Văn bản nêu rõ, việc đánh giá được thực hiện thống nhất, đồng bộ, đảm bảo dân chủ, khoa học, công bằng, khách quan, hợp lý, nhân văn, không mang tính hình thức, đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật.
Cán bộ Sở Dân tộc và Tôn giáo tự đánh giá năng lực theo các tiêu chí quy định.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đối tượng áp dụng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh.
Việc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí, chấm thang điểm 100 điểm dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất (trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyển đến cơ quan, đơn vị mới hiện đang công tác chưa đủ 03 năm thì cơ quan, đơn vị mới phải lấy ý kiến đánh giá của cơ quan, đơn vị cũ theo tiêu chí do cơ quan, đơn vị mới ban hành. Trường hợp công chức, viên chức, người lao động mới được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc tại cơ quan, đơn vị chưa đủ 3 năm thì đánh giá theo thời gian thực tế công chức, viên chức, người lao động công tác tại cơ quan, đơn vị).
Tổng số điểm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, để làm cơ sở cho việc lựa chọn, xác định người nghỉ việc.
Cụ thể: Nhóm tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (20 điểm). Nhóm tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất (40 điểm).
Nhóm tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được (25 điểm). Đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị (15 điểm). Đối tượng có kết quả đánh giá đạt từ 90 điểm trở lên.
Việc giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc đối với các trường hợp có đơn tự nguyện phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý theo quy định. Giữ lại công tác đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc nhưng được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Căn cứ kết quả đánh giá, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục xác định số lượng người cần xem xét tinh giản để đáp ứng tiêu chí giảm tối thiểu 20% số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc tinh giản những người có kết quả đánh giá thấp nhất từ dưới lên.
Xác định số lượng biên chế phải giảm theo quy định: Căn cứ số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt, số biên chế có mặt, các cơ quan, đơn vị xác định số lượng biên chế phải giảm đến 2030 đạt tỷ lệ tối thiểu 20% theo số biên chế được giao năm 2025.
Về trình tự thực hiện đánh giá gồm 4 bước
Bước 1: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí do cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành, báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bước 2: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tổ chức lấy ý kiến tập thể lãnh đạo để đánh giá, chấm điểm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo tiêu chí ban hành; báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức) xem xét, quyết định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bước 3: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp, xin ý kiến tập thể lãnh đạo, cấp ủy cùng cấp trước khi quyết định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo tiêu chí ban hành.
Bước 4: Lập danh sách, hồ sơ đối tượng nghỉ việc hoặc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định hiện hành báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp; các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Sở Nội vụ tổng hợp).
Trên cơ sở hướng dẫn này, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hóa các tiêu chí và điểm số tại các tiêu chí cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi đánh giá.
Đồng thời thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hoàn thành trước ngày 18-4-2025.
Tập thể cấp ủy, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đảm bảo giữ lại, trọng dụng những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo khách quan, minh bạch, bình đẳng.
Đính kèm văn bản
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/4-buoc-huong-dan-danh-gia-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-tren-dia-ban-tinh-209916.html
Bình luận (0)