Trận lụt Giáp Thìn năm 1964 lịch sử và bi thương, ngôi làng vùng trũng thấp, nằm bên dòng sông Tranh, đem phù sa bồi đắp, màu mỡ … bỗng tan hoang. Chỉ trong một đêm của tháng Mười, mà ngôi nhà của ngoại đầm ấm, đông vui, bỗng chốc trôi hết ra biển cả…
Cũng năm đó, má trốn nhà đi bộ đội. Cùng đơn vị đi chiến đấu khắp các nơi ác liệt như Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh, Tiên Hà, Tiên Cảnh…
Cô gái 20 tuổi đứng vào hàng ngũ của Đảng, giơ tay xin thề “Trung thành với lý tưởng của Đảng”. Trong một trận giao tranh, đơn vị trúng bom, hy sinh gần hết, bà sống sót, nhưng bị thương rất nặng. Bom vùi cả người, đôi tai không nghe được gì, hàm răng trắng muốt, đều đặn như hạt bắp cũng không còn nữa…
Khi tỉnh dậy, bà thấy mình ở bến Giằng, bà và bao thương binh nặng men theo sườn núi Tây Trường Sơn để đi Bắc chữa bệnh. Vượt gần tháng trời, trên chuyến xe gập ghềnh, đầy lá ngụy trang, bom rơi, đạn nổ, có những người phải nằm lại bên đường, bà đã được sống.
Khi thấy má tôi ngồi trên xe lăn ở trại thương binh nặng Gia Viễn, ba tôi lại bắt chuyện, lúc ấy bà đã nghe tiếng được, tiếng mất, nghe giọng Quảng mừng rơi nước mắt. Từ trại thương binh đó mà tìm được đồng hương, rồi nên vợ, nên chồng.
Giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, 12 ngày đêm cuối năm 1972, bụng mang dạ chửa, một mình về vùng di tản, sinh con gái đầu lòng trong căn hầm trú ẩn. Nhưng vui vì thấy con tròn trịa, bởi hai vợ chồng đều hứng chịu những trận rải thảm chất độc hóa học và vết thương chằng chịt trên cơ thể.
Thống nhất đất nước, trở về quê, mới biết cha mẹ không còn nữa, ân hận, day dứt bóp nghẹt trái tim bà. Bởi từng đó năm đi bộ đội, gái út của cha mẹ chưa một lần về thăm nhà, không đội khăn tang công sinh thành, dưỡng dục…
Chồng bộ đội, đi biền biệt, một mình sinh con, một mình bà nuôi dạy. Bàn tay cầm súng, cầm viết, rồi chính bàn tay đó cầm cuốc vỡ đất khai hoang…
Bỏ mặc chuyện làm bà nọ, bà kia, mặc cả từng đồng để nuôi dạy 5 tàu há mồm, mà đứa con trai duy nhất lại nhiễm chất độc da cam, một năm thì hết 10 tháng nằm viện, dù người có lệch qua một bên, bàn tay dù co quắp, nói không tròn chữ nhưng cuối cùng, em tôi cũng gọi được tiếng "Má ơi!".
Rồi bàn tay đó thay đôi mắt! Khi vết thương tái phát, những cơn đau đầu dữ dội, đôi mắt má chìm trong bóng tối! Bàn tay nhăn nheo ấy, lại cảm nhận mọi thứ, tự mò mẫm trong “đêm tối” mịt mù.
Bàn tay nhăn nheo, rà vặn volum radio, những giai điệu hào hùng 50 năm thống nhất đất nước. Từ đôi mắt đục ngầu của má, rịn ra đôi dòng nước. Chắc má nhớ thời xẻ dọc Trường Sơn…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/anh-sang-tu-ban-tay-3153198.html
Bình luận (0)