Ở một góc rất khác của Hà Nội - nơi không có sân khấu rực rỡ, không có tiếng tung hô hay ánh hào quang, có một nhóm sinh viên lặng thầm khoác lên mình màu áo xanh, tay cầm chiếc loa, vai đeo ba lô, miệt mài băng qua những con ngõ, trèo đèo lội suối đến với đồng bào vùng cao, gõ cửa từng mái nhà để phát cháo khuya cho bệnh nhân nghèo… Họ là những thành viên Đội Tình nguyện xung kích (TNXK) Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chọn cho mình một tuổi trẻ rất khác: Một tuổi trẻ đầy những vết xước nhưng rực rỡ nhân hậu, một tuổi trẻ không chỉ sống cho mình, mà sống vì người khác.
Hành trình hai thập kỷ của những trái tim không mỏi
Thành lập từ năm 2004, Đội TNXK không đơn thuần là một câu lạc bộ sinh viên. Đó là một mái nhà - nơi nuôi dưỡng lý tưởng sống tử tế, trách nhiệm với cộng đồng và khát vọng phụng sự. Trải qua hơn 20 năm, hàng nghìn sinh viên đã đi qua nơi đây, mang theo trong mình ngọn lửa của lòng trắc ẩn và để lại dấu chân trên khắp những miền đất khó: Từ bản làng heo hút ở Mù Cang Chải, Si Ma Cai, đến những xóm nghèo giữa lòng Thủ đô.
Những bước chân của các thành viên Đội TNXK Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã in dấu trên rất nhiều mảnh đất của Tổ quốc. Ảnh: NVCC |
Có thể ai đó cho rằng, hoạt động tình nguyện chỉ là một “trải nghiệm tuổi trẻ”. Nhưng với thanh niên xung kích, đó là lựa chọn sống một lời nguyện thầm lặng rằng: “Tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của người khác.”
Những người trẻ chọn bước chậm lại để yêu thương
Mai Quỳnh Anh, cô gái nhỏ đến từ Hòa Bình, sinh viên năm cuối, hiện là đội trưởng Đội TNXK đã đi trọn hành trình thanh xuân đầy những cung bậc cảm xúc. Từ một cô gái nhút nhát ngày đầu bước vào học viện, Quỳnh Anh đã lặng lẽ học cách trưởng thành qua từng chuyến đi, từng lần thất bại, từng lần rơi nước mắt trong hậu trường một chương trình thiện nguyện.
Nhưng chính ở nơi tưởng như đơn sơ nhất - giữa đêm đông giá lạnh của bản cao Tây Bắc, khi nhìn những đứa trẻ mặt mũi lem luốc run lên vì lạnh nhận chiếc áo ấm đầu tiên trong đời, Quỳnh Anh đã hiểu vì sao mình cần tiếp tục. Và trong vô vàn áp lực khi điều hành chương trình “Hơi ấm mùa đông 2024”, với hơn 50 - 60 người tham gia, lo từng suất ăn, chỗ nghỉ, xe cộ, tài trợ, truyền thông… cô vẫn đứng vững, bởi “ở đâu có tình thương, ở đó có cách.”
Sinh viên Mai Quỳnh Anh (22 tuổi, Hòa Bình) là đội trưởng Đội TNXK, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC |
Trong mắt đồng đội, Quỳnh Anh không chỉ là một người lãnh đạo mà còn là người chị, người bạn, người giữ lửa cho cả tập thể. Cô không hét to khẩu hiệu, không cần danh hiệu nào, chỉ chọn hành động và sống tử tế mỗi ngày.
Những việc làm không cần huy hiệu
Đối với chàng trai sinh viên sinh năm 2003, Đội TNXK đã trở thành "ngôi nhà thứ hai" của Mã Thành Đạt. Với cậu, từng chương trình, từng chuyến đi không chỉ là hoạt động, mà là những kỷ niệm khắc sâu vào tâm hồn. Hồi tưởng lại, chuyến đi đầu tiên đồng hành với Đội TNXK đưa Thành Đạt đến với xã Vân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An - một vùng quê xa lắc nhưng để lại dấu ấn rất gần trong tim.
Lần đầu tiên xa Hà Nội để đến một nơi không có ánh đèn thành phố, không có sóng wi-fi, chẳng có tiện nghi… nhưng lại có một điều khiến cậu thanh niên 22 tuổi không thể nào quên: Những người bạn cùng ăn, cùng ngủ, cùng giặt đồ, cùng cười và cùng sẻ chia từng miếng cơm và từng kỷ niệm nhỏ nhất.
Mã Thành Đạt - sinh viên năm 4 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thành viên của Đội TNXK. Ảnh: NVCC |
Có một mùa tình nguyện không thể nào quên - cả đội nằm san sát trên nền gạch sảnh UBND xã Hương Cần giữa trưa nắng như rang, mồ hôi đẫm lưng áo; đêm xuống co ro trong cái rét mưa bão, cột điện gãy đổ. Không chăn ấm, không giường êm, chỉ có vòng tay nhau mà chịu đựng. Nhưng cũng chính từ đó, Đạt hiểu: Nơi tình đồng đội được rèn trong gian khó, nơi ước mơ lan toả yêu thương nhen lên từ ánh mắt, cậu bé vùng cao ôm món quà mới, giọt nước mắt cụ già nghèo cầm hộp bánh nhỏ chính là nơi gọi tên "gia đình".
Giữa những gian khó và giản đơn ấy, Đạt chợt hiểu: Không cần huy hiệu hay danh xưng, đây chính là “gia đình” mà cậu sẽ gắn bó, là nơi mà sự tử tế không phải để kể công, mà để cùng nhau lớn lên.
Lặng thầm, nhưng không vô danh
Trong thế giới ngày càng bận rộn và lạnh lùng, Quỳnh Anh và Thành Đạt đã chọn sống chậm lại để thấu cảm, để chạm vào những mảnh đời khác và để không lãng phí trái tim biết rung động. Họ đã học được bài học lớn nhất mà trường đời không giảng dạy: Yêu thương là một dạng sức mạnh.
Có những điều tốt đẹp không cần được biết đến, nhưng vẫn đủ mạnh để làm thay đổi một đời người. Thanh niên xung kích không cần ống kính ghi lại những khoảnh khắc xúc động, họ cũng chẳng cần đứng trước ánh đèn để kể về những gì mình đã làm. Họ chỉ âm thầm bước đi, như dòng nước ngầm nuôi dưỡng mạch nguồn tử tế trong lòng xã hội.
Ở nơi đó, người ta không hỏi nhau “được gì” khi đi làm thiện nguyện. Họ chỉ hỏi: “Liệu hôm nay mình đã làm ai đó thấy ấm lòng chưa?”
Có những ngọn lửa không cần đến những mồi đốt rực rỡ, chúng âm ỉ cháy, lặng lẽ và dai dẳng, để rồi đến một ngày bừng lên thành ánh sáng. Đội Tình nguyện xung kích của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính là một ngọn lửa như thế - một ngọn lửa được thắp lên từ năm 2004, bởi những người trẻ không ngại dấn thân, không sợ gian khó, chỉ có một khát vọng giản dị: Được sống trọn với thanh xuân và được trao đi điều tử tế. Nếu mỗi người trẻ đều mang trong mình một ngọn đèn, thì tình nguyện xung kích chính là những người chọn bước vào đêm tối, không phải để soi sáng chính mình, mà để tìm đến nơi nào đang cần ánh sáng. Họ không hô khẩu hiệu, không sống ồn ào, nhưng trong những việc nhỏ bé và tử tế họ làm mỗi ngày, có thể thấy một phần tương lai đất nước - một tương lai nhân văn, biết sẻ chia, biết yêu thương và sống không vô nghĩa. |
Nguồn: https://congthuong.vn/ao-xanh-tinh-nguyen-lang-tham-lan-toa-yeu-thuong-384069.html
Bình luận (0)