Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bắc Giang: Cần quản lý chặt chẽ các khoản thu từ lễ hội

Đó là đề nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bắc Giang tại buổi giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý thu, chi tài chính lễ hội; tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động ở một số di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (ngày 17.4)

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân20/04/2025

759 di tích được xếp hạng

Bắc Giang vùng đất địa linh nhân kiệt, mang đậm dấu ấn văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc xưa. Trong lĩnh vực di sản, Bắc Giang tự hào khi được kế thừa và gìn giữ khoảng 2.237 di tích lịch sử - văn hoá; trong đó, có 759 di tích được xếp hạng (gồm 6 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt với 38 điểm; 91 di tích cấp quốc gia và 630 di tích cấp tỉnh). Xét về quy mô di tích, Bắc Giang thuộc nhóm 3 tỉnh, thành phố có số lượng di tích nhiều nhất cả nước, thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố có số lượng di tích cấp quốc gia đặc biệt nhiều nhất trong cả nước và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng di tích cấp quốc gia.

20240307094613-15.jpg
Bắc Giang tự hào khi được kế thừa và gìn giữ khoảng 2.237 di tích lịch sử - văn hoá. Ảnh: Bảo Quyên

Không chỉ là vùng di sản đậm đặc với những di tích lịch sử văn hóa mà còn nổi tiếng với các lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hàng năm. Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 784 lễ hội. Nhiều lễ hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự như: Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024), Lễ hội chùa Bổ Đà, Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân (thị xã Việt Yên); Lễ hội Y Sơn, lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (huyện Hiệp Hòa); Lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên); Lễ hội Suối Mỡ (huyện Lục Nam); Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, Lễ hội chiến thắng Xương Giang (Thành phố Bắc Giang); Lễ hội Tiên Lục (huyện Lạng Giang); Lễ hội Tây Yên Tử, Lễ hội bơi chải An Châu (huyện Sơn Động)…

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra nhắc nhở thường xuyên, các di tích thực hiện nghiêm quản lý và sử dụng kinh phí công đức, các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống (cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội). Đây được coi là bước quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, ngăn chặn lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.

16m.jpg
Người dân đi lễ tại đền Suối Mỡ (Lục Nam), Ảnh: Bảo Quyên

Về bộ máy quản lý di tích, công tác thành lập Ban Quản lý di tích kiêm nhiệm đã được các địa phương quan tâm từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất và công khai trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Số tiền công đức, tài trợ được các địa phương sử dụng đúng mục đích, góp phần vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội; đóng góp cho các hoạt động cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2024, tổng số tiền thu từ hoạt động lễ hội đạt hơn 46,5 tỷ đồng, chi gần 32 tỷ đồng; tổng số tiền công đức, tài trợ cho di tích hơn 71,6 tỷ đồng, chi gần 60 tỷ đồng…

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích

Qua khảo sát một số di tích trên địa bàn thành phố Bắc Giang, các huyện: Tân Yên, Yên Thế, đồng thời nắm bắt báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên trong Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn chậm; cách thức quản lý, sử dụng tiền công đức và nguồn tài trợ, nhất là phần kinh phí còn dư sau khi tổ chức lễ hội còn hạn chế; hình thức xử lý đối với trường hợp ban quản lý di tích thực hiện chưa đúng quy định hoặc chưa làm hết trách nhiệm; việc phí thu vé xe ở lễ hội cao hơn so với quy định…

1.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại đền thờ Lương Văn Nắm. Ảnh: Bảo Quyên

Việc quản lý tại các điểm di tích hiện tại gặp nhiều khó khăn do người đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các cụ trong Ban hưng công, Ban chấp tác chủ yếu đã lớn tuổi, tham gia quản lý di tích đều không có nguồn hỗ trợ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế nên gặp khó khăn trong quản lý. Việc ghi chép, cập nhật nội dung thu, chi ở một số di tích chưa khoa học, do người được phân công nhiệm vụ theo dõi không có chuyên môn nghiệp vụ về công tác kế toán, chưa được hướng dẫn việc theo dõi thu, chi tài chính. Thành viên Ban quản lý di tích thường xuyên phải kiện toàn nên việc theo dõi thu chi tiền công đức cũng bị ảnh hưởng…

4-copy.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh tổ chức giám sát về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý thu, chi tài chính lễ hội; tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động ở một số di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Bảo Quyên

Kết luận giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng đề nghị các ngành địa phương cần tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương, ban quản lý hoặc người đại diện các cơ sở tôn giáo về các quy định liên quan đến công tác quản lý tài chính tổ chức lễ hội, tiền công đức, tài trợ cho di tích.

2-copy.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng kết luận giám sát. Ảnh: Bảo Quyên

Phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động của ban quản lý di tích; chỉ đạo các địa phương ban hành nội quy, quy chế cụ thể trong lĩnh vực này. Tham mưu UBND tỉnh có biện pháp phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức, cá nhân đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và di tích được xếp hạng để quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ bảo đảm công khai, minh bạch.

"Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức lễ hội, tránh phô trương lãng phí, mất an toàn; quản lý chặt chẽ các khoản thu từ lễ hội và sử dụng đúng mục đích. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời vi phạm. Các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích đã được xếp hạng", Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng yêu cầu.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/bac-giang-can-quan-ly-chat-che-cac-khoan-thu-tu-le-hoi-post410719.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm