào nhiều thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ... Mọi khâu chế biến, đóng gói của DN đều được tự động hóa với công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. DN cũng rất quan tâm đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó có những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, nhiều DN đang đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trần Minh (xã Phú Tân, huyện Định Quán) Trần A Sáng cho biết, nguồn cung cà phê giảm mạnh khiến giá cà phê tăng cao. Việc kinh doanh thuần túy mặt hàng cà phê gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, DN tập trung đầu tư chế biến sâu, xây dựng nhãn hàng, thương hiệu riêng cho sản phẩm để tạo thêm giá trị gia tăng cũng như lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Trần Lâm Sinh, các DN trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản ngày càng quan tâm ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại để tiết kiệm chi phí sản xuất, làm ra sản phẩm chất lượng cao, tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ nông dân và DN như: hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển hợp tác xã... Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu.

Bình Nguyên

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/dong-nai-nang-cao-gia-tri-cho-cay-cong-nghiep-chu-luc-e6817e5/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm