Ông Ba Phát (Lê Nam, trái) trong phim.
Tại khu hẻm nhỏ giữa lòng thành phố, nhà trọ của ông Ba Phát (Lê Nam) là điểm dừng chân cư trú của nhiều người lao động và sinh viên. Ông Ba Phát sống một mình, không con cái và tự quản lý khu trọ. Với hàng loạt quy định nghiêm khắc về hoạt động, sinh hoạt tại nhà trọ, ông Ba Phát nổi tiếng khó tính.
Dẫu vậy, khu trọ của ông Ba Phát lại thu hút nhiều bạn trẻ và người dân lao động nhập cư. Út Lành từ miền Tây lên thành phố tìm việc, trở thành tạp vụ và phụ giúp ông Ba Phát quản lý khu trọ. Tại đây còn có Loan, cô giáo tiếng Anh gắn bó lâu dài với nhà trọ bởi những ký ức tuổi thơ; bên cạnh đó là kỹ sư công nghệ Tâm ít nói, hay Lam xinh đẹp nhất khu trọ... Và cuộc sống ở khu trọ xảy ra nhiều biến động khi Cường đến.
Cường vốn là một sinh viên, con nhà giàu nhưng vì ham chơi nên bị cha mẹ bắt phải ra ngoài ở trọ để rèn luyện lại tính cách và lối sống. Tại đây, Cường nhiều lần đối đầu với ông Ba Phát và tìm cách lách các quy định, kéo theo nhiều người ở khu trọ vào cuộc tạo nên nhiều tình huống dở khóc dở cười. Ông Ba Phát cũng đau đầu với những việc làm của Cường, nhất là khi Út Lành dần bị Cường lấy lòng mua chuộc, bao che tiếp cậu.
Mỗi tập phim chỉ khoảng 20 phút, phác họa các tình huống xảy ra trong mối quan hệ giữa người với người ở xóm trọ. Phim mang đến những lát cắt chân thực về cuộc sống, tình người, những mối quan hệ tưởng chừng mong manh nhưng lại bền chặt. Ở khu trọ, họ là những người xa lạ từ khắp nơi đến ở cùng một mái nhà. Ban đầu có những mâu thuẫn tranh cãi về lối sống, sinh hoạt. Nhưng sau những va chạm, xung đột, từng người cũng tháo gỡ được những khúc mắc trong lòng, biết đồng cảm và lắng nghe nhau. Như mâu thuẫn nhiều năm giữa Loan và ông Ba Phát. Họ luôn cãi nhau vì Loan muốn giữ những ký ức về nhà cũ, trong khi ông Ba Phát muốn quên đi những quá khứ đau buồn. Trong ký ức của Loan, nơi đây từng có những kỷ niệm ấm áp về tình thương nhưng với ông Ba Phát lại là nỗi đau liên quan đến gia đình khiến ông phải lựa chọn sống một mình.
Từng nút thắt trong nội tâm của nhân vật dần được tháo gỡ và chủ trọ, khách trọ cũng dần được chữa lành bởi tình thương của những người chung trọ, tìm lại được giá trị sống của bản thân. Ông Ba Phát từ một người cộc cằn, lạnh lùng dần mở lòng và cuốn vào những câu chuyện muôn màu muôn vẻ của khách trọ. Ông trở thành người cha, người chú nghiêm khắc nhưng ấm áp, luôn bảo vệ những khách trọ như người thân gia đình. Từ một người không có ai bên cạnh, ông Ba Phát đã có một gia đình thực sự. Cường cũng dần trưởng thành và học cách trân trọng kết quả lao động, sống có kỷ luật và trách nhiệm. Từng người một trong khu trọ đều dần thay đổi, trở nên gắn bó và yêu thương, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Thông qua những câu chuyện gắn với cuộc sống, "Chung trọ chung đời" mang đến những thông điệp đầy ý nghĩa về tình bạn, tình làng nghĩa xóm, tình người.
BẢO LAM
Nguồn: https://baocantho.com.vn/am-ap-tinh-nguoi-trong-chung-tro-chung-doi-a186208.html
Bình luận (0)