Động lực tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), EU không chỉ là một thị trường giàu tiềm năng, mà còn sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng đa dạng, từ phổ thông đến cao cấp. Người tiêu dùng châu Âu có xu hướng ưa chuộng thủy sản, đặc biệt là tôm. Trong đó, các sản phẩm tiện lợi, chế biến sẵn và có giá cả hợp lý đang ngày càng được ưa chuộng.
Số liệu thống kê trong quý I/2025 cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt hơn 107 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.
Giá xuất khẩu trung bình của tôm chân trắng đi EU giữ ổn định ở mức 7,6 USD/kg, trong khi tôm sú ghi nhận mức tăng nhẹ, đạt 10,9 USD/kg trong tháng 3 – phản ánh nhu cầu cải thiện và phân khúc cao cấp có nhiều dư địa phát triển.
Tỷ trọng tôm chế biến hiện chiếm khoảng 42–45% tổng lượng xuất khẩu, trong khi tôm nguyên liệu chiếm khoảng 55–58%. Đây là minh chứng cho xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tôm chân trắng tiếp tục đóng vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 87 triệu USD, chiếm 81% tổng giá trị, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tôm sú – mặt hàng chủ lực thứ hai, đạt gần 10 triệu USD, tăng 14%. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai vào thị trường EU – một lợi thế chiến lược cần khai thác triệt để.
Nhóm tôm loại khác đạt 10 triệu USD, tăng mạnh 79%, với mức tăng đột phá ở cả sản phẩm chế biến (tăng 77%) và sản phẩm đông lạnh sống/tươi (tăng 136%). Điều này cho thấy xu hướng đa dạng hóa sản phẩm đang được thị trường EU đánh giá cao.
Hầu hết các thị trường lớn trong EU đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong quý I/2025. Trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt 28 triệu USD, Bỉ 23 triệu USD, Hà Lan 21 triệu USD, Pháp 8 triệu USD với các mức tăng lần lượt 38%, 59%,19%, 39%.
"Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu hồi phục tại châu Âu, sự chủ động của doanh nghiệp Việt trong việc đa dạng hóa sản phẩm, cũng như tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA", VASEP nhận định.
Chiến lược tăng trưởng tại EU
Như vậy, quý I/2025 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của tôm Việt Nam tại thị trường EU cùng với sự tăng trưởng ổn định về lượng, giá và phân khúc sản phẩm.
VASEP cho rằng, doanh nghiệp Việt với chiến lược bài bản có thể coi đây là cơ hội đa dạng thị trường trước chính sách thuế quan từ Mỹ.
Tuy vậy, để tận dụng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược nâng cấp năng lực sản xuất và chế biến; đầu tư công nghệ hiện đại, nâng tỷ trọng chế biến sâu. Phát triển các dòng sản phẩm chế biến sẵn mang hương vị truyền thống Việt Nam. Mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế để tăng khả năng tiếp cận các chuỗi bán lẻ lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thiết lập kho ngoại quan tại các nước trung tâm logistics; kết nối trực tiếp với nhà phân phối, siêu thị tại EU để rút ngắn chuỗi cung ứng. Việc tận dụng các kênh online như website doanh nghiệp, digital marketing, mạng xã hội để tiếp cận khách hàng mới... cũng là điều doanh nghiệp cần quan tâm.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/xuat-khau-tom-sang-eu-khoi-sac/20250429041143781
Bình luận (0)