Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm, sáng mãi tinh thần người thầy thuốc Bình Thuận

Từ những chiến trường ác liệt đến hành lang bệnh viện hôm nay, hình ảnh người thầy thuốc Bình Thuận vẫn sáng lên, thể hiện lòng yêu nước, khát vọng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Suốt 50 năm qua, ngành y tế tỉnh nhà không ngừng kế thừa, phát huy truyền thống cống hiến, vượt khó vươn lên vì sức khỏe cộng đồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Báo Bình ThuậnBáo Bình Thuận30/04/2025

can-bo-y-te-khang-chien.jpg
Họp mặt cán bộ y tế kháng chiến.

Hy sinh và cống hiến

Những năm tháng chiến tranh, cán bộ y tế không chỉ cứu chữa thương bệnh binh mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu, bám trụ tại những địa bàn hiểm trở, vượt qua bom đạn, bệnh tật và muôn vàn khó khăn. Hình ảnh những bệnh viện dã chiến giữa chiến trường ác liệt, nơi những đôi tay tận tụy giành giật sự sống cho từng thương bệnh binh, đã trở thành biểu tượng không thể nào quên. Dù ở bất cứ đâu, cán bộ y tế Bình Thuận luôn kiên trung, anh dũng phục vụ thương bệnh binh, cán bộ và nhân dân vùng căn cứ, trở thành một "binh chủng đặc biệt" bên cạnh lực lượng vũ trang, các đoàn đấu tranh chính trị, đội công tác xã, đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Nhiều cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh, để lại máu xương trên mảnh đất quê hương. Đó là những chia sẻ xúc động của bác sĩ Bùi Tấn Phúc – nguyên Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban liên lạc Y tế Kháng chiến Bình Thuận – tại buổi họp mặt cán bộ y tế kháng chiến gần đây, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

can-thiep-tim-mach.jpg
Can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa An Phước.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngành y tế Bình Thuận bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng. Những gian nan, khó khăn mà ngành y tế tỉnh nhà phải đối mặt trên hành trình bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực còn hạn chế. Các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, tiêu chảy, bệnh đường ruột, ký sinh trùng và tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em vẫn là mối đe dọa lớn, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Điều kiện vệ sinh môi trường và nguồn nước không đảm bảo càng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trước tình hình ấy, tỉnh đã tập trung củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ. Đồng thời, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt và bài bản. Nhờ những nỗ lực ấy, ngành y tế Bình Thuận từng bước cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực, gìn giữ và phát huy giá trị tinh thần quý báu của thế hệ thầy thuốc kháng chiến. Những bài học về hy sinh, tận tụy và lý tưởng sống là nguồn động lực lớn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, đội ngũ y bác sĩ tỉnh nhà khẳng định tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng.

tuyen-truyen-cham-soc-suc-khoe.jpg
Tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh.

Vươn tới chuyên sâu, hiện đại

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, đội ngũ cán bộ y tế Bình Thuận ngày nay không ngừng nỗ lực phát triển chuyên môn, hội nhập với tiến bộ y học hiện đại. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh khẳng định: "Các cán bộ y tế kháng chiến là tấm gương sáng để thế hệ trẻ trong ngành y học tập và noi theo. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng”.

Đến nay, tỷ lệ bác sĩ tại Bình Thuận khoảng 8,2 bác sĩ/10.000 dân. Y tế công lập gồm 4 bệnh viện đa khoa; 3 bệnh viện chuyên khoa; 10 trung tâm y tế tuyến huyện; 121 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Y tế ngoài công lập gồm 2 bệnh viện đa khoa, 2 bệnh viện chuyên khoa, 13 phòng khám đa khoa. Mạng lưới khám, chữa bệnh được kiện toàn, sắp xếp hợp lý và mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Về phòng bệnh, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lạ hay dịch bệnh mới nổi. Số ca mắc các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết… ổn định, không bùng phát. Nguồn vắc xin tiêm chủng mở rộng được đảm bảo đầy đủ, giúp duy trì công tác phòng ngừa hiệu quả.

Cùng với việc đa dạng hóa hoạt động y tế và đẩy mạnh xã hội hóa, hệ thống công lập và tư nhân đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại (CT-Scan, MRI, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động…), giúp chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu.

Tiêu biểu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận thực hiện thành công các kỹ thuật phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não và đặt máy tạo nhịp tim. Bệnh viện đa khoa An Phước phát triển mạnh các dịch vụ can thiệp tim mạch, điều trị nhồi máu não, xuất huyết tiêu hóa, nội soi mật tụy ngược dòng, nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Những kỹ thuật chuyên sâu như trên vốn trước đây phải chuyển tuyến, nay được thực hiện ngay tại tỉnh. Điều này giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí và kịp thời cứu sống bệnh nhân trong "giờ vàng"… Các bệnh viện chuyên khoa về mắt, da liễu, y học cổ truyền cũng từng bước mở rộng dịch vụ chuyên sâu, kết hợp phương pháp Đông - Tây y.

Có thể nói rằng, 50 năm, ngành y tế Bình Thuận vượt qua bao thử thách, từng bước trưởng thành và vững mạnh. Những hy sinh, khát vọng vươn lên của thế hệ đi trước vẫn là nền tảng quý giá, tiếp tục chắp cánh cho sự phát triển của nền y tế tỉnh nhà, vì sức khỏe cộng đồng hôm nay và mai sau.

Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/50-nam-sang-mai-tinh-than-nguoi-thay-thuoc-binh-thuan-129831.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm