Tại talk show "Cấm xe xăng lập vùng phát thải thấp, cần làm gì? do Báo Xây dựng tổ chức ngày 18/7, các chuyên gia đã có những trao đổi về lộ trình và những "điểm nghẽn" trong việc chuyển đổi sang giao thông xanh tại các đô thị Việt Nam sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20 cấm xe máy xăng trên đường vành đai 1 tại Hà Nội từ 1/7/2026.
Ông Khuất Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Hà Nội Metro khẳng định, quản lý giao thông đô thị là một bài toán vô cùng phức tạp. Tuy vậy, việc triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để xây dựng những giá trị văn hóa mới, hướng tới một hệ thống giao thông thông minh và giao thông xanh.
"Kinh tế giao thông đô thị hiện nay là nền kinh tế phụ thuộc vào xe máy. Nếu chúng ta chuyển đổi thành công sang nền kinh tế đô thị dựa trên nền tảng giao thông xanh, thân thiện với môi trường, những thị trường mới sẽ được tạo ra, trong khi các thị trường cũ gắn với xe nhiên liệu hóa thạch sẽ dần dịch chuyển và mất đi", ông Hùng nêu.
Tuy nhiên, trong lộ trình chuyển đổi này, các đối tượng bị tác động trực tiếp phần lớn là những người dân có thu nhập trung bình, vốn coi xe máy là phương tiện mưu sinh chủ yếu. Đa số người dân cho rằng, việc phải mua một chiếc xe điện mới đã là một khoản chi phí lớn. Hơn nữa, họ còn băn khoăn về chất lượng, khả năng vận hành của xe điện, hay những nguy cơ về cháy nổ...
Trao đổi về những lo ngại này, PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, chuyên gia ô tô từ Đại học Bách khoa Hà Nội thừa nhận đây là những quan ngại có cơ sở.
"Chúng ta đang nói về mục tiêu chuyển đổi xanh, nhưng đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất lại là người dân có thu nhập thấp và những người yếu thế. Do đó, đây là nhóm đối tượng chúng ta cần quan tâm hàng đầu và phải có chính sách hỗ trợ cụ thể", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, chính sách hỗ trợ cần nhắm vào hai đối tượng chính: hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm gánh nặng chi phí, và hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ có thể giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác là cần sớm hình thành một thị trường xe cũ, nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Nêu những rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi, PGS, TS Đàm Hoàng Phúc đã chỉ ra ba "điểm nghẽn" chính, tóm gọn trong "ba chữ C".
Thứ nhất, "Chi phí" (Cost). Đây là rào cản đầu tiên và lớn nhất. Dù là người có điều kiện hay không, việc chuyển đổi sang xe điện đều phát sinh chi phí. Đây là điểm nghẽn cần phải có cách để giải quyết.
Thứ hai, "Cơ sở hạ tầng" (Charging Infrastructure). Hệ thống trạm sạc an toàn và tiện lợi là yếu tố sống còn. Cần có những quy định cụ thể về việc lắp đặt điểm sạc tại các khu dân cư để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.
Thứ ba, "Chuyển đổi hành vi" (Change in Behavior). Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì.
"Việc chuyển đổi hành vi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng, từ xe động cơ đốt trong sang phương tiện năng lượng xanh cần được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng để tạo ra sự thay đổi bền vững", ông Phúc kết luận.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/3-diem-nghen-lon-khi-cam-xe-xang/20250718040437330
Bình luận (0)