Bài 1: Vạn sự khởi đầu nan
Bài 3: Tạo đà cho đổi mới, phát triển
Tiền Giang đang bước vào chặng đường mới với nhiều thách thức, khó khăn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng sẽ giúp cho tỉnh nhà tiếp tục gặt hái những thành công mới.
DIỆN MẠO MỚI
Tiền Giang nay đã khác. Diện mạo mới của Tiền Giang được khơi nguồn từ sự nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ; trong đó, mạng lưới hạ tầng giao thông được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo mới của Tiền Giang sau 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước.
Bởi, nếu nhìn vào lịch sử, sau ngày 30-4-1975, hệ thống hạ tầng giao thông của Tiền Giang còn nhiều hạn chế. Nhiệm vụ cấp bách của ngành Giao thông lúc này là khôi phục lại toàn bộ hệ thống giao thông bị chiến tranh tàn phá.
Tiềm năng phát triển khu vực phía Đông còn rất lớn. Ảnh: TRUNG HẬU |
Thực hiện chủ trương này, các tuyến đường tỉnh được khẩn trương sửa chữa gồm: Đường 20 (đường tỉnh 869) đi từ Quốc lộ 4 cũ ngay ngã ba An Cư (huyện Cái Bè) đến Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) dài 18 km, đường tỉnh 29 (đường tỉnh 868) đi từ bến đò Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đến cầu Hai Hạt giáp ranh tỉnh Long An dài hơn 28 km, nặng nhất là đoạn dọc tuyến kinh 12 bị bom đạn phá hỏng nhiều chỗ, đường Long Định (đường tỉnh 867) đi từ Quốc lộ 4 cũ (xã Long Định, huyện Châu Thành) đến kinh Bắc Đông (huyện Tân Phước) giáp ranh tỉnh Long An dài 22 km…
Chưa kể, một số công trình có quy mô lớn nhưng thực hiện thủ công, như tuyến đường Nguyễn Văn Tiếp (đường tỉnh 665) có chiều dài 45 km, huy động hàng trăm ngàn ngày công đắp trong 100 ngày thì hoàn thành nền đường. Theo con số thống kê cho thấy, từ năm 1976 đến năm 1980, toàn tỉnh chỉ có 212 km đường và 56 cầu; trong đó, nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện được xây mới.
Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được tỉnh tập trung, nhiều công trình, dự án được thực hiện, nhờ đó đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Tiếp tục thực hiện chủ trương này, đến năm 2.000, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được 1.427 km, có 131 km đường nhựa, 425 cầu; trong đó, có 135 cầu bê tông có trọng tải lớn, với tổng chiều dài 2000 m.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng chú trọng xây dựng các tuyến đường liên xã và đường các khu dân cư đến trung tâm hành chính xã, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cùng với xu hướng này, trong những năm gần đây, Tiền Giang tiếp tục chọn đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm một trong những khâu đột phá.
Hiện thực hóa chủ trương này đã giúp cho Tiền Giang có diện mạo hoàn toàn mới, nhiều công trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó có cả những dự án trọng điểm mang tính kết nối nội vùng và liên vùng.
Chủ trương chọn đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá tiếp tục được tiếp nối. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền” là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh.
Kết quả thực hiện đến nay cho thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo, Quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi, đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) và phát triển hệ thống đường giao thông đô thị, đường giao thông nông thôn nhằm từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực vận tải tăng qua các năm. Cụ thể, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng bình quân 7,4%/năm, luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 5,9%/năm, khối lượng vận chuyển hành khách tăng bình quân 5,7%/năm, luân chuyển hành khách tăng bình quân 6,2%/năm…
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN
Sau đúng 50 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Tiền Giang đã gặt hái rất nhiều thành công trên nhiều mặt trận từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội.
Dưới góc nhìn của người đã gắn bó gần suốt 50 năm trên mảnh đất Tiền Giang, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm chia sẻ, năm 1976, ông đã có mặt ở mảnh đất Tiền Giang khi trong tay chỉ với bằng trung cấp nhưng được rèn luyện mấy năm trong chiến trường và với mong muốn làm giàu cho quê hương đất nước.
50 năm đã trôi qua, bản thân ông thấy mình đã thành đạt; bởi cũng ngần ấy thời gian ông tham gia lãnh đạo hợp tác xã, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động, đơn vị vận tải nội địa hàng đầu của Việt Nam.
Hạ tầng giao thông trở thành điểm nhấn quan trọng của Tiền Giang sau 50 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TRUNG HẬU |
Với những gì đạt được của cá nhân và gia đình, ông cũng cảm nhận về một Tiền Giang cũng như vậy. Bởi sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, đất nước còn nghèo nàn, dân trí còn thấp, nhưng nay Tiền Giang nói riêng, cả khu vực nói chung đã phát triển rất mạnh mẽ, đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, đời sống người dân khấm khá hơn nhiều, dân trí cũng đã thay đổi.
Chưa kể, quy mô nền kinh tế, xuất khẩu của Tiền Giang nhiều năm đã nằm trong nhóm đầu của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
“Ngay cả bản thân tôi cũng chưa tưởng tượng quê hương Tiền Giang có bước phát triển như vậy. Tôi rất may mắn là được đi cùng với sự phát triển của Tiền Giang trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm qua. Chắc chắn Tiền Giang sẽ còn tiếp tục phát triển”- ông Trần Đỗ Liêm cho biết.
Nhìn từ góc độ là doanh nhân, người đã tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất Tiền Giang hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, Tiền Giang đã phát triển một cách vượt bậc.
Bởi khi mới đặt chân đến mảnh đất này, Khu công nghiệp Mỹ Tho cũng chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư, nhưng hiện nay Tiền Giang không chỉ có Khu công nghiệp Mỹ Tho còn có Khu công nghiệp Long Giang, Tân Hương… với rất nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Diện mạo Tiền Giang nay thay đổi rất nhiều cũng cho thấy doanh nghiệp đầu tư tại Tiền Giang đã thành công. Điều này cũng cho thấy sự sát cánh, đồng hành, chia sẻ của các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang với cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông của Tiền Giang cải tiến rất nhiều, nhất là hệ thống cầu, đường đã tạo thuận lợi hơn cho quá trình lưu thông hàng hóa.
Với đà này, những năm tới, Tiền Giang chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. “Kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tôi nghĩ rằng Tiền Giang là một trong những tỉnh đi đầu của Đồng bằng sông Cửu Long, đạt được những thành tựu rất tốt đẹp”- ông Nguyễn Văn Đạo nhấn mạnh.
Đúng 50 năm đã trôi qua kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong chuỗi chiều dài lịch sử ấy, Tiền Giang cũng đã nỗ lực chuyển mình vươn lên cùng đất nước.
Những thành tựu mà Tiền Giang đạt được khó có thể cân, đo, đong, đếm chính xác được. Song, bức tranh kinh tế - xã hội thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế được tập trung chăm lo… cũng đã thể hiện được những gì mà Tiền Giang đã cố gắng.
Cùng với cả nước, chặng đường tiếp theo của Tiền Giang cũng thênh thang nhưng cũng lắm gập ghềnh. Bởi đây là bước ngoặt quan trọng để Tiền Giang tiếp tục chuyển mình vươn lên thành tỉnh công nghiệp, trở thành nơi đáng sống như nội dung quan trọng được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chưa kể, trong chặng đường tiếp theo, thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, Tiền Giang sẽ còn nhiều dư địa để phát triển hơn.
ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/chao-mung-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-bai-cuoi-buoc-tiep-chang-duong-moi-1040694/
Bình luận (0)