Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ẩn số chất lượng cao trong trường đại học: Trả lại tên cho chương trình đào tạo

TP - Việc nhập nhèm tên gọi chất lượng cao (CLC) khiến phụ huynh, thí sinh nhầm tưởng chất lượng đào tạo những chương trình này cao hơn chương trình chuẩn.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong31/03/2025

Dịch vụ giá cao

Cách đây không lâu, cuộc tranh luận giữa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM, và TS Phạm Như Nghệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, về tên gọi chương trình CLC thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ GD&ĐT dự kiến yêu cầu điểm chuẩn chương trình CLC ít nhất phải bằng chương trình đại trà.

Khi đó, ông Nghệ phát biểu làm sao gọi là chương trình CLC được khi thi chương trình thường thì không trúng tuyển nhưng thi vào chương trình CLC lại trúng tuyển? Ông Dũng tranh luận lại khá gay gắt với ông Nghệ. Ông Dũng cho rằng, nếu ông quảng cáo chương trình của trường là “chương trình dịch vụ CLC” cũng sẽ có nhiều thí sinh đăng kí vào học. Vì với điều kiện đảm bảo CLC như vậy, máy lạnh, giảng viên giỏi, chương trình đào tạo nước ngoài, dạy bằng tiếng Anh, sĩ số lớp ít... thì cho dù điểm đầu vào thấp hơn, sau 4 năm, số sinh viên ra trường của chương trình này sẽ có chất lượng tốt hơn sinh viên chương trình bình thường.

Sinh viên học chương trình đại trà ra trường có tỉ lệ 86% có việc làm nhưng 100% sinh viên chương trình CLC ra trường có việc làm. Vậy đây không phải là CLC thì là gì?

Ẩn số chất lượng cao trong trường đại học: Trả lại tên cho chương trình đào tạo ảnh 1

Những thủ khoa nghèo vượt khó nhận học bổng Nâng bước thủ khoa của báo Tiền Phong. Ảnh: NHƯ Ý

Bàn đến nội dung này, lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, hiện nay các chương trình đào tạo đều có chuẩn đầu ra. Tại sao chương trình CLC có điểm đầu vào thấp hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đầu ra? Vì các lớp CLC phải dành nguồn lực nhiều để có quá trình nhiều hơn so với lớp đại trà. Ghi nhận thực tế những năm qua, một số cơ sở giáo dục ĐH lấy điểm chuẩn chương trình CLC không cao bằng chương trình chuẩn. Thậm chí có trường còn cho phép sinh viên đã trúng tuyển vào bất kì chương trình nào của trường, sau đó tham gia thêm kì thi do trường tổ chức để xét vào chương trình CLC. Với hình thức này, có thể ban đầu sinh viên không trúng tuyển vào ngành mong muốn vì điểm đạt được thấp hơn điểm chuẩn, nhưng qua kì thi của trường, lại trúng tuyển.

Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT cách đây vài năm, chương trình này cũng chỉ khác chương trình không cao ở việc học phí thu cao hơn (có trường gấp 3 lần), tăng cường tiếng Anh và chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn, lớp học ít sinh viên và trang thiết bị hiện đại cộng máy lạnh; nhưng đầu vào lại thấp hơn...

Như vậy, không thể gọi là CLC mà chỉ là dịch vụ cao hơn, có máy lạnh, giảng viên được tuyển chọn hơn. Chưa kể, chương trình CLC đã và đang sinh ra những mô hình trường tư trong trường công không giống ai - khi một trường công lập có hai chương trình với hai mức học phí khác nhau, tạo ra sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc từ trên ghế giảng đường. Một sinh viên ra trường đi làm, sẽ được xã hội xác lập thêm tên gọi loại hình họ được đào tạo là CLC hay thấp, thay vì theo danh tính và trí tuệ.

Cần có trần học phí

TS Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm việc tại Đức, cho biết, những trường ĐH lớn ông từng học, làm việc ở Hà Lan, Bỉ, Đức không có các chương trình chuyên biệt như Việt Nam. Theo hệ thống tín chỉ, sinh viên của trường được chọn học các môn tự do như nhau, nên học phí được đối xử bình đẳng.

Ông Đăng cho hay, giáo dục ĐH ở châu Âu có tính đồng nhất khá cao, tạo thuận lợi cho sinh viên có thể xin sang học một vài học kì trao đổi ở trường khác, nước khác. Các trường không xây dựng hệ đào tạo riêng. TS Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia cao cấp Sinh Y, Bệnh viện ĐH Aalborg (Aalborg, Đan Mạch), khẳng định, tại Đan Mạch, sinh viên trong nước được miễn học phí học ĐH.

TS Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường ĐH Thành Đô, cho rằng, cần có phương án áp trần học phí với các chương trình đào tạo trong trường ĐH công lập tại Việt Nam.

Ông Hiệp nhận định, Nhà nước phải có quyền kiểm soát trường công. Một trong những hình thức kiểm soát này là chặn trần học phí. Với thực trạng những ngành được kiểm định, CLC, tiếng Anh, tiên tiến…, cơ sở giáo dục được phép tự xác định học phí dựa trên định mức kĩ thuật.

Theo ông Hiệp, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới sinh viên nội địa (sinh viên trong nước) không được chặn trần học phí. Những nước theo kinh tế thị trường điển hình như Mỹ, sinh viên trong nội bang khi vào học trường ĐH sở tại đều có chặn trần học phí. Đây là nguyên lí bất di bất dịch của trường ĐH công lập.

“Chi phí đào tạo cần được chi trả bởi phần nào đó bởi Nhà nước. Trường ĐH tự chủ tại Việt Nam bị cắt chi thường xuyên, sinh viên của những trường này gánh học phí cao phải nhận được những đặc quyền như học bổng riêng, quỹ tín dụng riêng. Điều này có nghĩa là trước tự chủ, tài chính đầu tư cho trường, sau tự chủ, nguồn kinh phí này đầu tư trực tiếp cho người học”, ông Hiệp nói.

Theo ông, hiện nay, Việt Nam thực hiện nửa chừng, học phí cao nhưng hỗ trợ người học chưa đáng kể. Ông Hiệp khẳng định lại một lần nữa quan điểm là các chương trình CLC phải có trần học phí, không tháo khoán như hiện nay vì nếu không trường công thành trường tư. Mức chặn trần gấp 2, gấp 3 hay thậm chí gấp 5, dựa vào tính toán định mức kĩ thuật.

Tình trạng để các trường công tự xác định học phí được ông Hiệp cảnh báo dẫn đến 2 hậu quả: trường công thành trường tư và trường tư không phát triển được vì trường công vẫn có thương hiệu. Ông Hiệp lấy ví dụ cụ thể tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi ông làm nghiên cứu sinh, trường ĐH cũng có nhiều loại hình chương trình đào tạo. Nhưng những dao động lớn về học phí dành cho sinh viên quốc tế, còn sinh viên nội địa, học phí luôn được khống chế ở mức độ người dân chi trả được.

Công thức của Đài Loan (Trung Quốc) là căn cứ vào 20% người dân nghèo nhất để tính học phí, các gia đình có thu nhập trung bình thấp vẫn có thể cố cho con học ĐH.

TS Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường ĐH Thành Đô, cho rằng, cần có phương án áp trần học phí với các chương trình đào tạo trong trường ĐH công lập tại Việt Nam. Ông Hiệp khẳng định, Nhà nước phải có quyền kiểm soát trường công.

Các nước trên thế giới có hệ này hệ khác nhưng liên quan đến nội dung đào tạo, ví dụ một số nước không nói tiếng Anh có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, vừa nâng cao trình độ cho sinh viên nội địa, vừa thu hút sinh viên quốc tế.

Ông Hiệp cho rằng, các chương trình CLC ở Việt Nam, mức học phí chỉ những gia đình từ khá trở lên mới đủ năng lực chi trả. Do đó dẫn đến vòng luẩn quẩn con em gia đình không có kinh tế khó có cơ hội tiếp cận trường tốt, chương trình tốt kể cả khi đủ năng lực để học. Học phí vô tình trở thành rào cản.

Bẫy chất lượng trung bình

Tại hội nghị Giáo dục ĐH năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, muốn tăng chất lượng đào tạo thì phải tăng tổng chi kinh phí cho giáo dục ĐH, bởi mức chi hiện nay còn quá thấp so với yêu cầu. Theo ông Sơn, phải tăng chi phí đầu tư giáo dục ĐH, cần tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

Hiện nay, chi phí chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ giảng viên chiếm khoảng 50% tổng chi đào tạo. Nếu mức thu nhập của giảng viên không có sức cạnh tranh so với khu vực doanh nghiệp, với các nước trên thế giới thì khó có thể giữ chân được giảng viên giỏi.

Nhiều lần, tại các hội thảo, hội nghị về giáo dục ĐH, ông Sơn luôn khẳng định tự chủ ĐH đã phát huy hiệu quả nhưng đã đến giới hạn. Giáo dục ĐH chưa thể có bước chuyển biến mạnh nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính đột phá. Đó chính là cái bẫy chất lượng trung bình của giáo dục ĐH, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của giáo dục ĐH.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT), cho rằng, ba vấn đề lớn về tài chính mà hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đang đối mặt là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính.

Ông Vinh nêu ba thách thức lớn về tài chính trong giáo dục ĐH hiện nay là các trường thiếu kinh phí trầm trọng, mức học phí cho các trường công rất thấp, các nguồn thu khác từ dịch vụ, dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp.

Theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tăng đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH từ 0,23% lên ít nhất 0,8-1% GDP trước năm 2030.

Nguồn: https://tienphong.vn/an-so-chat-luong-cao-trong-truong-dai-hoc-tra-lai-ten-cho-chuong-trinh-dao-tao-post1729586.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm