Những cây trồng một thời “đỉnh cao”
Đầu tiên có thể kể đến cây nhãn. Ở tỉnh Vĩnh Long (tỉnh cũ, trước khi hợp nhất), nhãn có mặt khá sớm, bộc phát mạnh vào đầu những năm 2000. Diện tích nhãn lên cao nhất vào năm 2003 với 11.232ha, sản lượng 91.085 tấn. Khi đó, nông dân ồ ạt cải tạo vườn tạp, lấp mương, lấp vũng, lấn bãi bồi, lấn ruộng lên liếp lập vườn trồng nhãn; tỉnh đã chuyển “quy hoạch” đưa cây nhãn thành cây trồng chủ lực thứ hai (sau cây lúa) và là cây ăn trái đứng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nhiều nhà vườn đột ngột khá giàu lên nhờ bán nhãn trái, cây giống. Giá nhãn tiêu da bò có lúc lên trên 20.000 đồng/kg.
Cây nhãn từng có một thời “lên hương”, nhiều nhà vườn giàu lên nhờ bán nhãn trái, cây giống.
Sau năm 2003, giá nhãn bắt đầu giảm dần, có lúc vào chính vụ nhãn bán tại vườn chỉ được 500 đồng/kg cũng không ai mua, nhiều nhà vườn sợ lỗ không thèm hái. Giá nhãn xuống thấp cộng với dịch bệnh hoành hành, phá vườn nhãn. Diện tích nhãn từ đó giảm dần từ 10.918ha năm 2004 xuống còn còn 9.786ha vào năm 2010. Từ đó, thời “hoàng kim” của nhãn kết thúc, đến năm 2024 cả tỉnh còn 5.980ha trồng nhãn.
Kế đến là khoai lang, loại cây trồng chủ lực thứ 3 của tỉnh được trồng nhiều nhất (diện tích chiếm trên 95% diện tích toàn tỉnh), tập trung ở các xã Tân Lược, Tân Quới và Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long mới). Phong trào trồng khoai lang phát triển mạnh trong 10 năm (từ năm 2008-2018) với diện tích, sản lượng lên cao nhất trong 2 năm 2017-2018 là 4.898ha, sản lượng 141.149 tấn (năm 2008) và 14.693ha, sản lượng 381.044 tấn (năm 2018). Giá khoai lang (khoai củ) tăng cao nhất là vào năm 2018, khi đó khoai tím Nhật lên 1,3 triệu đồng/tạ (1 tạ bằng 60kg), trắng sữa 500.000 đồng/tạ, trắng giấy 850.000 đồng/tạ, bí đường 700.000 đồng/tạ. Năm 2019, giá khoai, nhất là khoai tím Nhật bắt đầu lao dốc do tình hình xuất khẩu khoai lang còn gặp rất nhiều khó khăn vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, trong đó giá khoai “rớt” mạnh nhất vào 2 năm 2021-2022 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xuất khẩu sang Trung Quốc bị bế tắc.
Ngày 19-4-2024, tại huyện Bình Tân, ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Long (cũ) đã tổ chức buổi lễ công bố xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc, hé lên sự khởi sắc cho xuất khẩu khoai lang. Tuy nhiên, sau khi tăng lên mức hơn 1 triệu đồng/tạ vào đầu tháng 6-2024; sau đó đến tháng 5-2025, giá khoai lang tím Nhật duy trì ở mức thấp 400.000 đồng/tạ, các loại khoai lang khác từ 230.000-250.000 đồng/tạ. Từ năm 2024 đến nay, mỗi vụ khoai trong năm, bà con chỉ xuống đạt dưới 400ha/vụ!
Và cuối cùng có thể kể đến là cây cam sành. Ở tỉnh Vĩnh Long trước đây, cây này được trồng khởi đầu tại huyện Tam Bình, sau đó lan sang các huyện lân cận như Trà Ôn, Vũng Liêm. Sau khi dịch bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ greening giảm mạnh vào năm 2009-2010, cây cam sành hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trở lại nhờ nhà vườn quản lý tốt dịch bệnh, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và giá trái cam sành lên cao, từ 20.000-30.000 đồng/kg (năm 2009).
Giai đoạn phát triển “đỉnh cao nhất” của cam sành ở tỉnh Vĩnh Long là từ năm 2019-2022 với diện tích tăng từ 1.600-2.200ha/năm; đến năm 2022, diện tích trồng cam sành đạt 15.458ha/63.121ha diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, đứng đầu nhóm cây ăn trái của tỉnh. Thế nhưng, từ cuối năm 2023 đến nay, giá cam, sành trượt dài, giá cam thương lái mua tại vườn phổ biến từ 2.000-5.000 đồng/kg và nhiều điểm “giải cứu” trái cam sành đã xuất hiện nhiều nơi. Hiện nay nhiều nhà vườn trồng cam sành đang trong hoàn cảnh “cam chịu”...
Vì sao cây trồng “đỉnh cao” lại mau “rớt đời”?
Theo các chuyên gia, sự thăng trầm của các cây trồng nêu trên có nhiều yếu tố tác động, trong đó sản lượng cung ứng trên thị trường và nhu cầu của xuất khẩu là 2 yếu tố quan trọng nhất. Nếu sản lượng cung ứng trên thị trường đầy đủ và có đều các tháng trong năm thì giá cả ổn định, còn ngược lại thì giá cả lên xuống thất thường; và khi thị trường xuất khẩu gia tăng thì nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng, các cây trồng “lên hương”, còn ngược lại thì cây trồng “xuống dốc không phanh”.
Những năm trước đây, nhà vườn ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung chưa có kinh nghiệm làm cho nhãn, cam sành… ra trái nghịch mùa nên các loại cây này thường cho hoa, cho trái một đợt rộ trong năm rồi ngưng tới năm sau; giá nhãn, cam sành… khi đó cũng giảm từ đầu mùa đến giữa mùa, sau đó tăng trở lại đến hết mùa. Những năm gần đây, nhà vườn biết cách làm cho cây ra hoa, trái nghịch mùa và mùa vụ thu hoạch đều trong năm. Giá nhãn, cam sành mùa nghịch tăng đôi chút nhưng sản lượng vụ nghịch cũng không nhiều (chủ yếu là sản lượng chính vụ chiếm tỷ lệ lớn trong năm) nên lượng cung không đủ, giá cả không tăng cao được.
Bên cạnh đó, việc cho ra hoa, ra trái và phân phối nhãn trên thị trường đều do hộ nhà vườn quyết định. Phần lớn nhà vườn chưa gắn kết với nhau, chưa gắn kết với các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Thông thường, nhà vườn căn cứ vào thời điểm nhãn, cam sành… có giá cao của năm trước hoặc vào vụ trước đó để điều chỉnh thời gian cho ra hoa, ra trái năm năm sau, vụ sau. Tuy nhiên, do đa số nhà vườn không biết thông tin sản lượng trên thị trường, nên tất cả họ đều chọn cùng vào thời điểm có giá bán cao như vậy mà cho ra trái, do đó sản lượng tăng đột biến là điều khó tránh khỏi. Chính điều này đã làm cho giá nhãn, cam sành biến động ngược lại với ý muốn của nhà vườn. Sản lượng thu hoạch và cung ứng trên thị trường không cân đối theo thời gian, tình trạng khi thì sản lượng dư thừa, khi thì sản lượng khan hiếm đã thường xảy ra, đây chính là điểm yếu trong tổ chức và cung ứng nhãn, cam sành trên thị trường, một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho giá bán có lúc “tăng vọt”, có lúc “rớt giá thê thảm”.
Nguyên nhân quan trọng nữa là giá bán, lượng tiêu thụ nhãn, khoai lang còn tùy thuộc vào thị trường lớn, như Trung Quốc, Đài Loan. Khi nhu cầu của thị trường này nhiều thì nông dân liên tục mở rộng diện tích trồng, nên nguồn cung vượt cầu. Hơn nữa, do cách làm ăn và chất lượng sản phẩm của ta chưa đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của nước này, chưa giữ “chữ tín” trong thương mại, nên dần dà bị mất vị thế và nhường chỗ cho Thái Lan và một số nước khác. Có thể thấy cụ thể là những lúc giá bán đột ngột lên cao, sản lượng không đủ cung, nông dân, nhà doanh nghiệp tìm đủ mọi “mánh khóe” để tráo hàng như độn những sản phẩm có chất lượng kém, chưa đủ kích cỡ, chưa đủ độ chín vào thùng để xuất khẩu… Hệ quả của việc làm trên đã đưa tình hình sản xuất, xuất khẩu ở ĐBSCL đi vào khúc lẩn quẩn: giá cả thăng trầm, chất lượng kém, cạnh tranh yếu, thu nhập kém, đầu tư và tái đầu tư kém.
Hiện ở vùng ĐBSCL còn có một số cây trồng đang vào “thời đỉnh cao” hoặc trở lại “thời đỉnh cao” (như dừa), để tránh đi vào vết xe đổ của các loại cây trồng nêu trên thì nhà vườn, nông dân và các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã) phải nhanh tính đến chuyện thay đổi cách làm ăn, cách sản xuất, cách cung ứng, phân phối sản phẩm và tiếp cận thị trường, liên kết nhau trong sản xuất và cung ứng sản phẩm trên thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và uy tín nhãn hiệu hàng hóa… thì mới tồn tại và phát triển ổn định, dài lâu được.
Bài, ảnh: HẠNH LÊ
Nguồn: https://baocantho.com.vn/bai-hoc-tu-trong-cay-theo-phong-trao-a188563.html
Bình luận (0)