Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Băn khoăn quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN nhỏ và vừa nói riêng, nguồn tài chính cho sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng, nhưng để tiếp cận vốn vay là rất khó khăn.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai19/05/2025

Sản xuất tại một doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia

Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân lần này của Nhà nước đề cập đến nhiều yếu tố, trong đó có quỹ để bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Đây là vấn đề mà cộng đồng DN đang rất quan tâm.

Doanh nghiệp khó khăn cần hỗ trợ

Hiện nay, đối với các DN nhỏ và vừa, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nhiều yếu tố tác động đến DN. Theo Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, mặt bằng lãi suất cho vay khá cao trong khi biên lợi nhuận của DN nhỏ và vừa lại thấp, đặc biệt là trong các ngành sản xuất, xuất khẩu và xây dựng.

Ngoài khó tiếp cận vốn, nhiều DN nhỏ và vừa còn gặp vướng mắc trong việc đáp ứng các yêu cầu về tài sản đảm bảo, hồ sơ tín dụng và khả năng chứng minh dòng tiền kinh doanh. Các ngân hàng thận trọng xét duyệt hồ sơ tín dụng, dẫn đến tình trạng thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ.

Thực tế, chưa có nhiều gói tín dụng ưu đãi riêng cho các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, đổi mới công nghệ hoặc chuyển đổi số. Việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, thủ tục phức tạp.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Quốc Nghi cho rằng, trong ngắn hạn, cần hạ trần lãi suất cho vay đối với DN nhỏ và vừa, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Tăng cường sử dụng công cụ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, với điều kiện ưu tiên cho các khoản vay phục vụ sản xuất và kinh doanh thực tế. Khuyến khích các ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ linh hoạt, hỗ trợ các DN cơ cấu lại dòng tiền. Về dài hạn, cần quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp nhằm có phương án kinh doanh khả thi. DN mong muốn được hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính trong xét duyệt và giải ngân tín dụng, giúp giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Không chỉ DN nói chung, trong lĩnh vực xuất khẩu cũng cần “vốn mồi” để hỗ trợ. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh. DN đầu tư, xuất khẩu chiếm giá trị cao trong nền kinh tế nên các giải pháp về tài chính cấp vốn cho DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu là rất quan trọng. Theo GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cần có quỹ đầu tư để làm “vốn mồi”, khuyến khích DN lựa chọn lĩnh vực đầu tư, sản xuất phù hợp với tình hình thị trường trong nước, quốc tế. Quỹ hỗ trợ đầu tư không chỉ giúp giảm bớt các khó khăn tài chính, mà còn tạo điều kiện cho các DN nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới, gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài toán làm sao để đạt hiệu quả

Đối với vấn đề vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa, phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào chiều 15-5 về Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và đúng đắn.

Đề cập đến quy định về quỹ phát triển DN nhỏ và vừa với chức năng cho vay khởi nghiệp, hỗ trợ cho vay DN nhỏ và vừa…, Phó thủ tướng  cho rằng, làm sao để có thể đạt được hiệu quả của chính sách mới là điều quan trọng. Nếu thiết kế không cẩn thận thì chính sách có thể bị thất bại ngay từ đầu. Bởi thực tế các ngân hàng cho vay có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp còn trầy trật trong thu hồi vốn vay. Nếu quỹ không cho vay thế chấp thì bài toán thu hồi vốn, bảo toàn quỹ là rất khó khăn, thậm chí không thể làm được.

Trong thực tế, các địa phương như: Đà Nẵng, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Nam… đã có quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa nhưng hoạt động không hiệu quả và lần lượt giải thể. Tại Đồng Nai cũng không nhiều DN, cá nhân tiếp cận, vay vốn được từ quỹ, hiện trạng quỹ đang do Quỹ Đầu tư và phát triển Đồng Nai quản lý và cũng đang trong quá trình chờ giải thể.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc  đánh giá, quỹ này nên hỗ trợ, hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau, làm nhiệm vụ hỗ trợ DN nhưng phải quy định rõ hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ hay hỗ trợ nâng cao nhân lực, thu hút công nghệ cao…

Theo các chuyên gia, để hoạt động bảo lãnh tín dụng trở về đúng với bản chất vốn có - là công cụ hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ. Theo thạc sĩ Lê Nam Long, giảng viên Trường đại học Thương mại, cần xem xét tăng mức bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt quy định về điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng, đơn giản hóa thủ tục nhằm giúp các DN tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn.

Văn Gia

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/ban-khoan-quy-ho-tro-bao-lanh-tin-dung-cho-doanh-nghiep-3862afc/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm