Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Bà mụ" 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ

(Dân trí) - Mỗi lần đi qua những dốc núi dựng đứng, đỡ đẻ trong đêm sương giá, y sĩ Thanh lại tự động viên mình: "Nếu mình cũng bỏ cuộc, làm sao mong bà con thay đổi?".

Báo Dân tríBáo Dân trí19/05/2025


Vừa nhận công tác tại Trạm Y tế xã Mù Sang (Phong Thổ, Lai Châu) được 3 ngày, y sĩ Lò Thị Thanh (46 tuổi, quê Điện Biên) đã vào bản đỡ đẻ. Đó là một ca sinh nguy cấp, sản phụ bị rau cầm tù.

"Đường đi khi ấy còn chưa đổ bê tông, chỉ toàn dốc dựng đứng, trơn trượt. Người nhà phải đi xe máy ra đón", y sĩ Thanh nhớ như in những hình ảnh từ năm 2007.

Xe cứ trượt xuống dốc như rơi thẳng vào vực. Đến nơi, y sĩ Thanh thở hắt ra, run giọng thốt lên: "Mẹ ơi, con sống rồi".

Ở xã Mù Sang, nhiều phụ nữ vẫn chọn sinh tại nhà. Với họ, sinh nở là việc của phụ nữ với nhau, là chuyện ở trong nhà, không cần đến cán bộ. Họ tin sinh ở nơi mẹ mình từng sinh, thì con mình cũng sẽ bình an ra đời.

Nhờ sự kiên trì của y sĩ Thanh, tư duy ấy đang dần thay đổi. Những sản phụ từng e dè chiếc áo blouse trắng nay đã chủ động gọi "cô Thanh ơi, em đau bụng rồi". Những người chồng từng nghĩ sinh nở là chuyện của đàn bà nay cũng lặng lẽ ngồi bên ngoài trạm xá, chờ vợ vượt cạn.

"Nếu mình cũng bỏ cuộc, thì làm sao mong bà con thay đổi?", câu hỏi ấy - suốt 18 năm qua - luôn là điều giữ chân người phụ nữ ở lại với mảnh đất vùng cao này.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 1

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 3

"Thi thoảng có người nhà lại chạy sang gọi tôi: Cô ơi, sang bản Sin Chải có người chuyển dạ rồi", y sĩ Lò Thị Thanh bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng mộc mạc.

Hơn 20 năm trước, Thanh tốt nghiệp y sĩ sản khoa tại Điện Biên. Sau đó, y sĩ Thanh nhận công tác tại Trạm Y tế xã Mù Sang.

Lúc đó cô mới đôi mươi, còn rụt rè, lạ nước lạ cái. "Người dân nhìn tôi trẻ quá, nhiều người bảo: Chưa đẻ thì đỡ sao được?", y sĩ Thanh nhớ lại.

Từ trung tâm xã Mù Sang tới bản xa nhất phải mất 15 cây số, vượt qua những con dốc đá trơn như đổ mỡ, chưa kể mùa mưa lũ trắc trở. Chuyến đi nhiều khi không chỉ là vượt địa hình, mà là cuộc chạy đua sinh tử giữa sự sống và cái chết.

Xã Mù Sang cách trung tâm huyện gần 40 km, 99% người dân là người dân tộc thiểu số.

Nơi đây, sinh con tại nhà từng là chuyện thường ngày như việc nhóm bếp nấu cơm. Không bác sĩ, không hộ sinh, không thuốc men hay thiết bị y tế. Chỉ có một căn nhà gỗ lợp tạm, một tấm ván làm giường và một người thân đứng bên - thường là mẹ chồng, chị gái.

Bà Ma Thị Mỷ, năm nay đã 85 tuổi, sống tại bản Hán Sung, kể: "Tôi đẻ 10 đứa, đứa nào cũng tự sinh ở nhà, không đi trạm, không ai tư vấn. Thời đó không biết bác sĩ là gì, cũng không đi thầy cúng. Có người may mắn, nhưng cũng nhiều người mất con, có người mất cả mẹ lẫn con".

Giọng bà Mỷ chùng xuống: "Chỉ biết là chửa thì cứ ăn uống theo phong tục, có gì ăn nấy. Khó khăn lắm".

Sự thiếu vắng thông tin, cộng với niềm tin văn hóa ăn sâu vào máu thịt, từng khiến chuyện sinh nở ở vùng cao thành một hành trình cô độc và nguy hiểm.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 5

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 7

 Hủ tục và sự thiếu hiểu biết ăn sâu vào tiềm thức khiến việc tiếp cận y tế từng có một quãng thời gian dài trở thành điều gì đó xa lạ, thậm chí… đáng sợ.

Làm cô đỡ ở Mù Sang không chỉ là chuyện chuyên môn. Đó là chuyện gõ cửa từng nếp nhà, tìm cách bước qua ranh giới.

Suốt hành trình ấy, có những ca sinh vẫn hằn nguyên trong tâm trí của nữ y sĩ như vừa mới hôm qua. Một trong số đó là người mẹ có tới 4 lần "vượt cạn" mà cô đặc biệt nhớ.

Lần mang thai thứ 3 của người phụ nữ, y sĩ Thanh không chỉ khám thai định kỳ mà còn liên tục gọi điện hỏi han: "Hôm nay cấy ruộng à? Có thấy bụng gò không?".

Nếu nhà không có điện thoại, cô lại lội đường xa đến tận nơi, chỉ để thêm một lần nhắc: "Có dấu hiệu gì lạ là đi trạm ngay".

Vậy mà đêm ấy, lúc 2h, người chồng hớt hải phi xe đến báo: "Chị ơi, vợ em đẻ được 30 phút rồi".

Nữ cán bộ chết lặng. Buổi sáng cô còn vào dặn dò kỹ lưỡng nếu có chuyển biến, phải đến trạm ngay.

"Họ bảo đường khó đi, không thể đưa vợ đi được", y sĩ Thanh nhớ lại. Đó cũng là điều khiến nữ y sĩ trăn trở mãi, dù đã căn dặn cẩn thận, nhưng Mù Sang đâu phải nơi dễ đi, dễ đến.

Sản phụ bị rau cầm tù - một biến chứng sản khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp có thể mất máu cấp, dẫn đến tử vong. May mắn, y sĩ Thanh có mặt kịp thời.

Những ngày sau đó, y sĩ Thanh vẫn đến thăm, kiểm tra sản phụ có bị sốt hay biến chứng hậu sản không.

"Người ta không tới với mình, thì mình tới với người ta vậy", nữ y sĩ nơi biên cương kể lại, "Ở đây, người dân bản hay phật ý lắm. Mình chỉ dám bảo hai vợ chồng em thấy không, may mà cái này còn dễ. Chứ mà khó, thì phải đi xuống huyện hoặc bắt buộc phải đi tỉnh".

Theo nữ y sĩ, đêm ấy, nếu không kịp thời đến, sản phụ có thể đã phải chuyển thẳng xuống trung tâm y tế huyện Phong Thổ. Khi đó, không còn lựa chọn nào khác ngoài mổ.

Mà với bà con vùng cao, mổ vẫn là điều gì đó rất xa lạ và đáng sợ.

Rồi cũng chính gia đình ấy, đến lần sinh thứ tư, lại tìm đến cô. Nhưng lần này là sự chủ động, không cần phải thuyết phục.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 9

"Họ gọi tôi khi bắt đầu đau bụng. Tôi bảo: Đến trạm đi, mình đỡ cho. Và họ đến thật. Lúc ấy, tôi vui lắm. Tự nhiên thấy việc mình làm có ý nghĩa", y sĩ Thanh cười kể.

Niềm vui ấy không đến trong ngày một ngày hai.

Những ngày đầu mới về nhận công tác ở Mù Sang, y sĩ Thanh như đứng trước một bức tường vô hình. Không phải là những con dốc dựng đứng, không phải là những đêm trở dạ giữa mưa gió, mà là thứ rào cản khó chạm tới nhất: ngôn ngữ.

Người dân nói tiếng Mông, cô lại là người Thái, mỗi lần đến bản, y sĩ Thanh như người lạc giữa một thế giới xa lạ. Không hiểu dân nói gì, càng không biết phải giãi bày thế nào cho họ tin, cho họ hiểu.

Nhưng rồi, "blouse trắng" này bắt đầu tự học. Không sách vở, bài học của cô là từng câu chuyện bên bếp lửa, từng lần theo chân người dân đi chợ, đi nương.

Gặp cây ven đường, cô hỏi: "Cây này tiếng Mông gọi là gì?".

Nghe phụ nữ than đau, cô lắng nghe từng từ, từng nét mặt để đoán, để học. Nữ y sĩ học tên cây rau, học cách mô tả cơn đau bụng bằng tiếng Mông, học cả những cách nói vừa đủ nhẹ nhàng để không làm bà con xấu hổ, không khiến họ e dè.

"Nếu mình không hiểu tiếng của họ, làm sao hiểu được nỗi sợ, nỗi lo họ đang mang?", y sĩ Thanh nói.

Theo người phụ nữ này, làm dân vận không chỉ cần chuyên môn. Phải có tình thương. Và tình thương ấy, nhiều khi bắt đầu từ việc biết gọi tên một loại lá theo cách của người dân bản.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ lại có một thử thách khác, theo nữ y sĩ vùng biên ải này, là khó nhất: Hủ tục. Thứ rào cản không thấy được, nhưng ăn sâu trong từng nếp nghĩ, từng nhịp sống nơi bản cao.

"Người Mông vốn có những kiêng kỵ bám rễ từ bao đời. Họ tin rằng phụ nữ khi sinh nở là điều thiêng liêng và riêng tư tuyệt đối, "không ai được chạm vào", "không ai được nhìn thấy". Người duy nhất có thể nhìn thấy là người chồng", y sĩ Thanh kể.

Thế nên, bao đời nay, những bà mẹ vùng cao đã quen sinh con một mình trong căn nhà lạnh, cắt dây rốn bằng dao, bằng liềm.

Vì thế, chuyện khám thai, khám phụ khoa vốn là điều gì đó vừa xa lạ, vừa ngại ngùng. "Nhiều sản phụ tới khám chỉ dám rụt rè hỏi nhỏ: Chị Thanh có ở đây không?", nữ y sĩ kể.

Ở trạm huyện, bác sĩ giỏi đến mấy mà không quen mặt, họ cũng lặng lẽ quay đi. Chỉ có cô Thanh - người phụ nữ mà họ coi như người nhà mới đủ gần gũi để họ mở lòng. Bởi y sĩ Thanh không chỉ biết nghề y, mà còn hiểu từng nếp nhà, từng con đường mòn họ hay đi.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 11

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 13

Cuộc sống như một bức tranh, không chỉ có những gam màu sáng. Đã không ít lần, y sĩ Thanh muốn gói ghém tất cả để trở về quê.

Những lần "đánh cược" đi cùng chiếc cáng của sản phụ qua đoạn dốc dựng đứng, vừa sợ vừa mệt, cô từng nghĩ: Hay là thôi...

Ở trên này, chồng nữ y sĩ là giáo viên, nhưng 2 con vẫn ở quê cùng ông bà. Độ 2-3 tháng mới được về nhà một lần.

Đã có lần, chồng cô khuyên: "Em cứ đâm đầu vào làm gì? Nửa đêm đang ngủ lại vùng dậy đi. Có ai tuyên dương gì em đâu?".

Nhớ lại những lần đấu tranh tâm lý với chính mình, y sĩ Thanh bỗng lặng đi một lúc.

"Lúc đó, khi chồng khuyên, khi nhớ lại những lần tưởng mình không gắng nổi nữa. Điều gì khiến cô vẫn ở lại nơi này suốt 18 năm qua?", phóng viên hỏi.

Y sĩ Thanh chậm rãi đáp, như nói với chính lòng mình: "Cuộc sống của họ là như vậy, lặng lẽ, thiếu thốn và chịu đựng. Nếu mình cũng từ bỏ, mình cũng quay lưng, thì mình khác gì họ đâu. Mình không thể mong họ thay đổi nếu chính mình không kiên trì đến cùng".

Người phụ nữ biết chồng thương, biết gia đình cần, nhưng vẫn không thể buông. Mỗi khi nhìn vào ánh mắt hoang mang của một sản phụ lần đầu sinh nở, hay bàn tay khẽ níu áo lúc đau bụng giữa đêm… cô lại không nỡ rời đi.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 15

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 17

Khó khăn vẫn còn: Địa bàn xa, nhà dân rải rác, đêm đi nguy hiểm, bất đồng ngôn ngữ, phong tục cản trở. Nhưng cũng có niềm tin mới: người trẻ giờ học hết lớp 9 đã khác, người phụ nữ dần mạnh dạn hơn và có những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh nhờ chính bàn tay y sĩ Thanh đỡ đẻ.

Giờ đây, gần 70% phụ nữ mang thai trong xã đã biết đi khám thai định kỳ.

Những khái niệm từng xa lạ như "siêu âm", "viên sắt", "khám thai ba tháng đầu" đã dần trở nên thân quen, được nhắc đến trong những cuộc trò chuyện nơi góc bếp, đầu ngõ. Từ ngày y sĩ Thanh về trạm, Mù Sang chưa từng có ca sản phụ tử vong nào.

Không chỉ là người khám thai, đỡ đẻ, nữ y sĩ còn đều đặn tổ chức các buổi trò chuyện ở nhà văn hóa bản. Nơi người dân vùng biên cương vẫn gọi bằng cái tên thân quen: "Buổi tuyên truyền của cô Thanh".

Ở đó, y sĩ Thanh nói về dinh dưỡng cho bà bầu, dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ, về chuyện chăm con sơ sinh sao cho sạch sẽ. Ban đầu, nhiều người mẹ chỉ đến cho có. Nhưng rồi, họ bắt đầu hỏi, bắt đầu lắng nghe.

Và đáng mừng, là những người đàn ông - những người từng coi chuyện sinh nở là việc riêng của đàn bà, giờ cũng đã khác.

Anh Ma A Phứ (35 tuổi) sinh sống ở bản Sin Chải là một trong số đó. Năm 2010, vợ anh "vượt cạn" an toàn tại trạm xá, nhờ sự kiên trì thuyết phục của y sĩ Thanh.

15 năm sau, khi tin vui bất ngờ gõ cửa lần nữa, vợ chồng anh không chút đắn đo: "Lần này cũng như lần trước, trăm sự lại nhờ chị Thanh", anh Phứ chia sẻ.

Từ đó đến nay, buổi tuyên truyền nào cũng thấy bóng dáng anh Phứ ngồi nghe. "Nhiều khi anh em trong bản bận việc không đi được, về hỏi: Hôm nay chị Thanh tuyên truyền những gì?", anh Phứ kể lại.

"Khi đàn ông bắt đầu quan tâm đến việc sinh nở, tôi biết là đã có hy vọng rồi", y sĩ Thanh cười.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 19

Từng dè dặt và sợ sệt, vợ chồng anh Giàng A Lùng (22 tuổi) sống ở bản Sin Chải cũng dần đổi thay. Đứa đầu, vợ anh sinh ở nhà vì ông bà mình ngày xưa cũng thế.

"Vì là đứa đầu nên vợ chồng tôi rất lo lắng nhưng thời trước bố mẹ và ông bà vẫn tự đẻ ở nhà nên tới lượt vợ chồng tôi cũng chọn sinh ở nhà giống các cụ", anh Lùng chia sẻ.

Anh Lùng thừa nhận: "Đẻ ở nhà rất mất vệ sinh, nhưng do hồi đó chưa được tuyên truyền nên nhiều gia đình không ra trạm y tế vì nghĩ sẽ mất nhiều tiền".

Đôi khi, thay đổi bắt đầu từ hình ảnh một người mẹ lần đầu được nghe nhịp tim con qua máy nghe tim thai, một đứa trẻ chào đời trên chiếc giường sạch sẽ, có y bác sĩ ở bên.

Những điều tưởng như bé mọn ấy, nhưng ở Mù Sang, là cả một hành trình vượt rừng, vượt núi, vượt định kiến.

Dù vậy, không phải bản nào cũng đã bước qua hết lằn ranh cũ. Ở một số nơi, tảo hôn và sinh con sớm vẫn diễn ra như một phần của nếp sống đã ăn sâu bao đời.

Em Giàng Thị Su (18 tuổi) sống ở bản Sin Chải là một trong những trường hợp như vậy. Su lấy chồng khi vừa học xong lớp 9, chỉ mới 16 tuổi.

May mắn, Su gặp y sĩ Thanh. Em được tư vấn, theo dõi thai kỳ và được đưa xuống trung tâm y tế huyện để sinh con. Những trường hợp như Su, y sĩ Thanh vẫn gặp không ít.

"Với nạn tảo hôn, dù đã tuyên truyền nhiều năm, nhưng vẫn chiếm tới 20%", ông Đào Hồng Nhật - Trưởng Trạm Y tế xã Mù Sang cho biết.

Theo ông Phàn A Chinh, Chủ tịch UBND xã Mù Sang, đây là một trong những vấn đề nan giải, dù đã được địa phương nỗ lực tuyên truyền, vận động suốt nhiều năm nay.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 21

Người dân bản gọi y sĩ Thanh là "bà mụ của Mù Sang".

18 năm không bỏ một cuộc gọi nào, không từ chối một ca sinh nào - y sĩ Lò Thị Thanh không chỉ là cô đỡ thôn bản, mà còn là người đỡ lấy niềm tin, đổi thay tư duy cho cả một thế hệ người đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi biên cương tổ quốc. 

Dẫu còn đó những điều chưa trọn vẹn, y sĩ Thanh vẫn tiếp tục công việc của mình, lặng lẽ và bền bỉ.

Giữa núi rừng Mù Sang, nơi cái sống và cái chết có thể chỉ cách nhau một đoạn đường dốc, có một người phụ nữ như thế đã chọn ở lại.

Bà mụ 18 năm bám bản: Không tin mình còn sống sau bao lần vượt đèo đỡ đẻ - 24

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tỷ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần mức trung bình quốc gia, dao động 100-150 ca tử vong trên 100.000 ca sinh sống.

Đặc biệt, phụ nữ dân tộc H'Mông có nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 7 lần so với dân tộc Kinh.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lai Châu về hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giai đoạn 2022-2024, tỷ suất tử vong mẹ tại khu vực dân tộc thiểu số ở địa phương này ở mức cao. 

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, việc thay đổi nhận thức bà con sẽ mất thời gian do phong tục lâu đời.

"Chúng ta còn hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ y tế để có thể đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho bà con dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sót trong việc rà soát, thăm khám và phát hiện sớm các dấu hiệu có thể dẫn đến tai biến sản khoa, tử vong mẹ", bà Loan cho biết.

Bà Loan nhấn mạnh rằng, cùng với ngân sách nhà nước, việc hợp tác quốc tế để tăng cường hỗ trợ thiết bị và nguồn lực tài chính cho các tỉnh miền núi khó khăn là một giải pháp quan trọng.

Dự án "Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Bộ Y tế phối hợp với UNFPA, MSD triển khai nhằm giảm tử vong mẹ ở khu vực dân tộc thiểu số. 

Tại xã Mù Sang (Phong Thổ, Lai Châu), dự án đã cải thiện tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế từ 24% (2022) lên 61% (2024) và tỷ lệ phụ nữ khám thai định kỳ từ 27,2% lên 41,7%.

Nội dung: Linh Chi, Minh Nhật

Ảnh: Linh Chi

Thiết kế: Huy Phạm

19/05/2025 - 04:44

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ba-mu-18-nam-bam-ban-khong-tin-minh-con-song-sau-bao-lan-vuot-deo-do-de-20250516122341750.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm