Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng trưởng hai con số - Giải pháp bền vững nào cho Quảng Nam

Các nhà quản lý và chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ để Quảng Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% trong năm 2025 và 11,5% ở giai đoạn 2026 - 2030.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam08/05/2025

cn2.jpg
Hoạt động của ngành cơ khí và sản xuất kim loại của THACO Chu Lai. Ảnh: QUANG VIỆT

Ưu tiên cho nhóm ngành động lực

Đề tài khoa học “Nghiên cứu các động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do ThS. Nguyễn Như Công - Chánh Văn phòng UBND tỉnh (nay là Giám đốc Sở Tài chính) làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng khoa học do Sở Khoa học - công nghệ tổ chức nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Theo ông Nguyễn Như Công, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, hướng đến phát triển kinh tế bền vững, Quảng Nam cần ưu tiên phát triển ngành cơ khí và sản xuất kim loại, tiếp theo là ngành dệt may, da giày và ngành du lịch, dịch vụ.

Hiện nay, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đang có đóng góp lớn cho kinh tế tỉnh. Ngành này tạo giá trị cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp hiện đại với kỹ thuật, công nghệ mới, dẫn dắt phát triển công nghiệp, góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên.

Quảng Nam có lợi thế với trung tâm công nghiệp ô tô và logistics THACO Chu Lai thuộc tốp đầu của ASEAN. Ưu tiên phát triển ngành cơ khí và sản xuất kim loại sẽ tạo cơ hội phát triển hệ sinh thái cơ khí và công nghiệp phụ trợ ô tô, tạo không gian phát triển chuỗi giá trị tại Quảng Nam.

Ông Nguyễn Như Công cho rằng, ngành dệt may, da giày đã và đang có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Quảng Nam, giải quyết việc làm nhưng có xu hướng tăng trưởng chậm.

Đến năm 2030, ngành dệt may, da giày có thể duy trì tăng trưởng nhờ các cơ hội mở rộng thị trường khi các FTA thế hệ mới tiếp tục có hiệu lực thực thi với nhiều lợi thế đối với Quảng Nam.

Để thúc đẩy ngành dệt may, da giày phát triển trong giai đoạn tới, cần dịch chuyển các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành.

Để tạo cú hích phát triển ngành dịch vụ, Quảng Nam cần ưu tiên phát triển ngành thông tin và truyền thông. Sự phát triển của ngành này sẽ đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan như thương mại, giáo dục, y tế, du lịch.

Đối với lĩnh vực du lịch, Quảng Nam có lợi thế rất lớn khi có 2 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 62 di tích quốc gia, hơn 120 lễ hội dân gian cùng nhiều bãi biển đẹp...

Tiềm năng du lịch sinh thái sâu rộng với hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học giúp phát triển du lịch văn hóa, biển đảo, nghỉ dưỡng, cộng đồng. Những yếu tố này giúp Quảng Nam thu hút khách quốc tế, nội địa hiệu quả. Liên kết du lịch với Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận sẽ thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Nam nhanh và mạnh hơn.

Chú trọng liên kết vùng

Theo ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, phát triển cân đối và liên kết giữa 2 vùng sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững cho Quảng Nam thời gian đến.

du lich
Quảng Nam cần phát huy thế mạnh du lịch biển. Trong ảnh: Biển Tam Tiến, Núi Thành.

Quảng Nam đang có 2 cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành đều có triển vọng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc tập trung vào phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị hóa.

Cụm Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành hướng đến phát triển toàn diện về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giáo dục và đô thị thông minh. Sự phát triển đồng bộ và liên kết giữa 2 cụm này sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững.

Quảng Nam đang có nhiều hành lang để kết nối đồng bộ phục vụ phát triển nhanh, bền vững. Đó là các hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh; hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Khi kết nối các hành lang, sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, tạo cơ hội để thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, khai thác, tận dụng tối đa các thế mạnh phát triển kinh tế.

Phát huy các nguồn lực

Để phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư giữ vai trò hết sức quan trọng. Theo PGS-TS.Bùi Quang Bình - Khoa Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng), nguồn vốn đầu tư thời gian tới cần được Quảng Nam xác định là động lực, ưu tiên hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế.

cong nghiep
Quảng Nam đang định hướng phát triển công nghiệp nhanh, bền vững. Ảnh minh họa: QUANG VIỆT

Khác với các giai đoạn trước, thay vì mở rộng đầu tư theo chiều rộng, vốn cần được sử dụng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng suất, thông qua đầu tư có chọn lọc vào hạ tầng công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là nền tảng để nâng cao năng suất lao động, kích thích sự phát triển của TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp).

Ưu tiên của Quảng Nam là thúc đẩy TFP như một động lực trung hạn và dài hạn cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tăng trưởng nhanh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các mục tiêu phát triển của Quảng Nam ở hiện tại và tương lai.

Cần dự lường, tăng trưởng nhanh nếu không gắn với những mục tiêu phát triển bền vững sẽ mang lại những hệ lụy khôn lường về tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm, môi trường sinh thái bị ô nhiễm. Việc tăng TFP giúp Quảng Nam ngăn chặn những bất cập đó, đồng thời đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã xác định.

TS.Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị (Học viện Chính trị khu vực 3) đồng tình với nhiều giải pháp được Sở Tài chính nêu ra để thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Nam bền vững.

Tỉnh sẽ ưu tiên khai thác hiệu quả nguồn lao động còn dư địa, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi thời gian tới; triển khai hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh đối với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, nghiên cứu triển khai các động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt là thực hiện tốt 3 nhiệm vụ đột phá gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/tang-truong-hai-con-so-giai-phap-ben-vung-nao-cho-quang-nam-3154311.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm