Một góc quán Làng Đông. |
Ở Làng Đông, phường Linh Sơn, có một quán cơm giản dị, không biển hiệu hào nhoáng, không tiếng nhạc ồn ào, nhưng lại đủ sức khiến người trẻ dừng bước, ngồi xuống, và bất giác nhớ về thời ông bà với những bữa cơm độn sắn, niêu cá kho rim lửa, và những đêm cúp điện quây quần bên ánh đèn dầu leo lét…
Một buổi chiều chúng tôi tìm về Làng Đông, gió nhẹ lướt qua mái tóc, mùi rơm rạ, khói lam và thoảng trong đó là mùi cơm nóng, cá kho, ngồng cải luộc… khiến tim tôi rung lên những nhịp rất xưa.
"Cơm bao cấp". Cái tên ấy nhắc về một thời ông bà ta từng sống bằng tem phiếu, xếp hàng dài để mua từng lạng thịt, bơ gạo. Chúng tôi bước vào quán, cảm giác như bước qua cánh cửa thời gian, trở lại thập niên 70-80, những năm tháng gian khổ nhưng ăm ắp tình người.
Bàn ghế trong quán là loại gỗ gụ cũ, nước sơn đã nhạt, chỗ mòn bóng, chỗ còn vết đinh. Chén bát là loại sứ tráng men màu cát rang mà bà tôi ngày xưa hay cất kỹ trong tủ kính. Đèn dầu, quạt tai voi, radio National, đồng hồ quả lắc, thậm chí cả chiếc bàn máy khâu cũ cũng được tận dụng để bài trí - như một không gian sống động của ký ức, của một thời bao cấp.
Chủ quán là một đôi vợ chồng trẻ nhưng dám làm một việc khó, bởi các món ăn kén khách. Họ bảo, mở quán không phải chỉ để bán cơm, mà là “để giữ lại một chút hồn xưa cho thế hệ sau biết ông bà mình đã từng sống thế nào”.
Bữa cơm ở đây không sang trọng, không cầu kỳ. Nhưng chính sự đơn sơ ấy lại làm người ta rưng rưng. Cơm được nấu chung với khoai, sắn, ngô - thứ cơm độn mà ngày xưa cả nhà chỉ mong có để no bụng. Vị bùi bùi, ngọt ngọt của sắn, dẻo thơm của ngô quyện trong từng hạt gạo trắng khiến ta nhớ đến cái thời ngồi quây quần bên mâm cơm, nghe bà kể chuyện “ngày xưa khổ lắm con ơi…”.
Những chiếc bát gợi nhớ nhiều kỷ niệm một thời xa xưa. |
Món cá kho niêu đất là linh hồn của bữa ăn. Cá trắm đen kho nhừ trong niêu đất, lửa nhỏ liu riu suốt mấy tiếng đồng hồ. Khi mở niêu, mùi thơm bốc lên quyện vị mắm cá, tiêu, gừng, hành lá và chút khói củi. Thịt cá mềm rục, thấm đẫm nước kho sánh vàng, ăn với cơm độn thì đúng là “trời cho”.
Rồi đến gà hấp lá chanh, cà xào tóp mỡ, cá chiên giòn cuốn lá lốt, ngồng cải luộc chấm trứng luộc dầm nước mắm… Mỗi món ăn là một đoạn ký ức, một câu chuyện. Có những thứ giản dị đến mức từng bị lãng quên trong dòng chảy hiện đại, nay được tái hiện, để người ta có dịp nhìn lại, hiểu và biết ơn những ngày đã qua.
Tôi ngồi ăn mà bên tai như có tiếng bà ngoại khe khẽ gọi “ăn thêm miếng cá đi con”, rồi tiếng bố bảo “hồi xưa chỉ cần có mỡ nước rưới lên cơm, rắc thêm vài hạt muối là quý lắm rồi”. Những thanh âm tưởng như đã mất trong ký ức xưa, nay lại ùa về cùng hơi ấm của mâm cơm đơn sơ mà đầy nghĩa tình.
Không gian quán nhỏ, ấm cúng, ánh đèn vàng vọt như trong những đêm cúp điện ngày xưa. Trên tường treo những bức ảnh đen trắng, những vật dụng của ngày xưa từ đôi quang gánh sờn vai áo mỏng, chiếc mâm gỗ mộc mạc đến xe lòng, đến cái đó, cái nơm, chiếc xe đạp "chống sét" cũng chất chứa nhiều hoài niệm... Cả một thời kỳ hiện ra không ồn ào, không huy hoàng chỉ bình dị, mộc mạc mà sâu sắc đến từng chi tiết.
Ở đây không ai vội. Người ta ăn chậm, nói chuyện nhỏ nhẹ, như thể sợ làm động đến ký ức. Có đứa trẻ vừa ăn vừa ngây thơ hỏi “Sao ngày xưa người ta phải ăn cơm với sắn vậy mẹ?”
Rời quán, tôi vẫn còn nghe vương trong lòng cái vị chan chát của dưa muối, cái cay nồng của tiêu đen cuốn trong miếng chân giò hấp, và cái cảm giác no mà không nặng. No trong bụng và ấm trong lòng.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một đoạn ký ức gắn với bữa cơm gia đình, nơi không chỉ là nơi ăn, mà là nơi gìn giữ yêu thương, chia sẻ khó khăn, và truyền lại những giá trị sâu xa. Bữa cơm bao cấp ở quán ăn nhỏ Làng Đông không chỉ là bữa ăn, mà là một hành trình trở về để hiểu hơn về ông bà, cha mẹ, về những tháng ngày thiếu thốn nhưng đầy yêu thương và hy vọng.
Quán cơm ấy không chỉ bán đồ ăn mà bán cả một thời tuổi thơ, một thời đã xa. Giữa nhịp sống vội vã hôm nay, những khoảng lặng như thế để nhớ, để thương là nơi nhiều người muốn tìm về.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/an-com-bao-cap-nho-thoi-ong-ba-1382ebe/
Bình luận (0)