Chợ họp từ mờ sáng, dưới tán cây gạo cổ thụ. Người mua kẻ bán đều là dân địa phương. Thỉnh thoảng có vài xe hàng từ nơi khác đến. Nhiều người chen chân chọn món mình thích nhưng đa số là tò mò, đứng vây quanh.

Tôi tình cờ đến với chợ núi trong chuyến thăm người bạn. Nhà bạn ngay trước mặt chợ. Gia đình kinh doanh đủ mặt hàng từ thực phẩm đến đồ gia dụng. Cả đêm vì lạ chỗ nên tôi khó ngủ, khi vừa chợp mắt thì đã bị tiếng ồn đánh thức. Tôi bước ra ngoài.
Có bếp lửa vừa nhen lên, tỏa bóng chập chờn từ lều quán tạm bợ cuối chợ. Mùi thức ăn hòa trong sương sớm. Tiếng mở cửa sắt từ các gian hàng vang lên. Mấy chú heo tròn ủn ỉn trong chiếc giỏ tre cố chõ chiếc mõm ra ngoài kêu eng éc. Bầy gà con chiêm chiếp trong thùng carton khoét mấy lỗ nhỏ.
Một ông già khệ nệ đặt bao củ quả bên cạnh chị bán rau, đưa tay quệt mồ hôi rồi bắt chuyện: “Sắp sương muối rồi, thu hoạch không kịp hỏng như chơi”. Cô bán thịt ngưng dao chặt, nói vọng sang: “Ông để cho cháu một trái bí đỏ và ký khoai tây nhé”.
Ông lão khẽ gật đầu. Tiếng người cũng đầy dần lên khắp khu chợ. Một chiếc xe đẩy từ phía bên kia đường trờ tới, cô chủ nhoẻn miệng cười thay cho lời chào. Mấy thức quà dân dã đặt trên xe bốc khói nghi ngút. Có vài người đợi sẵn, bước tới. Tôi nghe nhiều giọng nói, những phương ngữ cất lên tạo nên hợp âm sống động. Trong những thanh âm trầm bổng ấy, có tiếng hối hả, khẩn trương bốc dỡ hàng, có tiếng mời chào và cả lời than vãn vì món hàng không được giá như mong muốn.
Tôi bất chợt nhớ về khu chợ ở quê, về những năm tháng tuổi thơ theo mẹ ra chợ mà lòng chùng xuống, rưng rưng. Hình như khu chợ nào cũng thế, luôn bày ra diện mạo của làng quê, nghèo khó hay sung túc qua những thức hàng dân dã, qua tấm áo đơn sơ đẫm vị mồ hôi, qua lời mời nhỏ nhẹ, ân cần.
Tôi chọn cho mình một góc nhỏ, nhìn quanh để nghĩ về thế giới đầy ắp những điều mới lạ mà chợ núi mang lại. Chợ núi tôi gặp là kiểu chợ tự phát, lâu dần thành quen, ngày nào cũng họp. Thế nên hàng quán chưa được quy hoạch một cách hệ thống. Cũng chính vì điều này mà chợ núi trở nên đa dạng, có phần đặc biệt.
Muốn mua gì, cứ rảo quanh chợ mà tìm hoặc hỏi thăm. Người dân ở đây hiếu khách, phương ngữ mộc mạc, chân tình. Mấy bà, mấy cô ngồi thành hàng dài, bày bán đủ loại nông sản. Họ vừa bán vừa chuyện trò với nhau về việc ruộng rẫy, chuyện gia đình, con cái...
Đặc biệt, mấy chị bán hàng ăn vừa khéo tay vừa dẻo miệng mời chào khách mua những món “nhà làm”. Lần đầu tiên nhìn thấy những món ăn đặc trưng của cư dân bản địa, tôi cảm giác vừa lạ vừa thích thú. Thấy vị khách vãng lai còn ngần ngại chưa dám thưởng thức, các chị trêu tôi rồi phá lên cười vui vẻ.
Chợ càng lúc càng đông người. Có người đến từ xa, tận những làng trong núi. Họ dậy trước tiếng gà gáy, vén màn sương mà bước. Đường đến chợ gập ghềnh, phải băng đồi, lội suối. Họ đến chợ cũng là lúc mặt trời vừa ló dạng, trên lối cỏ sương mai còn đọng giọt. Những đám mây bắt đầu tan ra, dạt về muôn hướng, để lọt những tia nắng vàng buổi sớm.
Chọn được chỗ ngồi thích hợp, họ lấy ra từ gùi, từ sọt những sản vật của núi rừng: nào măng, thảo quả, nào nấm, ốc đá và cả những trái bắp vừa thu hoạch chiều qua. Trong bộ trang phục của dân tộc mình, họ nổi bật giữa đám đông qua lại.
Nửa buổi sáng chợ núi dần tan. Người bán, người mua lần lượt đi về. Nhìn các lều quán trống trải, xác xơ, gió lùa thông thống, cảm giác buồn xâm chiếm lòng tôi. Cũng may, bên mé chợ, những ki ốt kinh doanh đồ mỹ ký, làm nail, làm tóc còn mở cửa. Mấy cô gái người đồng bào dân tộc thiểu số ngồi chờ tới lượt. Họ khoe với nhau chiếc váy thổ cẩm mới may, chiếc vòng bạc mới sắm. Có người cao hứng còn khe khẽ hát một làn điệu dân ca.
Tôi đã từng qua nhiều khu chợ, nhận thấy rằng ở đâu chợ cũng ồn ào, náo nhiệt; có khi còn xảy ra cự cãi, chèo kéo. Chỉ mỗi chợ núi là bình yên. Hình như ở đây người bán không mặc cả và người mua không trả giá. Họ trao đổi nhau bằng cái giọng cùng âm sắc, cả người mua và người bán hiểu và đo được tấm lòng nhau. Tôi về phố, mang theo những ánh mắt thân thương, những nụ cười hiền lành đậm chất quê, chất núi.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/xon-xao-cho-nui-post317023.html
Bình luận (0)