Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành lực lượng chủ lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển độc lập, tự chủ và bền vững. |
Sự kiện quan trọng này không chỉ là bước tiến về mặt chính trị, mà còn là cú hích thể chế mạnh mẽ, tạo xung lực cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hiện đại và hội nhập. Để phát huy hiệu quả, Nghị quyết cần sớm được cụ thể hóa bằng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, "Phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng". Nghị quyết 68 như một lời hiệu triệu nhằm xoá bỏ định kiến, đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân. Cùng với khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, với vai trò là “một động lực quan trọng nhất” kinh tế tư nhân sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu cao trước các cú sốc toàn cầu.
Thống kê chính thức cho thấy, hiện nay có hơn 940 nghìn doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 50% GDP, tạo ra việc làm cho 82% lực lượng lao động, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách. Khu vực này hiện không chỉ là đầu tàu tăng trưởng mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - những yếu tố then chốt của nền kinh tế hiện đại.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tư nhân hiện nay chưa hoàn toàn tươi sáng. Hầu hết doanh nghiệp vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai và nhân lực chất lượng cao còn hạn chế… Nghị quyết 68 thẳng thắn chỉ ra các rào cản, làm rõ điều kiện tiên quyết để thay đổi thực chất, từ tư duy, nhận thức, tầm nhìn chiến lược, thể chế pháp lý đến những bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyền tự do kinh doanh, chi phí kinh doanh cao…
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hai triệu doanh nghiệp tư nhân, với 20 doanh nghiệp trên mỗi nghìn dân; ít nhất 20 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khu vực này đóng góp từ 55-58% GDP và giải quyết tới 85% lao động. Xa hơn, đến năm 2045, mục tiêu là có ít nhất ba triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP, là bước nhảy vọt về cả lượng và chất.
Những con số thể hiện khát vọng rất rõ ràng rằng, kinh tế tư nhân phải vươn mình thành lực lượng dẫn dắt, đủ sức cạnh tranh quốc tế và đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, tinh thần Nghị quyết 68 tiếp tục được truyền tải mạnh mẽ. Các đại biểu thống nhất quan điểm - cần nhanh chóng thể chế hóa các nội dung trong nghị quyết thành chính sách cụ thể, luật hóa các ưu đãi về thuế, đầu tư, khoa học – công nghệ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và không hình sự hóa các hành vi kinh tế thuần túy… Đây là những thay đổi căn bản để tạo dựng một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, nơi doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư và đổi mới.
Nghị quyết 68-NQ/TW cho thấy - không chỉ là một văn kiện mang tính chính trị, mà còn là bước chuyển về tư duy và hành động, thể hiện quyết tâm tạo đột phá chiến lược cho nền kinh tế.
Với tầm nhìn rõ ràng, thể chế hỗ trợ mạnh mẽ và niềm tin được khơi dậy, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành lực lượng chủ lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển độc lập, tự chủ và bền vững.
Nguồn: https://baoquocte.vn/xung-luc-moi-cho-kinh-te-tu-nhan-314432.html
Bình luận (0)