Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bác sĩ của những bệnh nhân đặc biệt

Không phải khám sức khỏe, cũng không cần thiết làm xét nghiệm, những gì các y, bác sĩ của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa phải làm là "bắt mạch" bệnh nhân bằng những cuộc trò chuyện, thăm hỏi, kiểm tra tâm lý. Ngày qua ngày, những y, bác sĩ nơi đây vẫn thầm lặng với công việc của mình, với mục đích cuối cùng là đưa người bệnh ra khỏi thế giới "lúc tỉnh, lúc mê".

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa11/07/2025

Những y, bác sĩ đặc biệt

"Anh bị bệnh từ khi nào? - Thưa bác sĩ, từ năm 1996", "Giờ có còn nghe tiếng nói thì thầm nữa không - Dạ, hết rồi"... Những câu hỏi của bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Kỳ Quang - Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa được ông H.X.V (51 tuổi, xã Nam Ninh Hòa) trả lời rành mạch, rõ ràng. Nếu bình thường, nhìn vào, chắc khó ai biết được ông V. là một bệnh nhân tâm thần phân liệt đã điều trị lâu năm ở bệnh viện.

Nhân viên y tế 
hướng dẫn bệnh nhân chơi cờ.
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân chơi cờ.

Điều trị bệnh ở Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa từ những ngày đầu thành lập tới nay, ông V. đã quá quen thuộc với các y, bác sĩ nơi này vì thường xuyên ra vào viện. Thời gian đầu, ông V. thường bị ảo giác, tưởng tượng nghe được tiếng nói phát ra từ cánh tay của mình, rồi có nhiều hành động khác thường, nghe theo lời nói từ tưởng tượng đó. Nhờ tuân thủ điều trị, đến nay, bệnh tình của ông V. đã đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn phải sử dụng thuốc và đến viện thường xuyên. "Đây là một trong những bệnh nhân đặc biệt của chúng tôi, ông V. bị bệnh từ lúc trẻ, điều trị trong nhiều năm liền. Đến khi cha mẹ ông V. mất đi, giờ đây người chăm sóc ông V. là những người anh, chị, em. Rất may bệnh tình của bệnh nhân đến nay cũng đã đỡ hơn trước nên người nhà cũng yên tâm hơn phần nào" - bác sĩ Nguyễn Kỳ Quang chia sẻ.

Bác sĩ phân công nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân cho các nhân viên, điều dưỡng.
Bác sĩ phân công nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân cho các nhân viên, điều dưỡng.

Đưa chúng tôi đi xem từ Khoa Khám đến Khoa Nam, Khoa Dịch vụ..., bác sĩ Quang cho biết, ở đây, ngoài các bệnh nhân đến khám ngoại trú đa phần là bệnh nhẹ, thì còn có nhiều bệnh nhân điều trị nội trú. Có những trường hợp điều trị bệnh đã 10, 20 năm. Mỗi bệnh nhân ở đây là một cảnh ngộ khác nhau. Có người thì bị tâm thần phân liệt, thường hoang tưởng có người hại mình, bị đầu độc; nghe các ảo thanh, tiếng nói trong tai, trường hợp nguy hiểm nhất là những tiếng nói đó xúi giục người bệnh đi gây nguy hiểm cho người khác hay cho chính bản thân mình. Có người thì bị trầm cảm, có người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực...

Trong sân chơi đa năng, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc... Các bệnh nhân được vào đây để đi lại, thư giãn, vận động. Chỉ vào một bệnh nhân nam đang ngồi ở sân chơi đa năng, bác sĩ Quang cho biết, bệnh nhân T.H.C (43 tuổi, phường Hòa Thắng) cũng là một bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Ông C. điều trị ở bệnh viện từ những ngày đầu thành lập. Trước đây, bệnh nhân còn có bố đến chăm sóc, nhưng từ ngày bố ông C. mất, nhiệm vụ chăm sóc ông lại đến tay các anh em trong nhà. Bị bệnh tâm thần phân liệt, những lúc lên cơn kích động, ông C. lại đập phá đồ đạc, có khi là... những người xung quanh mình.

Tại Khoa Nam, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh - nữ bác sĩ trẻ sinh năm 1997 vừa về công tác tại bệnh viện được 7 tháng lại rất thích và muốn gắn bó với công việc này. Sau khi tốt nghiệp và công tác được 3 năm tại một bệnh viện quân đội ở tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Ánh tìm hiểu thông tin và xin về công tác tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa. Trong môi trường có nhiều đặc thù hơn so với bệnh viện đa khoa thông thường, nữ bác sĩ không cảm thấy e ngại mà vẫn rất yêu những việc mình đang làm. "Bản thân tôi tự nhận thấy mình có niềm đam mê với việc chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh ở đây. Bác sĩ chúng tôi không chỉ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mỗi người bệnh, mà còn phải nắm được tâm lý người nhà, hoàn cảnh gia đình người bệnh để có hướng điều trị thích hợp. Mỗi khi bệnh nhân có tiến triển hơn so với trước, dù là một chút thôi, chúng tôi vui lắm" - bác sĩ Ánh bộc bạch.

Cần có "tinh thần thép"

Trong câu chuyện với các y, bác sĩ tại đây, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện dở khóc, dở cười của những người đang ngày ngày nỗ lực chăm lo, điều trị cho các bệnh nhân. Trong đó, thường gặp nhất là những cú đánh, trận đòn không phải từ trên trời rơi xuống mà từ chính người bệnh. Bị đánh khi đang khám, khi đang thăm hỏi, khi đang phát thuốc... là việc quá đỗi bình thường với các bác sĩ, điều dưỡng, bảo vệ ở đây. "Ban đầu, ai chưa quen thì áp lực lắm, nhưng làm rồi thì sẽ biết cách để đề phòng, khắc phục" - bác sĩ Quang chia sẻ. Gắn bó với bệnh viện từ ngày đầu thành lập, mọi “hỉ, nộ, ái, ố” của nghề, hầu như bác sĩ Quang đã nếm trải. Còn với những bác sĩ trẻ, để làm việc trong môi trường đặc biệt này cũng không hề dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Kỳ Quang thăm khám cho bệnh nhân H.X.V.
Bác sĩ Nguyễn Kỳ Quang thăm khám cho bệnh nhân H.X.V.

Làm việc tại Khoa Liệu pháp hoạt động, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa gần 15 năm, cử nhân Nguyễn Quang Minh Hiền nhớ nhất lần mình đang hướng dẫn các bệnh nhân tham gia các hoạt động tại sân đa năng thì có bệnh nhân lên cơn bệnh, rút cây sắt chằng lưới cầu lông đuổi đánh mọi người trong sân. Để tránh các bệnh nhân khác bị tổn thương, cử nhân Hiền phải làm mọi động tác thu hút sự chú ý của bệnh nhân này về phía mình, tạo điều kiện cho các y, bác sĩ đưa các bệnh nhân khác ra ngoài. May mắn lúc đó cử nhân Hiền không bị thương tích. “Khi thấy mọi người đều an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đợt đó, chúng tôi được các bác sĩ tập huấn kỹ hơn về cách nhận biết những bệnh nhân có biểu hiện lên cơn bệnh để quan sát và có hướng phòng ngừa khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung. Đặc biệt, phải luôn nhớ, luôn luôn đi sau bệnh nhân để quan sát, không được đi trước bởi sẽ không xử lý kịp khi bị bệnh nhân đánh từ phía sau” - cử nhân Hiền kể.

Còn cử nhân Nguyễn Trọng Vũ - Khoa Liệu pháp hoạt động thì nhớ như in những lần theo đoàn bác sĩ của bệnh viện xuống cộng đồng. Khi ấy, cả đoàn “mặt dày” thuyết phục người nhà có người mắc bệnh tâm thần để đưa họ tới bệnh viện điều trị. Anh kể: Nhìn những bệnh nhân bị nhốt, bị xích chân tại nhà được gia đình đưa tới bệnh viện điều trị, chúng tôi thấy công việc của mình rất ý nghĩa. Có bệnh nhân trước kia chỉ biết gào hoặc thét, sau thời gian điều trị đã biết giao tiếp, trao đổi. Có người khi điều trị ổn, trước khi về nhà còn đi qua khoa gặp chúng tôi nói lời chào. Những tiến bộ của bệnh nhân là động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, gắn bó hơn với nghề.

Cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt

Hiện nay nhân lực của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa có 124 người, trong đó có 15 bác sĩ. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện khám và điều trị cho khoảng từ 150 - 170 bệnh nhân nội trú và khoảng 50 - 70 bệnh nhân ngoại trú. Với nhân lực trên, hiện tại đủ để bệnh viện hoạt động, tuy nhiên, đối với bác sĩ thì vẫn thiếu 5 người.

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Ánh Chương - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa, do đặc tính riêng biệt, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện phải đối mặt với áp lực công việc lớn, số lượng bệnh nhân đông; bác sĩ phải thường xuyên đối mặt với những tình huống nguy hiểm, căng thẳng và đôi khi không có thời gian nghỉ ngơi. Bệnh nhân tâm thần có thể có những hành vi khó lường, không ổn định, thậm chí có thể bỏ trốn hoặc gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Điều này đòi hỏi nhân viên y tế phải có kỹ năng chuyên môn cao, sự kiên nhẫn và khả năng ứng phó linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp. Nhiều bệnh nhân tâm thần đến từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có người thân chăm sóc, hoặc bị bỏ rơi, dẫn đến việc phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của bệnh viện. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực tâm thần chưa tương xứng với những khó khăn, áp lực mà họ phải đối mặt, dẫn đến tình trạng thiếu động lực và khó khăn trong việc thu hút, giữ chân nhân tài.

Các bệnh nhân sinh hoạt tập thể, vận động, vui chơi tại sân chơi đa năng.
Các bệnh nhân sinh hoạt tập thể, vận động, vui chơi tại sân chơi đa năng.

Hai năm trở lại đây, cùng với cơ chế, chính sách của tỉnh, bệnh viện phải xây dựng cơ chế thu hút riêng từ nguồn quỹ của bệnh viện mới thu hút và giữ chân thêm được 4 bác sĩ. Nhờ đó, đây là thời điểm bệnh viện có số bác sĩ đông nhất từ trước đến nay. Trước năm 2023, số lượng bác sĩ ở bệnh viện chỉ có tối đa từ 12 - 13 bác sĩ.

“Thời gian qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về tỉnh Khánh Hòa làm việc. Tuy nhiên, do cơ chế chưa phù hợp, mức ưu đãi nhận 1 lần khi về làm việc chênh lệch giữa bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tâm thần chỉ khoảng 10 triệu đồng nên việc thu hút bác sĩ về làm việc tại bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 đến 2023, bệnh viện chỉ tuyển được 1 bác sĩ về nhận công tác nhưng sau 2 năm tự ý bỏ việc. Đến cuối năm 2024, bệnh viện hợp đồng 3 bác sĩ, trong đó 1 bác sĩ làm việc hơn 4 tháng sau đó nghỉ việc. Do đó, bệnh viện rất cần có chế độ để giữ chân bác sĩ giống như chế độ bác sĩ ở các trạm y tế hiện tại. Đồng thời, HĐND tỉnh nên tăng mức kinh phí thu hút và có chế độ hỗ trợ hằng tháng cho bác sĩ làm việc ở những bệnh viện chuyên khoa khó thu hút nhân lực như: Lao, phổi, tâm thần…để các bệnh viện giữ chân bác sĩ tiếp tục công tác” - bác sĩ Chương kiến nghị.

Những công việc thầm lặng của các y, bác sĩ chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần cần có lòng yêu nghề, những "tinh thần thép". Mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ từ các cấp quản lý, các tổ chức xã hội, cũng như sự đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng để công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần ngày càng được nâng cao.

THẢO LY - VĨNH THÀNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202507/bac-si-cua-nhung-benh-nhan-dac-biet-d1a5311/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm